11:17 29/11/2012

Lễ Ok om bok của đồng bào dân tộc Khmer

Đồng bào Khmer ở nước ta hầu hết theo đạo Phật nên việc cúng Phật trời đã trở thành nét văn hóa truyền thống trong đời sống tinh thần của bà con. Điều đó càng thể hiện rõ nét hơn trong ngày lễ Ok om bok hay còn gọi là lễ cúng trăng.

Đồng bào Khmer ở nước ta hầu hết theo đạo Phật nên việc cúng Phật trời đã trở thành nét văn hóa truyền thống trong đời sống tinh thần của bà con. Điều đó càng thể hiện rõ nét hơn trong ngày lễ Ok om bok hay còn gọi là lễ cúng trăng.


Đồng bào Khmer tin rằng trong muôn vạn kiếp luân hồi của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có một kiếp Đức Thế Tôn tái sanh là một con thỏ trắng thông minh, giàu lòng nhân ái, chuyên làm việc thiện như bố thí, giúp đỡ người khác, thuyết pháp độ đời… Vì quyết tâm làm việc thiện để làm thức ăn cho một thợ săn nhưng thợ săn ấy vốn là đức Đế Thích (tên của một vị thánh nhân trong Phật giáo). Để ghi lại công đức của chú thỏ vì bố thí mà không màng đến cuộc sống của bản thân nên đức Đế Thích dùng phép khắc họa hình tượng của thỏ vào một tảng đá lớn nhất trên cung Trăng để chư thiên và nhân loại theo đó mà noi gương. Chính vì thế cho nên cứ mỗi độ trăng tròn tháng 10 âm lịch hằng năm, người Khmer lại tổ chức lễ hội hướng về mặt trăng để tưởng nhớ. Vì hình thức cúng trăng bằng cốm dẹp (tiếng Khmer gọi Om Bóc) nên người Khmer gọi lễ cúng trăng là lễ Ok om bok.

 

Trong ngày lễ Ok om bok, có đến hàng chục đội ghe ngo đến từ các tỉnh ĐBSCL tham dự.


Lễ Ok om bok tại Sóc Trăng diễn ra với nhiều hoạt động vui chơi giải trí, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer: Múa dù kê, rô băm, thi cờ ốc, trưng bày các hình ảnh về văn hóa dân tộc Khmer… Vào đêm rằm trăng sáng, nhà nhà trong phum sóc đều chuẩn bị mâm cỗ cúng trăng, hàng ngàn ngọn nến được thắp lên chiếu sáng trong các ngôi chùa và sân nhà…, và cốm dẹp, một món ăn được chế biến từ nếp mới được dùng để tạ ơn trời đất. Tại các chùa hoặc các sân nhà, con cháu trong gia đình tập trung cúng trăng và giao lưu văn nghệ, các trò chơi dân gian giải trí.

 

Văn nghệ chào mừng.

 
 

Các đội ghe ngo nhận cờ lưu niệm của Ban tổ chức giải.


Trải qua thời gian, nghi thức lễ cúng trăng ngày một khác. Hiện nay, có nơi tổ chức với hình thức tập trung, cũng có nơi tổ chức riêng lẻ ngay tại gia đình. Nhưng điểm tổ chức nổi bậc nhất là ở Sóc Trăng. Đến với lễ hội Ok om bok ở Sóc Trăng chẳng những được nghe kể truyền thuyết mà còn được thưởng thức các bài ca, điệu múa, các trò chơi dân gian giải trí của đồng bào dân tộc Khmer. Đặc biệt là môn đua ghe ngo diễn ra trên dòng sông Maspéro thành phố Sóc Trăng; đây là hình thức thể thao nổi tiếng nhất của người Khmer được đông đảo khán giả trong và ngoài nước ưa chuộng.

 

Sông Maspéro đêm trăng rằm lễ hội.


Năm nay, lễ hội Ok om bok ở Sóc Trăng được Đảng, Nhà nước nâng tầm lên trở thành Festivan nhằm gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.
Lễ hội Ok om bok còn là điểm hội họp của các phụ lão, các vị lão thành cách mạng nhằm ôn lại truyền thống cách mạng bất khuất của dân tộc.

 

Bài và ảnh: Xuân Trang