07:05 15/07/2011

Làng phá xe mô tô cũ

Đến với làng phá xe xã Tề Lỗ, Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi được tận mắt chứng kiến hàng chục cơ sở làm nghề tháo dỡ mô tô cũ. Việc mặc cả để mua và bán chiếc xe máy cũ dễ như người ta bán mớ rau, miếng thịt ngoài chợ, giá rẻ đến bất ngờ

Đến với làng phá xe và buôn bán kim loại phế liệu tại xã Tề Lỗ, Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi được tận mắt chứng kiến hàng chục cơ sở làm nghề tháo dỡ mô tô (xe máy) cũ. Việc mặc cả để mua và bán chiếc xe máy cũ dễ như người ta bán mớ rau, miếng thịt ngoài chợ, giá rẻ đến bất ngờ, người mua, kẻ bán cũng không còn quan tâm nhiều đến giấy tờ đăng ký, xuất xứ.

Ở đây, trung bình mỗi tháng mỗi cơ sở kinh doanh tiếp nhận từ 30 đến 40 xe, chưa kể đến hàng hàng tấn phế liệu có nguồn gốc từ xe máy được phá bỏ từ nơi khác đưa về. Phần lớn các xe máy cũ đưa về Tề Lỗ, Đồng Văn được các cơ sở ở đây tháo dỡ và phân loại bán cho các lò đúc kim loại, lò thép; các linh kiện xe còn tốt thì được vệ sinh, bảo dưỡng cẩn thận để bán theo giá phụ tùng thay thế các xe khác khi bị hư hỏng. Những xe không quá tồi, còn khả năng sử dụng được thì các cơ sở chỉnh trang lại để bán cho người có nhu cầu làm phương tiện. Đây cũng là nơi săn lùng xe cũ nguyên chiếc và phụ tùng xe máy qua sử dụng sôi động hàng đầu của giới kinh doanh xe máy các tỉnh, thành trong nước.

Khoảng 15 năm trước, những gia đình kinh tế khá ở các miền quê Việt Nam "tậu" được những chiếc xe mô tô 81, 82 (xe Honda phổ thông sản xuất cách đây trên 20 năm) về nhà là cả một vấn đề bởi chiếc xe giá trị bằng cả đàn trâu, đàn bò hoặc 5 đến 7 tấn thóc, không phải ai cũng có được. Xe máy được coi vừa là phương tiện, vừa là tài sản quý hiếm của nhiều gia đình. Nhưng giờ đây, xe máy chủ yếu được coi là một phương tiện đi lại. Hiện nhiều chiếc xe chất lượng vẫn tốt nhưng được mang bán cho các chủ cơ sở kinh doanh phế liệu để họ tháo dỡ.

Những xe phân khối lớn do Nhật Bản, Hàn Quốc sản xuất đã chạy 30.000 đến 50.000 km được những người có thu nhập khá mang bán để nâng cấp xe khác rất phổ biến. Người có thu nhập thấp cũng có nhiều có cơ hội thay các xe máy do Trung Quốc sản xuất mà họ đang sử dụng. Dòng xe cũ lâm vào cảnh ế ẩm, xuất hiện tình trạng mua xe để tháo dỡ lấy phụ tùng thay thế và bán phế liệu.

Theo giới kinh doanh xe cũ, xe máy do Trung Quốc hay Nhật Bản sản xuất đưa vào sử dụng trên dưới 10 năm, khi một vài linh kiện hư hỏng xuống cấp được thay thế xe vẫn chạy tốt. Đồ thay thế các xe phổ thông tràn ngập thị trường nhưng nhiều người không chấp nhận thay thế sửa chữa lớn, xe mới xuống cấp hay tiêu tốn nhiên liệu... đã vội bán để mua xe mới. Bên cạnh đó, những chiếc xe đã cũ giá trị chỉ 1 đến 2 triệu đồng, lúc lưu hành trên đường vi phạm luật giao thông và bị cảnh sát tạm giữ xe thì chủ xe sẵn sàng bỏ luôn để khỏi phải làm các thủ tục xin lại xe, vừa mất tiền phạt lại tốn thời gian. Những năm gần đây, lực lượng công an ở các huyện, thị, thành trong cả nước đã liên hệ với các cơ sở kinh doanh xe máy cũ ở Yên Lạc để thanh lý các bãi xe đã quá thời hạn quy định mà các chủ xe không đến nộp phạt và nhận xe về.

Anh Tạ Duy Phong, chủ một cơ sở kinh doanh xe máy cũ cho biết, anh chọn nghề kinh doanh, tháo dỡ xe máy cũ vì nghề này không cần nhiều vốn. Mỗi xe máy cũ do Trung Quốc sản xuất mua về để tháo dỡ thường có giá 800 đến 900 ngàn đồng/xe, sau khi "mổ xẻ" xong trừ tiền công cơ sở còn lãi được 100 đến 150 ngàn đồng. Các xe mang nhãn hiệu Honda. Suzuki, Yamaha sản xuất tại Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam... còn sử dụng được, có dung tích 100 phân khối trở xuống, cơ sở mua với giá từ 3 đến 10 triệu đồng, tuỳ theo chất lượng. Sau khi chỉnh trang bán lại cho khách hàng, mỗi xe được lãi từ 500 đến 700 ngàn đồng; xe hình thức kém thì thường tháo bán phụ tùng. Anh Hoàng Đức Hiệp, chủ cơ sở buôn bán xe máy cũ ở thôn Giã Bàng, xã Tề Lỗ cho biết: Cơ sở của anh chuyên buôn bán các loại xe phân khối lớn nhập nguyên chiếc từ 125 phân khối trở lên, nay phần lớn các xe đã xuống cấp, phụ tùng thay thế khó mua, tốn nhiên liệu... nên người dân ít mua. Tuy vậy, các xe trên vẫn là đối tượng "săn lùng" của không ít giới trẻ, nhất là xe hình thức còn khá vì cho rằng đây là hàng độc, nếu được thay thế bằng phụ tùng chính hãng thì chất lượng xe sẽ tốt hơn hẳn so với các xe phổ thông lắp ráp trong nước. Những xe 125 phân khối trở lên, qua sử dụng trên 10 năm, được giữ gìn cẩn thận và có hình thức đẹp giá từ 20 đến 30 triệu đồng/xe.

Theo các cơ sở kinh doanh xe cũ, khi tiền công tháo dỡ xe còn hấp dẫn, phụ tùng tháo ra nhiều khách hàng mua, các cơ sở đúc kim loại và lò thép ở địa bàn hoạt động đều đặn thì việc kinh doanh xe máy cũ vẫn diễn ra sôi động. Lúc đó sẽ nảy sinh vấn đề môi trường nhưng không quá bức xúc, bởi vì người dân làm nghề trong gia đình, họ chủ động phân loại, thu gom chất thải, xử lý chất thải nhằm bảo vệ chính nơi sinh sống của gia đình mình.

Song khi tiền công không còn hấp dẫn, người tiêu dùng quay lưng với phụ tùng xe máy qua sử dụng, chính quyền hạn chế hoạt động các lò đúc kim loại, lò thép nói chung vì ô nhiễm môi trường, vì nguồn điện không thể đáp ứng... lúc ấy, người ta sẽ không chấp nhận kinh doanh xe cũ, tháo dỡ xe cũ tại gia đình. Việc lo nghĩa địa cho "ngựa sắt" ở ngoài khu dân cư sẽ trở thành vấn đề bức xúc, nan giải.

Nguyễn Trọng Lịch