02:23 06/02/2012

Lào phát triển du lịch nhân văn

Năm 2012 là Năm du lịch Lào. Để Lào trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong năm du lịch này, Đảng và Nhà nước Lào đã xây dựng một chương trình cụ thể, trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng các khu, tuyến du lịch dựa trên tài nguyên du lịch nhân văn.

Năm 2012 là Năm du lịch Lào. Để Lào trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong năm du lịch này, Đảng và Nhà nước Lào đã xây dựng một chương trình cụ thể, trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng các khu, tuyến du lịch dựa trên tài nguyên du lịch nhân văn.

Bãi Phật, điểm du lịch tâm linh hấp dẫn.


Là một đất nước có đa dạng tộc người nhất ở Đông Nam Á với nhiều lễ hội văn hóa đặc trưng của 49 tộc người, Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào đã chọn lễ hội truyền thống của các địa phương đưa vào chương trình Năm Du lịch 2012 như hội Bun Kin Chiêng (Tết của dân tộc Hmông), Lễ hội Voi ở tỉnh Sayabouly, Bun Pi May (Tết cổ truyền của dân tộc Lào), Hội pháo thăng thiên ở tỉnh Xieng Khouang, Hội Thát Luổng ở thủ đô Viêng Chăn với các loại nhạc cụ và các điệu múa truyền thống như lăm, khắp... nhằm giới thiệu nét văn hóa lễ hội đặc sắc không thể pha trộn của dân tộc Lào.

Bên cạnh lễ hội, Ban tổ chức dựa vào đặc điểm tín ngưỡng Phật giáo là hệ thống chùa chiền rải khắp nước Lào. Hiện nay cả nước Lào có 1.400 ngôi chùa cho 6 triệu dân - một tỉ lệ chùa so với số dân đứng vào hàng đầu thế giới. Qua mỗi ngôi chùa, đặc biệt là những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Thát Luổng, chùa Sisaket, chùa Xieng Thong ở Luông Phabang (được xem là đẹp nhất của Lào được xây dựng từ năm 1560 nằm bên bờ sông Mê Công), du khách hiểu hơn về văn hóa cũng như kiến trúc độc đáo của những ngôi chùa Lào. Trong đời sống của xã hội Lào, chùa có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, trở thành trung tâm văn hóa, lễ hội, nơi giảng dạy giáo lý, dạy chữ, đào tạo nguồn nhân tài cho đất nước, nơi để nam thanh niên Lào vào tu nhân tích đức, để trở thành những người có ích cho xã hội.

Thứ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Boungeun Sapouvong cho biết, đây là thế mạnh của Lào vì Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến dân cư. Bộ đã hướng dẫn các các địa phương tổ chức lễ truyền thống đúng nghi thức, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Cùng với văn hóa phi vật thể, Lào còn nhiều địa danh nổi tiếng như Vátphu (Chămpa xắc), hệ thống hang động Vieng Xai (Hủa Phăn), Pha That Luang (Viêng Chăn), Cánh Đồng chum (Xiêng Khoảng); Khu du lịch sinh thái Vang Viêng và đặc biệt là Cố đô Luông Phabang - di sản thế giới, nơi được coi là một trong những thành phố quyến rũ và êm ả nhất của Đông Nam Á, với những mái nhà nhỏ cổ xưa, những cánh rừng nguyên sinh, thác Khuang Sy cao khoảng 50 mét, nước xanh như ngọc, Khu Hoàng cung; chợ đêm Cố Đô... cũng được Đảng và Nhà nước ưu tiên quảng bá cho năm du lịch.

Cùng với cảnh quan thiên nhiên, Nhà nước thúc đẩy giới thiệu các làng nghề truyền thống, trong đó điểm nhấn là nghề dệt lụa có từ hàng nghìn năm, thể hiện sống những khát vọng của người phụ nữ Lào nhiều con cái, đất nước tự do, gia đình hạnh phúc qua những biểu tượng, hình mẫu trên sản phẩm. Lụa truyền thống của Lào có màu sắc rực rỡ, chất liệu mềm óng, bắt mắt, thể hiện đặc trưng tinh túy văn hóa trang phục của Lào, phù hợp với một đất nước quanh năm có lễ hội truyền thống là cơ hội khó bỏ qua đối với du khách.

Theo Cơ quan du lịch Quốc gia Lào, trong những năm gần đây khách du lịch đến với nước Lào ngày một tăng. Năm 2006, Lào đón 1,2 triệu lượt du khách quốc tế. Năm 2007 đón 1,4 triệu lượt... Năm 2011 có trên 2 triệu lượt khách du lịch đến với nước Lào.

Để Năm du lịch thu được kết quả như mong đợi, Chính phủ Lào đã đầu tư gần 800.000 USD cho hoạt động quảng bá trong nước và trên thế giới, nhằm giới thiệu nền văn hóa phong phú và đa dạng cũng như đời sống, phong tục tập quán của các dân tộc Lào đồng thời nâng cấp chất lượng các cơ sở hạ tầng, tuyên truyền nhân dân tại các điểm du lịch nói riêng cũng như người dân trong cả nước tham gia làm du lịch, góp phần biến Lào thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách thập phương.

Hoàng Chương (P/v TTXVN tại Lào)