10:08 04/10/2012

Lập thu

Lập thu, nắng vẫn vàng ruộm, từ mép sóng, Diệu gần như bật khóc khi không thể nhìn thấy thảm hoa cát cánh lung linh. Đã tàn mùa hoa rồi, lời hứa hàng năm trở lại khoảnh rừng khế có cát cánh mùa hạ đã không thể thực hiện được.

Mới đó mà đã lập thu. Diệu mới sực nhớ ra là cả mùa hạ vừa qua mình quên đi chụp hoa cát cánh như năm ngoái. Đó là một khoảnh rừng nằm kề bên bờ biển. Diệu vẫn còn nhớ rất rõ thảm cát cánh tím lung linh dưới những gốc khế già.


Khế là giống cành nhánh giòn, dễ gãy, thường chỉ được trồng ở vùng trung du, trong các vườn nhà, vậy mà ở nơi hay có biển động này, nó lại mọc lên như thách thức gió bão. Và cái loài hoa cát cánh mong manh ấy nữa, dường như đồng lõa, cũng luôn nhớ trở lại vào các mùa hạ trong năm, không bao giờ suy suyển, không bao giờ lỡ hẹn.

 

*
* *


Nhờ Triều, Diệu mới biết đến nơi này. Trong những giấc mơ ngày thơ bé, người đàn ông trong tưởng tượng của Diệu phải có một thân hình cao lớn, vững chãi, làn da ngăm đen và đôi mắt xa xăm. Người ta bảo những đứa trẻ sớm thiếu bàn tay chăm sóc của người cha thường dễ nhạy cảm với người khác giới, yêu sớm, lập gia đình sớm. Trường hợp của Diệu, chỉ đúng ở vế trước. 25 tuổi Diệu mới biết yêu, một tình yêu sét đánh mà cái người ấy khác xa với những mơ mộng ngày thơ.


Triều ít hơn Diệu đến ba tuổi, vóc dáng bình thường, da nâu không có gì nổi bật. Anh cũng không có đôi mắt buồn xa xăm, đôi mắt một mí nhỏ xíu của Triều luôn ánh lên những tia vui vẻ, tinh nghịch. Chỉ có điều, có vẻ như gia đình Triều rất khá giả. Biển xe của anh là năm con số y hệt nhau. Ở thành phố này, nhiều người muốn có biển số ấy phải bỏ ra một số tiền rất lớn để mua, mà có khi muốn cũng chẳng mua được.

Minh họa: Trần Thắng


Thời gian ấy, cha Diệu ở Mỹ gấp rút làm thủ tục để bảo lãnh mẹ con Diệu sang đó. Sự chờ đợi quá lâu làm ông trở nên gắt gỏng, thậm chí hằn học. Bà Ngân- mẹ Diệu biết điều ấy nhưng không hiểu vì lẽ gì, cứ lần khân mãi.


Triều yêu chiều Diệu bằng một sự lặng lẽ, nhường nhịn ghê gớm. Đôi lúc còn khiến Diệu nghi kỵ. Trong mắt mọi người, Diệu chẳng qua là gái ế, không có nhà ở thành phố, không se sua chưng diện, không chức tước, không hàm phẩm, không chỗ dựa, không gì cả, chỉ cứu lại được bởi sự trẻ trung, hồn nhiên của một vóc dáng nhỏ nhắn. Diệu đã theo Triều đi khắp nơi, những chuyến “phượt” lặng lẽ chỉ có hai người. Phải rất lâu sau đó, mọi người mới biết được chuyện tình của Diệu. Người ta nhìn Diệu với ánh mắt e ngại. Không ai có thể quen ngay với cảnh phi công trẻ lái máy bay bà già và cả sự dịu dàng đến tan chảy của Triều.


