03:10 14/03/2012

Lên Mặt trăng, Nga chậm chân hơn Mỹ 60 năm!

60 năm sau khi sứ mạng Apollo của NASA chấm dứt cuộc chạy đua vào vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô, Nga sẽ đưa các phi hành gia lên Mặt trăng.

60 năm sau khi sứ mạng Apollo của NASA chấm dứt cuộc chạy đua vào vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô, Nga sẽ đưa các phi hành gia lên Mặt trăng.

Năm 1969, tầu Apollo 11 đưa người lên Mặt trăng. Ảnh Internet.


Theo một tài liệu chiến lược bị rò rỉ của Cơ quan Vũ trụ Nga, Roskosmos, năm 2030, một tàu vũ trụ “sẽ tiến hành chuyến bay thử nghiệm có người lái quanh mặt trăng”, sau đó các phi hành gia sẽ hạ cánh xuống bề mặt “chị Hằng” và quay trở về trái đất.

Những năm gần đây, giới chức Nga thường định kỳ thông báo về những kế hoạch tham vọng nhằm thám hiểm vũ trụ, nhưng đây là lần đầu tiên có thông tin về một thời hạn xác định cho sứ mạng lên mặt trăng có người lái của nước này.

Nga từng giành chiến thắng ở vòng đầu trong cuộc đua với Mỹ, khi họ đưa thành công phi hành gia đầu tiên (Yuri Gagarin) lên quỹ đạo trái đất vào năm 1961. Tuy nhiên, Neil Armstrong và Buzz Aldrin Jr đã hoàn thành cam kết của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy khi họ đặt chân lên mặt trăng vào cuối thập niên đó, với cuộc hạ cánh vào ngày 20/7/1969 từ tàu Apollo 11. Sau đó, Liên Xô đã lặng lẽ hủy bỏ các chương trình mặt trăng của mình.

Các kế hoạch đưa phi hành gia lên mặt trăng được giới chức nước này hy vọng có thể giúp khôi phục chương trình vũ trụ của Nga sau một giai đoạn nhiều trục trặc. Năm 2011, một loạt vệ tinh đã bị rơi, và tháng 1 năm nay, tàu thăm dò sao Hỏa, Fobos Grunt, đã rơi trở lại trái đất sau lần phóng thất bại 2 tháng trước đó. Tuần trước, Roskosmos tiếp tục bị bẽ mặt sau khi có tin giám đốc cơ quan này, Vladimir Popovkin, sứt đầu mẻ trán vì cãi lộn tại nơi làm việc.

Tuy nhiên, kế hoạch đưa người lên mặt trăng muộn màng đã vấp phải phản ứng từ nhiều nhà khoa học. Ông Yury Karash, thành viên Viện nghiên cứu Khoa học du hành vũ trụ Nga cho rằng: “Danh tiếng của ngành vũ trụ Nga sẽ không được khôi phục chỉ bằng một chuyến bay biểu tượng tới mặt trăng. Khó có thể tìm ra một cách nào làm tổn hại uy tín của Nga cũng như nhấn mạnh sự lạc hậu công nghệ của Nga hơn là đưa phi hành gia tới mặt trăng 60 năm sau tàu Apollo”. Nhà khoa học này cho rằng, tốt hơn là nước Nga nên dành các nguồn lực của mình cho một chuyến bay có người lái tới sao Hỏa, một sứ mạng đòi hỏi công nghệ mới nhằm đảm bảo một hành trình dài khoảng 450 ngày tới hành tinh Đỏ.

Liên Xô đã hủy hai chương trình mặt trăng trong thập niên 1970 sau thành công của tàu Apollo 11, tuy nhiên, điều này chỉ được công khai vào năm 1990. Trong kỷ nguyên hậu Xô viết, Nga đã hợp tác với các quốc gia khác trong dự án Mir và trạm Vũ trụ quốc tế (ISS). Các tàu Soyuz của họ hiện đang đảm nhiệm toàn bộ nhiệm vụ đưa người và thiết bị lên ISS.

Năm ngoái, phát biểu nhân dịp kỷ niệm 50 năm chuyến bay của Gagarin, Thủ tướng Nga, Vladimir Putin từng nói: “Nước Nga sẽ không tự hạn chế mình chỉ ở vai trò của một người “đưa đò” vũ trụ quốc tế”. Theo ông Putin, các sứ mạng vũ trụ có người lái sẽ được khôi phục vào năm 2018, và hiện một sân bay vũ trụ trị giá 13,5 tỉ USD đang được xây dựng ở Vostochny, vùng Viễn Đông Nga.

Cho đến nay, trên thế giới chỉ có Liên Xô (và Nga ngày nay), Mỹ và Trung Quốc từng phóng các chuyến bay có người lái vào vũ trụ. Năm 2010, Ấn Độ tuyên bố họ muốn phóng chuyến bay có người lái lên mặt trăng vào năm 2020, trong khi các chuyên gia nhận định, Trung Quốc có thể làm được điều đó vào năm 2025.

Năm 2020, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cho biết, ông hy vọng sẽ đưa được các nhà du hành tới sao Hỏa vào thập niên 2030, tuy nhiên, trong tháng trước, nhà lãnh đạo Mỹ lại cắt giảm ngân sách dành cho các sứ mạng không người lái lên vũ trụ. Ông Obama cũng hủy bỏ kế hoạch của người tiền nhiệm George Bush về đưa phi hành gia trở lại mặt trăng vào năm 2020.

Thu Hằng