05:15 21/05/2015

Lãnh đạo Việt Nam nhìn xa trông rộng trong hành động khí hậu

Trả lời phỏng vấn trước chuyến thăm Việt Nam, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ ông cảm thấy được khích lệ bởi sự chủ động và nhìn xa trông rộng của lãnh đạo Việt Nam trong hành động khí hậu.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22-23/5/2015. Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của ông Ban Ki-moon kể từ khi nhậm chức Tổng Thư ký Liên hợp quốc từ năm 2007.

Trước chuyến thăm, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon về mục đích chuyến thăm cũng như khuyến nghị trong giai đoạn chuyển đổi sang các mục tiêu phát triển bền vững sau 2015 ở Việt Nam. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

PV: Việt Nam là một trong số ít nước ông thăm lại lần thứ hai, vậy ông có thể cho biết mục đích của chuyến thăm là gì?

Tổng Thư ký Ban Ki-moon: Tôi rất vui lại được đến thăm Việt Nam. Tôi vẫn còn nhớ chuyến thăm lần trước vào năm 2010 dự Hội nghị Cấp cao Liên hợp quốc - ASEAN và gặp gỡ lãnh đạo Chính phủ Việt Nam để cảm ơn vì Việt Nam đã ủng hộ cải cách “Một Liên hợp quốc”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 25 tại Myanmar tháng 11/2014. Ảnh: Đức Tám–TTXVN


Một trong các trọng tâm chính trong chuyến thăm sắp tới của tôi là bền vững về môi trường và biến đổi khí hậu. Tôi sẽ vinh dự được khánh thành Toà nhà Xanh Một Liên hợp quốc – toà nhà thân thiện với môi trường mà tới đây sẽ là nơi làm việc cho đội ngũ nhân viên Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Tôi sẽ gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Tôi sẽ thảo luận nhiều vấn đề với các nhà lãnh đạo Việt Nam, trong đó có chương trình nghị sự sau 2015 và vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong hành động khí hậu từ nay đến hội nghị cuối năm ở Paris, nơi cộng đồng quốc tế dự kiến thông qua một thoả thuận về khí hậu mang tính phổ quát và ràng buộc pháp lý.

Tôi trân trọng sự đóng góp của Việt Nam cho lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc và tôi sẽ thăm Trung tâm Gìn giữ Hoà bình ở Hà Nội, nơi đang góp phần chuẩn bị cho binh lính Việt Nam triển khai tới các chiến dịch gìn giữ hoà bình trên thế giới.

Tôi tin rằng thanh niên không chỉ là lãnh đạo của tương lai mà còn là lãnh đạo của hiện tại và tôi mong chờ được gặp gỡ và trao đổi với họ tại Học viện Ngoại giao Việt Nam. Tại đó, tôi sẽ có bài nói chuyện về vai trò của Liên hợp quốc trong phát triển, hoà bình và an ninh.

PV: Trong bối cảnh viện trợ tài chính quốc tế giảm sút, Việt Nam đang nỗ lực đạt các mục tiêu tăng trưởng xanh được đề ra trong Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2011-2020 với tầm nhìn đến năm 2050. Ông có lời khuyên gì dành cho Việt Nam?

Tổng Thư ký Ban Ki-moon:
Tôi cảm thấy được khích lệ bởi sự chủ động và nhìn xa trông rộng của lãnh đạo Việt Nam trong hành động khí hậu. Đầu tư vào tăng trưởng xanh thể hiện sự nhạy bén về kinh doanh. Các khoản đầu tư hàm lượng các-bon thấp hôm nay sẽ mang lại kết quả xứng đáng cho những năm tới.

Việc giảm khí phát thải và tăng tính kiên cường mang lại nhiều lợi ích, không chỉ cho khí hậu mà còn cho an ninh lương thực, y tế, chất lượng không khí tốt hơn, tăng trưởng việc làm và nhiều yếu tố khác nhằm góp phần xây dựng một tương lai thịnh vượng và dễ sống hơn.

PV: Việt Nam là một trong những quốc gia đã thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG). Ông có khuyến nghị gì đối với Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi sang các mục tiêu phát triển bền vững sau 2015?

Tổng Thư ký Ban Ki-moon: Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và đã hoàn thành phần lớn các mục tiêu đó, chẳng hạn như giảm một nửa tỷ lệ nghèo đói; cải thiện tiếp cận của người dân với nước và vệ sinh; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và bình đẳng giới trong giáo dục.

Hướng tới tương lai sau năm 2015, Việt Nam cần bảo đảm đạt được những tiến bộ tương tự ở tất cả các nhóm dân cư, kể cả các cộng đồng dân tộc thiểu số và người dân sống gần ngưỡng nghèo. Việt Nam cần đảm bảo sao cho không ai bị rơi lại vào tình trạng nghèo cùng cực do bị ảnh hưởng bởi những thảm họa thiên tai hoặc kinh tế.

Tôi rất vui mừng trước quyết tâm và thành tựu của Việt Nam, đặc biệt là qua việc xây dựng các mục tiêu phát triển quốc gia đã giúp Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất thế giới thành một nước có thu nhập trung bình trong những thập kỷ gần đây. Tôi tin rằng kỷ nguyên sau 2015 sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam và giúp đất nước các bạn vượt qua những thách thức còn tồn tại để đạt được phát triển bền vững cho tất cả mọi người.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!



Nguyễn Hồng Điệp (thực hiện)