Nhưng trong diễn trình ngọt ngào ấy, có một chuyện khiến Diệu đau đầu. Đó là sự hai mặt của mẹ Diệu. Khi dẫn Triều về nhà, bà Ngân, từ một người bản tính hiền lành, ít nói bỗng xởi lởi, vui vẻ đến ngỡ ngàng. Triều như một cơn gió đông hiền hòa tràn vào căn nhà nhỏ của mẹ con Diệu. Và Diệu là người ngây ngất nhất trong hạnh phúc ấy. Thế nhưng, vừa tiễn người yêu của con gái về, bà Ngân đã sầm mặt lại. “Mẹ không biết con quen Triều như thế nào? Nhưng hai đứa không hợp. Tuổi cũng không mà tính cách, gia cảnh lại càng không”. Diệu ngỡ ngàng đến mức cứng miệng chẳng thốt nên một lời nào. Cái cách mà bà Ngân gọi tên Triều như đã thân quen từ lâu lắm, và cả ánh mắt sáng bừng khi Triều bước chân vào nhà Diệu. Một nỗi ghen tức cứ dâng lên trong lòng, làm Diệu nghẹn lại, mãi mới thốt nên lời “Sao bây giờ mẹ mới nói. Sao không nói lúc Triều còn đang ở đây. Mọi việc mẹ chọn đúng thời điểm lắm mà”. Diệu đã tưởng sẽ có một cuộc tranh luận nổ ra, nhưng không có gì cả. Bà Ngân lặng lẽ xuống dọn dẹp bếp núc, thậm chí còn không dám nhìn Diệu một cái, như cách bà vẫn thường hăm dọa mỗi khi cô con gái cứng đầu không nghe lời mẹ.


*
* *


Từ bé, giữa Diệu và mẹ đã có một cái hố ngăn cách. Miệng lưỡi người đời không gì che chắn nổi. Người ta vẫn thường nói về trường hợp mẹ xinh con xấu của bà Ngân và Diệu như một giai thoại từ thời trung cổ hoặc xa xăm mấy nghìn năm trước. Thực ra, so với quan niệm vẻ đẹp ngày nay, đã bị Tây hóa, Diệu cũng không bị liệt vào hạng xấu, thậm chí còn mang cá tính độc đáo rất khó trộn lẫn. Nhưng giữa một phụ nữ to cao, da trắng, tóc đen thẳng, nét mặt hài hòa, phúc hậu với một đứa trẻ tóc xoăn, nâu, miệng rộng, da nâu, vóc người nhỏ, dù có đôi má lúm cứu lại cũng không ăn nhập gì cả. Diệu biết mình giống cha, nhưng cha thì cứ như cổ tích. Hình ảnh của ông chỉ còn hiện diện qua những cảm xúc dỗ dành, nài nỉ, tức giận khi không kéo được mẹ con Diệu sang bên kia đại dương với mình.


*
* *


Diệu đã đến nhà Triều. Đó là một căn nhà đẹp. Mẹ Triều là một người phụ nữ hiền dịu, đoan trang. Một phụ nữ đẹp trong một căn nhà đẹp. Điều đó khiến Diệu thấy yên lòng. Nụ cười thoáng qua môi mẹ Triều khi bà biết Diệu hơn con trai đến ba tuổi. Trên ban thờ, một gương mặt giống Triều như đúc nhìn Diệu trìu mến.


Sang Mỹ mà chưa bán được nhà đồng nghĩa với việc phải có một người trông coi giúp. Một cô cháu gái họ xa đang trọ học được bà Ngân ưng ý nhất. “Nó là đứa ngoan ngoãn, khôn khéo, được việc lắm đấy. Tiện thể con giới thiệu nó với Triều. Con bé sẽ hợp hơn là con”. Nghe mẹ nói, Diệu hơi bực. “Mà mẹ nói rồi đấy. Liệu mà chấm dứt. Sang bên đấy rồi tìm một người phù hợp”, bà Ngân còn bồi thêm.


