06:21 11/06/2015

Lao động trẻ em đang gia tăng

Tổ chức lao động thế giới (ILO) đã công bố nghiên cứu đánh giá hiểm họa lâu dài về việc trẻ em trở thành lao động khi chưa đủ tuổi, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng trẻ em trở thành lao động khá cao.

Tổ chức lao động thế giới (ILO) công bố nghiên cứu đánh giá hiểm họa lâu dài về việc trẻ em trở thành lao động khi chưa đủ tuổi, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng trẻ em trở thành lao động khá cao.



Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 1,75 triệu trẻ em Việt Nam đang phải tham gia lao động. Thậm chí  nhiều em trong độ tuổi đến trường đã nghỉ học để đi làm giúp gia đình. Con số trên tương ứng với gần 10% số trẻ em từ 5 đến 17 tuổi trên toàn quốc.


Điều đáng nói là có gần 85% lao động trẻ em sống ở khu vực nông thôn và 65% làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, các em thường làm việc vất vả nhưng không được trả lương.


Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể nhằm phòng chống lao động trẻ em, đặc biệt là các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, thông qua việc cải thiện hệ thống pháp luật quốc gia để phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế và tăng cường hệ thống giáo dục cơ bản. Việt Nam đã phê duyệt hai công ước cơ bản của ILO là Công ước về Các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất và Công ước về Độ tuổi làm việc tối thiểu trong năm 2000 và 2003.


Tình trạng lao động trẻ em cũng đang diễn ra ở nhiều nước, với khoảng 20% đến 30% số trẻ em tại các quốc gia có thu nhập thấp ở độ tuổi 15 đã phải nghỉ học đi làm. Theo ILO, các nguyên nhân chính dẫn tới việc tham gia lao động sớm của trẻ em chủ yếu là do trình độ giáo còn dục thấp, hoàn cảnh xã hội và xu hướng muốn kiếm tiền sớm.... Từ những điều đó dẫn đến các công việc không đáp ứng được yêu cầu căn bản về việc làm bền vững, ít có cơ hội được đảm bảo việc làm ổn định


Một tỷ lệ lớn thiếu niên từ 15 đến 17 tuổi tại nhiều quốc gia đang làm công việc bị xếp vào loại độc hại hoặc các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Ước tính mới nhất của ILO cho thấy toàn thế giới có 168 triệu lao động trẻ em.


Ngọc Bích