10:23 21/10/2011

Lao động tù nhân là chỗ dựa của các chủ trang trại Mỹ?

“Đây là năm đầu tiên chúng tôi tham gia thu hoạch mùa màng”, đó là lời tâm sự của Steve Little, Giám thị trại giam St. Anthony Work Camp ở huyện St. Anthony (bang Idaho, Mỹ) khi nói về một nhóm tù nhân do ông quản lý đang tham gia thu hoạch khoai tây cho một trang trại...

“Đây là năm đầu tiên chúng tôi tham gia thu hoạch mùa màng”, đó là lời tâm sự của Steve Little, Giám thị trại giam St. Anthony Work Camp ở huyện St. Anthony (bang Idaho, Mỹ) khi nói về một nhóm tù nhân do ông quản lý đang tham gia thu hoạch khoai tây cho một trang trại thuộc huyện nông nghiệp Rexburg trong cùng bang. Theo giải thích của viên giám thị, số tù nhân này trước đây chủ yếu làm việc trong các nhà xưởng hoặc nhà bếp, nhưng đến vụ thu hoạch khoai tây năm nay, họ được Sở Cải tạo của bang lựa chọn để đưa ra làm các công việc ngoài trời.

Nhóm tù nhân ở trại giam St. Anthony (bang Idaho, Mỹ) tham gia thu hoạch khoai tây.


Thị trường lao động chân tay ở Mỹ quá thiếu là một trong những lý do khiến các chủ trang trại ở bang Idaho phải nhắm vào các phạm nhân trong hệ thống nhà tù của bang để tìm kiếm lao động. Tuy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện ở mức rất cao, tới 9,1%. Tuy nhiên, các trang trại ở Mỹ, từ bang Idaho ở phia tây bắc giáp Canađa tới bang Arizona ở phía tây nam sang tận bang Alabama ở vùng đông nam, lại đang đứng trước một thực tế khắc nghiệt là rất thiếu lao động, nhất là trong hoàn cảnh các cơ quan thực thi luật pháp của Mỹ đang gia tăng các cuộc vây bắt và phạt nặng các chủ doanh nghiệp thuê mướn những người di cư bất hợp pháp.

Trong bài phóng sự về thực trạng lao động tù nhân tại các nông trang của Mỹ đăng trên “Nhật báo Phố Wall” ngày 18/10/2011, tác giả Joel Milliman cho biết, hiện tượng sử dụng phạm nhân lao động thay thế lao động di cư bất hợp pháp đang trở thành phổ biến trong ngành nông nghiệp Mỹ. Sự hoán đổi chỗ kiểu này không phải lúc nào cũng diễn ra thuận buồm xuôi gió. Hồi đầu năm nay, khi đứng trước viễn cảnh thiếu lao động trầm trọng lúc bước vào mùa thu hoạch dưa chuột, bang Georgia đăng quảng cáo muốn thuê mướn 11.000 lao động chân tay, nhưng không được đáp ứng, một mặt vì nhiều tù nhân không được chuẩn bị trước cho các công việc lao động nặng nhọc này. Bang Idaho đã thực hiện việc tuyển lao động tù nhân gần một thập kỷ qua, nhưng không công khai vì sợ bị chỉ trích rằng tù nhân chiếm mất việc làm của người lao động đang bị mất việc làm. Có một thực tế là không ít phạm nhân khá thích thú tham gia các lao động ở ngoài trời, vừa kiếm được tiền vừa học được kinh nghiệm làm ăn để khi ra tù có thể giúp ích cho họ.

Lao động tù nhân có một lịch sử đen tối ở Mỹ. Sau cuộc nội chiến 1861-1865, hàng nghìn người Mỹ gốc Phi đã trở thành nô lệ tù nhân của các băng đảng. Ngày nay, luật pháp Mỹ có nhiều quy định hạn chế việc các bang thuê tù nhân vào làm việc trong các cơ sở thương mại. Để được phép làm việc này, giới chủ doanh nghiệp phải chờ giấy phép xác minh của giới hữu trách rằng số lao động tù nhân định tuyển mộ đó không dẫn tới việc sa thải bất kỳ công nhân nào đang làm việc ở đó. Còn một quy định nữa là, để được phép tham gia các hoạt động lao động ngoài nhà tù, phạm nhân phải có kết quả cải tạo tốt và thường là những phạm nhân sắp mãn hạn tù. Cộng thêm với một số quy định khác như lương bổng, lao động tù nhân vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của các chủ trang trại Mỹ. Theo thống kê, trong năm tài chính 2011 vừa kết thúc ngày 30/9, tù nhân ở Mỹ đã đóng góp hơn 1,3 triệu giờ công lao động cho 5 chủ trang trại lớn của Mỹ, tăng 30% so với năm 2010.

Trước gánh nặng thâm hụt ngân sách, một số bang của Mỹ đã và đang có kế hoạch tư nhân hóa các nhà tù, biến hệ thống các trại giam thành thị trường của một ngành công nghiệp tư nhân lớn. Bang Florida vừa thông báo kế hoạch bán 29 trại giam cấp bang cho các nhà thầu tư nhân. Bang Arizona cũng đã hoàn tất tiến trình điều trần về kế hoạch tư nhân hóa thêm hàng nghìn giường của tù nhân. Bang Ohio hồi tháng trước cũng đã công bố kế hoạch bán 5 nhà tù cấp bang với giá 200 triệu USD.

Thái Hùng (P/v TTXVN tại Mỹ)