09:08 11/09/2014

Lấp khoảng trống chính sách tín dụng giảm nghèo

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay đối với hộ mới thoát nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội, để lấy ý kiến đóng góp của cá nhân và tổ chức. Phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc NHCSXH...

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay đối với hộ mới thoát nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), để lấy ý kiến đóng góp của cá nhân và tổ chức. Phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc NHCSXH (ảnh) xung quanh chính sách mới này.

 

 

Xin ông cho biết chủ trương cho vay hộ mới thoát nghèo dựa trên cơ sở nào?

Qua thực tế nhiều năm thực hiện chương trình giảm nghèo, đặc biệt là thông qua giải pháp tín dụng ưu đãi của Chính phủ thì có một khoảng trống là hộ mới thoát nghèo không được tiếp tục thụ hưởng chính sách ưu đãi cũng như không còn đủ tiêu chuẩn để tiếp cận đầy đủ các chính sách tín dụng khác, dẫn đến làm giảm tác dụng của giải pháp giảm nghèo, giảm nghèo không bền vững nên nhiều hộ tái nghèo. Trước thực tế đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể và NHCSXH đã có nhiều kiến nghị. Và đến nay Chính phủ đồng ý chủ trương cho triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo.


Tín dụng chính sách cho hộ mới thoát nghèo được triển khai vào thực tế sẽ là bước phát triển cao trong các giải pháp thực hiện giảm nghèo bền vững. Điều này cũng thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Chủ trương này được toàn xã hội hoan nghênh và NHCSXH sẽ đi đầu trong việc thực hiện chính sách này.

 

Có vẻ như tiêu chí hộ mới thoát nghèo quá rộng, thưa ông?

Tiêu chí đối với hộ mới thoát nghèo rất rõ ràng, rành mạch. Đó là các hộ đã từng là hộ nghèo mới thoát nghèo trong vòng 3 năm. Ngoài đối tượng hộ nghèo mới thoát nghèo, NHCSXH cũng đang nghiên cứu đề xuất hộ đã từng là cận nghèo mới thoát cận nghèo cũng được vay vốn như hộ mới thoát nghèo, nhằm bảo đảm bình đẳng trong việc thực hiện giảm nghèo bền vững, các chính sách ưu đãi phải được phủ kín và chặt chẽ. Nếu hộ thoát nghèo mà trở thành hộ cận nghèo thì sẽ được vay chương trình hộ cận nghèo, nhưng nếu thoát hẳn hộ cận nghèo, trở thành hộ mới thoát nghèo thì sẽ thực hiện cho vay theo chương trình mới này.

 

Cách thức cho hộ mới thoát nghèo vay có khác gì với hộ nghèo không, thưa ông?

Mức cho vay sẽ không khác so với hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như quá trình bình xét đối tượng được vay, không thêm quá nhiều tiêu chí để tránh phức tạp. Hiện mức cho vay đang được Chính phủ xem xét, nhưng nhìn chung sẽ xấp xỉ với mức cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo. Lãi suất cho vay dự kiến bằng 130% lãi suất cho hộ nghèo. Điều quan trọng là các hộ sẽ tiếp tục được hưởng cách thức phục vụ của NHCSXH và sự tài trợ của toàn xã hội để thoát nghèo bền vững.


Trước đây, khi mới ra đời, ưu đãi chủ yếu của NHCSXH là lãi suất, nhưng sau 11 năm hoạt động đã có sự dịch chuyển dần, không chỉ ưu đãi lãi suất mà thêm ưu đãi về phục vụ. Đó là thực hiện cho vay tại địa phương, ưu đãi về thủ tục, giấy tờ, xử lý nợ, rủi ro, đồng thời kết hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị xã hội tại cơ sở giúp hộ vay làm ăn hiệu quả.

 

Trường hợp những hộ mới thoát nghèo nhưng vẫn còn dư nợ, chưa đến kỳ trả nợ thì liệu có được vay tiếp và nếu được vay tiếp có dẫn đến sự chồng chéo không, thưa ông?

Về mặt kỹ thuật sẽ không chồng chéo, tuy khách hàng đông nhưng hệ thống tin học của NHCSXH đã phát triển và quản lý rất tốt, đặc biệt chính sách đưa ra là rõ ràng để người thụ hưởng nắm được, người cho vay dễ dàng quản lý và toàn xã hội giám sát được. Hộ vay trong phạm vi 3 năm được thực hiện vay, NHCSXH sẽ dự kiến định kỳ hạn nợ theo đối tượng và thời hạn đó được hộ vay cam kết. Hộ vay đã thoát nghèo bền vững nhưng còn thời hạn vay luân chuyển theo chu kỳ sản xuất thì sẽ không phải trả trước hạn. Đây là việc tôn trọng quy luật phát triển của sản xuất cũng như sự luân chuyển tài chính, đặc biệt là để tránh cho hộ vay có sự đột biến gây cho họ tái nghèo.

