06:08 07/06/2012

Lắp “hộp đen” trên xe vận tải: Doanh nghiệp chần chừ

Ngày 1/7/2012 là thời hạn tất cả xe kinh doanh vận tải đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (“hộp đen”) theo Nghị định 91/NĐ-CP (ngày 21/10/2009) của Chính phủ, nhưng đến nay nhiều xe vẫn “phớt lờ”quy định này.

Ngày 1/7/2012 là thời hạn tất cả xe kinh doanh vận tải đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (“hộp đen”) theo Nghị định 91/NĐ-CP (ngày 21/10/2009) của Chính phủ, nhưng đến nay nhiều xe vẫn “phớt lờ”quy định này. Mặc dù đến ngày 1/7/2013 mới bắt đầu xử phạt xe không lắp “hộp đen”, nhưng trước thời điểm này, xe phải lắp đặt hộp đen theo lộ trình mới đủ tiêu chuẩn kinh doanh vận tải. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chỉ đạo các Trung tâm đăng kiểm không kiểm định cho ô tô đã tới thời hạn vào kiểm định nhưng chưa lắp đặt hộp đen. Như vậy, nếu xe lưu thông trên đường không bị phạt vì chưa lắp hộp đen thì sẽ bị phạt không đủ tiêu chuẩn lưu hành. Chủ trương này cần phải được triển khai kiên quyết, tránh tình trạng “chây ì”.

 

Lý do để chần chừ


“Hộp đen” là thiết bị đã được Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định là điều kiện để kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Đúng theo lộ trình thực hiện Nghị định 91/2009/NĐ-CP và theo công văn hướng dẫn số 3864/BGTVT-KHCN của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đến trước ngày 1/7/2012, tất cả các xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định có cự ly từ 300 km trở lên, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container phải lắp đặt và duy trì tình trạng kỹ thuật tốt của “hộp đen”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải hành khách dù nằm trong diện phải lắp đặt “hộp đen” đến nay mới chỉ... chuẩn bị lắp. Khi trao đổi về vấn đề này, hầu hết các DN đều lấy lý do: Kinh tế đang khó khăn, DN thiếu vốn, đang cân đối tính toán nguồn kinh phí lắp đặt, vì ngoài tiền mua thiết bị ban đầu, còn phải trả phí thuê bao hàng tháng để quản lý.


Việc lắp “hộp đen” trên xe khách đã góp phần hạn chế các vi phạm an toàn giao thông. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

 

Theo thống kê của Vụ Vận tải pháp chế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam-ĐBVN), trong tổng số gần 18.500 xe hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định phải lắp “hộp đen” đến nay mới có khoảng 14.400 xe chấp hành việc lắp đặt và còn hơn 4.000 xe vẫn “đủng đỉnh”. Nguyên nhân của sự “đủng đỉnh” này, theo không ít DN, còn do trên thị trường hiện nay có rất nhiều đơn vị đến chào bán “hộp đen” (đã hợp chuẩn) với nhiều loại giá khác nhau. Có thiết bị từ 5-6 triệu đồng, nhưng cũng có thiết bị chỉ hơn 2 triệu đồng. Do đó, DN chờ giá thiết bị giảm xuống nữa mới mua. Thậm chí, một số DN nhằm đối phó với các cơ quan chức năng khi đi đăng kiểm đã “biến tấu” chỉ sử dụng 2-3 thiết bị lắp lần lượt cho toàn bộ xe của mình hoặc đặt hàng sản xuất nhưng yêu cầu giảm bớt tối đa các tính năng để giảm giá thành “hộp đen”.


Một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa khiến các DN vận tải chần chừ lắp đặt “hộp đen” là theo nghị định của Chính phủ đến ngày 1/7/2013 mới bắt đầu xử phạt phương tiện không lắp thiết bị này, nên nhiều nhà xe cho rằng chưa cần phải lắp ngay mà chờ đến năm 2013 lắp cũng chưa muộn. Điều này cho thấy, một bộ phận không nhỏ các DN kinh doanh vận tải đang viện dẫn nhiều lý do để phớt lờ quy định.


Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước hiện có tới khoảng 300.000 xe ô tô các loại trong diện phải lắp hộp đen theo lộ trình thực hiện Nghị định 91/2009/NĐ-CP, nhưng số DN lớn quản lý số đầu xe tính bằng hàng trăm lại không nhiều, chủ yếu là DN nhỏ lẻ quản lý vài chục xe, thậm chí vài xe. Thực tế này đặt ra một vấn đề, các DN vận tải lớn, trình độ quản lý cao thì dễ dàng xây dựng được trung tâm quản lý thông tin tại chính DN, nhưng với DN nhỏ lẻ, có ít đầu xe chạy thì rất khó có được hệ thống quản lý này, trong khi đó số DN nhỏ lẻ thường có lái xe chạy ẩu nhất và cần phải lắp “hộp đen” sớm nhất. Và hệ quả là chính các DN này chờ nhau xem ai lắp trước hoặc để “nước đến chân mới nhảy”.


Lắp thiết bị giám sát hành trình trên xe vận tải mang lại nhiều lợi ích.

 

Mặc dù viện nhiều lý do để chưa lắp “hộp đen”, nhưng trao đổi với chúng tôi, cả DN đã lắp và chưa lắp thiết bị này đều công nhận những lợi ích mà thiết bị này mang lại. Nhất là những tính năng hỗ trợ DN quản lý lái xe, hành trình và các chỉ số an toàn, quyền lợi cho hành khách đi xe như quản lý tốc độ, điểm đi, đến hành trình, số lần đóng mở cửa xe, thời gian lái xe liên tục của lái xe, kiểm soát lộ trình lái xe để tránh lái xe chạy sai hành trình, đón trả khách dọc đường hoặc chạy quá 4 giờ liên tục hay không... Chưa hết, nếu xảy ra rủi ro trong quá trình lưu thông, “hộp đen” chính là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng giúp cơ quan chức năng, chủ xe, các công ty bảo hiểm xác định, xây dựng phương án thanh toán, đền bù một cách khách quan, hợp lý.

 

Lắp “hộp đen” - lợi ích đầu tiên thuộc về DN


Đây là nhận định của nhiều chuyên gia ngành giao thông. Vì theo phản hồi từ phía hơn 1.000 đầu xe của các DN trực thuộc Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã lắp đặt thiết bị này, các DN hiện quản lý chặt chẽ hầu hết mọi hoạt động của phương tiện: Doanh thu tăng lên nhờ sử dụng được tối đa công suất của “hộp đen”, giảm chi phí nhân công quản lý trực tiếp, giảm thất thoát gian lận, giảm vi phạm và tai nạn... và chỉ trong vòng khoảng 3 tháng sau lắp đặt hệ thống đã hoàn vốn đầu tư mua thiết bị.


Bên cạnh đó, trong bối cảnh trước đây, khi chất lượng và dịch vụ của thiết bị này hoàn toàn bị thả nổi, không bị kiểm soát, trên thị trường xuất hiện các đơn vị cung cấp thiết bị chất lượng thấp, không ổn định, dẫn đến tình trạng hệ thống bản đồ tích hợp và các tính năng quản lý đi kèm - những yếu tố then chốt tạo nên chất lượng sản phẩm chưa được hoàn thiện, nên chưa đem lại được lợi ích tối ưu cho các DN vận tải. Bản thân các DN vận tải nếu không chú tâm trực tiếp đến việc quản lý và không đưa ra các chế tài thích hợp để xử lý các trường hợp vi phạm được phát hiện nhờ “hộp đen” cũng sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn.


Tuy nhiên, hiện nay, Bộ GTVT đã công bố có 24 đơn vị cung cấp “hộp đen” được chứng nhận hợp quy, với giá thiết bị dao động từ 4-7 triệu đồng/thiết bị (14 đơn vị tại Hà Nội, 8 đơn vị tại TP.HCM và 2 đơn vị tại Hải Phòng), danh sách các đơn vị này được đăng tải trên website của Bộ GTVT: http://www.mt.gov.vn, do đó, các DN vận tải có thể dễ dàng nhận biết các thiết bị hợp chuẩn nhờ chứng nhận thiết bị hợp quy của Bộ GTVT.