Triều đã nhìn sững Diệu một lúc lâu mới thốt nên lời “Bảo lãnh... Hai năm nữa... Sao em có thể...”. Và sau đó, cả hai tránh mặt nhau như sợ chỉ cần nói thêm điều gì, tất cả sẽ vỡ vụn. Diệu dọn dẹp đồ đạc, vô tình nhìn thấy album ảnh của mẹ. Trong những khung ảnh đen trắng tự ngày xưa, mẹ thật đẹp, vẻ đẹp mà Diệu ao ước suốt nhiều năm qua. Lật giở cuối album, một tấm ảnh rơi ra. Trong ảnh, mẹ và một người đàn ông có gương mặt hiền lành ngồi bên nhau, thật thanh thản và trìu mến. Gương mặt sinh động và thân quen đến nỗi ngay lập tức Diệu nhận ra ngay người ấy chính là cha Triều. Từ góc chụp hơi nghiêng, ánh mắt xa xăm, giống hệt với bức ảnh Diệu nhìn thấy trên ban thờ hôm nào.


“Ai đây mẹ?”, Diệu chìa tấm ảnh ra. “Người yêu cũ của mẹ. Nhưng không phải là cha ruột con đâu. Mô-típ ấy cũ lắm rồi”, mẹ sững lại một lúc rồi thản nhiên trả lời. “Mẹ đã nhận ra Triều ngay từ đầu phải không? Triều rất giống cha. Không lẽ đó là lý do để mẹ ngăn trở con và Triều sao?”, Diệu đặt tấm ảnh lên chiếc bàn bừa bộn đồ trang điểm của mẹ, bước ra khỏi phòng. Cánh cửa chực khép thì bị mẹ chặn lại “Nếu để ý con sẽ thấy vài tấm mẹ với mẹ Triều chụp chung đấy. Bà ta từng là bạn thân cũng là kẻ cướp mất người yêu của mẹ, rồi hợp thức hóa quan hệ bằng một đám cưới. Kể cũng xi- nê phải không? Nhưng có lẽ bà ta không thể nhận ra con. Con chẳng có nét nào giống mẹ cả”.


*
* *


Đó là mùa hè mát mẻ nhất của thành phố từ khi Diệu biết cảm nhận thời tiết. Diệu đã không ra đi với mẹ. Cô ở lại thành phố để ngóng đợi thêm những mùa hè dễ chịu phía trước. Đến lúc Diệu sực nhớ ra mình lãng quên một lời hứa thì lúc đó trời đã lập thu.


Lập thu, nắng vẫn vàng ruộm, từ mép sóng, Diệu gần như bật khóc khi không thể nhìn thấy thảm hoa cát cánh lung linh. Đã tàn mùa hoa rồi, lời hứa hàng năm trở lại khoảnh rừng khế có cát cánh mùa hạ đã không thể thực hiện được. Mảng trời len qua những chùm khế xanh giòn đu đưa trên đầu, cúi xuống thấp để tránh ánh nắng, tay Diệu chạm vào một búp cát cánh cuối mùa.


Nếu chịu khó ghé mắt tìm sẽ nhận ra rằng có rất nhiều những búp hoa tím mong manh vẫn còn ẩn hiện dưới tán lá rợp, như cố nán lại để chờ đợi một điều gì. Bà cụ nhặt ốc biển kể với Diệu rằng, có một chàng trai có làn da nâu và đôi mắt tinh nghịch cứ cuối tuần lại đến với khoảnh rừng ngập tràn hoa cát cánh. Cả một mùa hè, đều đặn, anh ngồi ở đó, ngóng về phía biển. Anh nói rằng mình có một lời hứa với một người, sẽ trở lại vùng biển này mỗi mùa hoa. Và anh sẽ chờ đợi đến hết mùa, khi búp hoa cuối cùng trở về với đất. Diệu vạch đám lá để những búp cát cánh cuối cùng được đón thấy ánh nắng mặt trời. Cát cánh vẫn nở dù cho trời đã lập thu..


Thao Khương