03:20 09/03/2015

Làng thêu Đại Đồng còn một hộ làm nghề

Nghề thêu tranh từng nức tiếng một thời ở làng Đại Đồng, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đang dần mai một. Những người dân nơi đây vẫn mong muốn làng nghề sẽ được khôi phục như xưa.

Nghề thêu tranh từng nức tiếng một thời ở làng Đại Đồng, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đang dần mai một. Những người dân nơi đây vẫn mong muốn làng nghề sẽ được khôi phục như xưa.

Còn một hộ làm nghề

Đầu đường dẫn vào làng Đại Đồng treo biển “làng thêu Đại Đồng” giúp khách từ nơi khác đến có thể nhận ra ngay. Khi chúng tôi hỏi thăm về những hộ gia đình làm nghề lâu năm thì người dân địa phương cho biết, chỉ còn một hộ làm nghề là hộ bà Nguyễn Thị Chắc.

Ông Lại Xuân Chiến giới thiệu về ý nghĩa của những bức tranh do bà Nguyễn Thị Chắc tự tay thêu.


Bà Nguyễn Thị Chắc kể lại, những năm 1960 là  thời kỳ làng nghề phát triển thịnh vượng nhất, hầu như cả làng học thêu, làm nghề thêu. Thời đó, Nhà nước mở lớp dạy, sau đó lập ra Hợp tác xã thêu để tất cả các học viên đều được vào làm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu thời đó là Đông Âu và các nước xã hội chủ nghĩa. 

“Hồi xưa các xã viên làm trong Hợp tác xã ngày làm 8 tiếng, tay nghề chính được nhận 18kg gạo/tháng/người, tay nghề phụ nhận 13,5 kg/ tháng/người. Lương 300 đồng/ tháng. Thu nhập như vậy vào thời đó coi là khá ổn định, mua được 2 tạ thóc nên nghề thêu thu hút nhiều người”, bà Chắc nhớ lại.

Sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã, tranh thêu tay không còn thị trường. Bắt đầu từ những năm 1991 trở đi thì số lượng người dân làm nghề thêu suy giảm.

Bà Vũ Thị Ngọc, người dân tại địa phương cho biết: “Trước đây, vào làng vải lụa phơi khắp đường làng ngõ xóm, kẻ ra người vào tấp nập, cổng làng nghề truyền thống vẫn còn nhưng bây giờ  không còn cảnh người dân thêu thùa tấp nập nữa”.

Còn theo bà Chắc, mặc dù gia đình bà vẫn làm nghề nhưng thị trường tiêu thụ tranh hầu như không có, bà thêu vì yêu thích và chỉ làm vào những lúc nông nhàn. Từ năm 2010 đến nay số lượng tranh thêu mà bà Chắc bán được đếm trên đầu ngón tay. Năm 2011 bà may mắn bán được 4 bộ tranh tứ quý cho khách nước ngoài đến thăm quan. Hiện tại, nhà bà vẫn còn mấy chục bức, chủ yếu là tranh phong cảnh.

Cách đây 2 năm thì còn có ông Vũ Chí Thanh vẫn làm nghề, ông được phong danh hiệu “Bàn tay lụa” nhưng do tuổi già, thêu tranh xong không có thị trường tiêu thụ nên ông đã chính thức nghỉ ở nhà chăm cháu.

Tương lai không ai kế nghề

Nghề thêu đòi hỏi sự khéo léo, thời gian và sự sáng tạo, nhưng thu nhập không ổn định. Chính vì vậy, hầu như trong làng không có bạn trẻ nào tham gia học thêu  nữa. Chủ yếu bây giờ các bạn thêu những mẫu có sẵn từ thị trường Trung Quốc vì vừa rẻ và đơn giản.

Bà Nguyễn Thị Chắc cho biết: “Trước giờ tôi vẫn luôn động viên con cái học và theo nghề thêu nhưng đứa nào cũng bảo, nghề này không ổn định, bọn con mà theo nghề này thì khổ lắm”.

Trước thực trạng làng nghề càng ngày càng mai một,  năm 2007 và 2008 chính quyền địa phương đã mở hai lớp đào tạo dạy nghề thêu. Tham gia lớp, các học viên được hỗ trợ ăn uống và phí đi lại. Lớp đầu tiên thu hút được hơn 80 người, lớp thứ hai có khoảng 60 người tham gia. Nhưng sau khóa đào tạo không một ai gắn bó với nghề. Nhiều người không có việc làm ổn định thì lên Hà Nội làm “ôsin” vì thu nhập vẫn cao hơn làm nghề thêu.

Ông Lại Xuân Chiến, nguyên là cán bộ văn hóa huyện Phú Xuyên cho biết: “Được Nhà nước công nhận là một làng nghề phải đáp ứng đủ ba tiêu chí: Có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn; hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, tối thiểu 2 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận; chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước. Hiện nay, cả làng chỉ còn một hộ làm nghề, tương lai không có một ai nối nghiệp, sớm muộn gì làng nghề cũng sẽ bị xóa sổ. Vấn đề lớn nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm, nhưng hiện giờ  chúng tôi vẫn chưa có cách giải quyết”.


Bài và ảnh: Ngọc Thi