Trao đổi với lực lượng CSGT dọc quốc lộ 1A, quốc lộ 5, các chiến sỹ CSGT làm nhiệm vụ trên đường đều khẳng định: Bên cạnh công tác tăng cường thanh tra kiểm soát lập lại trật tự an toàn giao thông, quy định về lắp đặt “hộp đen” đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa vi phạm và kiềm chế tai nạn trên tuyến. Do đó, việc lắp thiết bị này, nhất là đối với xe vận tải hành khách cần sớm triển khai rộng rãi. Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng khẳng định: Mặc dù chưa đến thời điểm xử phạt (ngày 1/7/2013), nhưng hiện nay các loại xe phải lắp đặt “hộp đen” vẫn phải lắp theo lộ trình mới được phép kinh doanh vận tải và xe nào đến các Trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc mà chưa lắp thiết bị sẽ không được đăng kiểm và bị xử phạt theo quy định từ 2-3 triệu đồng.


Việc lắp đặt “hộp đen” được xem như gắn thêm “mắt thần” giao thông, đẩy lùi vi phạm, tai nạn giao thông, mang lại lợi ích trực tiếp cho DN và hành khách, tuy nhiên, đa số các nhà xe vẫn viện dẫn nhiều lý do để không tuân thủ quy định kinh doanh vận tải. Tình trạng coi thường pháp luật này cần được chấn chỉnh kịp thời, kiên quyết bằng các chế tài đi kèm như không cấp giấy phép kinh doanh vận tải trên tuyến, không cho xe xuất bến, không cấp đăng kiểm... trước khi quy định xử phạt có hiệu lực vào tháng 7/2013.

 

Hộp đen đã được ứng dụng thử nghiệm gần 10 năm nay

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho biết: “Hộp đen” đã được ứng dụng, triển khai thử nghiệm vào lĩnh vực giao thông đường bộ tại Việt Nam gần 10 năm nay. Qua đó cho thấy tính bảo mật cao, đảm bảo hoạt động chính xác, quy định lắp đặt hệ thống giám sát bảo đảm thuận lợi và hiệu quả nhiều mặt cho cả DN và nhà quản lý. Mặt khác, “hộp đen” còn được sử dụng để quy trách nhiệm khi xe gặp sự cố, đây cũng là động thái giảm thiểu TNGT đường bộ, bảo vệ hành khách.

 

“Hộp đen” là khắc tinh của vi phạm

Vụ trưởng Vụ Vận tải pháp chế (Tổng cục ĐBVN) Đỗ Xuân Hoa cho biết: Cùng với các giải pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông như: Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền… quy định bắt buộc phải lắp đặt “hộp đen” trên xe hoạt động vận tải đã và đang được nhiều ý kiến ủng hộ, bởi thiết bị này chính là khắc tinh của vi phạm, là yếu tố góp phần đẩy lùi tai nạn trên đường. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định “hộp đen” là điều kiện để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, mặc dù thời điểm xử phạt bắt đầu từ ngày 1/7/2013, nhưng đến trước ngày 1/7/2012, các xe trong diện phải lắp đặt đều phải tuân thủ. Tổng cục ĐBVN đã có văn bản yêu cầu Sở GTVT các địa phương quản lý DN vận tải trên địa bàn chưa triển khai việc lắp đặt thiết bị này phải tăng cường giám sát, nhanh chóng khắc phục tồn tại.

 

Cần xây dựng trung tâm quản lý dữ liệu chung

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Trước quy định về lắp đặt “hộp đen” trên các phương tiện vận tải, tới đây để công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này phát huy được hiệu quả cao nhất, nhất thiết cần phải xây dựng một Trung tâm Quản lý thiết bị, thông tin - dữ liệu chung trên phạm vi cả nước, bao trùm toàn bộ các DN, đơn vị quản lý vận tải… Vì nếu trong quá trình triển khai lắp đặt “hộp đen”, các DN muốn đối phó với cơ quan chức năng bằng cách lắp đặt thiết bị không đạt tiêu chuẩn, thông số không phản ánh đúng thực tế… thì cũng không được, bởi những vi phạm này nhanh chóng bị Trung tâm phát hiện, xử lý thông qua hệ thống quản lý trực tuyến. Mặt khác, dưới sự giám sát của trung tâm, các DN, đơn vị quản lý vận tải có thêm điều kiện hoàn thiện hệ thống “hộp đen”, khắc phục những tồn tại đi kèm.

 

 

Nguyễn Tiến