 

Với đối tượng này NHCSXH sẽ xem xét để quyết định có cho vay tiếp hay không. Nếu nguồn vốn của ngân hàng còn dồi dào thì sẽ xem xét cho vay theo chính sách hộ mới thoát nghèo. Nhưng nếu nguồn vốn không dồi dào thì phải điều chỉnh theo hướng ưu tiên vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa được vay và hộ thoát nghèo phải trả hết nợ thì mới được vay theo chính sách mới này, để bảo đảm công bằng, tránh trường hợp có người được vay nhiều, có người cần vốn lại không được tiếp cận.

 

Nguồn lực NHCSXH chuẩn bị cho chính sách mới này như thế nào, thưa ông?

Nguồn lực này nằm trong chiến lược dài hạn của NHCSXH, hiện nguồn vốn ngân hàng có khoảng 130.000 tỷ đồng với tăng trưởng tín dụng hàng năm được Chính phủ duyệt là 8 - 10%. Dự kiến năm 2015 tăng trưởng sẽ tăng 8%, ngoài ra các chương trình chỉ định khác Chính phủ và các Quỹ bố trí nguồn vốn riêng. Trong tổng nguồn vốn hiện có và tăng trưởng tín dụng, NHCSXH cũng có kế hoạch thu nợ để bố trí nguồn vốn cho chương trình mới, bảo đảm sự hài hòa theo hướng tín dụng ưu đãi quay vòng vốn nhưng dịch chuyển theo chủ trương của Chính phủ.

 

Qua thực tế tại cơ sở, có hộ nghèo sau khi thoát nghèo vẫn cố tình không trả nợ đến hạn vì rất khó vay nơi khác, vậy nếu có chương trình mới này thì nợ quá hạn của NHCSXH sẽ giảm?

Thực tiễn là có hiện tượng này bởi các hộ sau khi đã thoát nghèo cũng vẫn khó tiếp cận với vốn vay của ngân hàng thương mại, nhất là trong thời điểm chênh lệch lãi suất lớn giữa NHCSXH và ngân hàng thương mại. Tuy nhiên với hệ thống hoạt động của NHCSXH là xã hội hóa, bám vào dân chủ, sự làm chủ của các hộ dân, các tổ chức chính quyền, thì ngân hàng vẫn thu nợ tốt, hiện nợ quá hạn của ngân hàng chỉ khoảng 0,55% tổng dư nợ, đây là một tỷ lệ rất nhỏ và bền vững. Tuy nhiên từ khi có chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo, và nay tiếp tục bàn tới hộ mới thoát nghèo, thì hiện tượng trên sẽ giảm, hoạt động tín dụng ưu đãi cũng rành mạch hơn để góp phần xây dựng hệ thống chính trị cũng như xây dựng nông thôn mới.

 

NHCSXH dự kiến sẽ có khoảng bao nhiêu hộ mới thoát nghèo, thưa ông?

Toàn bộ dự kiến số hộ thoát nghèo sẽ theo chỉ tiêu của Chính phủ đã giao cho các địa phương. Hộ mới thoát nghèo sẽ có trong danh sách kết quả các chương trình giảm nghèo và đây chính là cơ sở để cho vay. Do đó vấn đề rà soát, thống kê thời điểm này chưa đặt ra.

 

Xin cám ơn ông!

Dự thảo Quyết định về việc cho vay đối với hộ mới thoát nghèo
tại NHCSXH

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng 1. Hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong vòng 3 năm kể từ ngày xác định thoát nghèo và ra khỏi danh sách hộ nghèo để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững. 2. Hộ mới thoát nghèo được vay vốn theo Quyết định này là hộ có thu nhập bình quân trên thu nhập bình quân của hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.

Điều 2. Mức cho vay và thời hạn cho vay 1. Mức cho vay đối với hộ mới thoát nghèo do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay tối đa phục vụ sản xuất kinh doanh đối với hộ nghèo được quy định trong từng thời kỳ. 2. Hộ mới thoát nghèo không phải thực hiện bảo đảm tiền vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Điều 3. Thời hạn cho vay Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận phụ thuộc vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng không tối đa không quá một chu kỳ sản xuất, kinh doanh của đối tượng đầu tư trong phương án sử dụng vốn vay.

Điều 4. Lãi suất cho vay 1. Lãi suất cho vay áp dụng đối với hộ mới thoát nghèo bằng 130% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ. 2. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Điều 5. Điều kiện, hồ sơ và thủ tục vay 1. Điều kiện, hồ sơ, thủ tục và quy trình cho vay đối với hộ mới thoát nghèo được thực hiện như đối với cho vay hộ nghèo. 2. Gia hạn nợ, xử lý nợ bị rủi ro đối với các khoản nợ của hộ mới thoát nghèo được thực hiện như cho vay đối với hộ nghèo. ...


Ngọc Tú (ghi)