09:14 02/09/2011

Làng Mới trên vùng đất mới

Làng Mới thuộc xã Ia Dưk (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã được hình thành cách đây gần 20 năm. Ban đầu, làng chỉ có khoảng 20 hộ người J'rai đã tự nguyện rời bỏ làng cũ, để xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới.

Làng Mới thuộc xã Ia Dưk (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đã được hình thành cách đây gần 20 năm. Ban đầu, làng chỉ có khoảng 20 hộ người J'rai đã tự nguyện rời bỏ làng cũ, để xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới. Do có nhiều điều kiện để phát triển sản xuất, nên cả 20 hộ, hộ nào cũng dần no đủ và không còn tình trạng thiếu ăn trong những tháng giáp hạt như trước đây. Thấy vậy, nhiều hộ dân khác ở các làng Ghê, Tuk Ngo, Tuk La... cũng đã tự nguyện theo ra định canh, định cư ở làng Mới và đến nay đã có trên 60 hộ cùng chung sống trong không khí ấm áp và thanh bình, mang dấu ấn của một làng dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên.

Làng Mới nguyên là vùng đất hoang hóa không có người ở, được Công ty cao su 74 (Binh đoàn 15) quy hoạch thành khu định canh định cư và vận động bà con dân tộc trong vùng đến xây dựng cuộc sống mới. Tại đây, công ty đã đầu tư nguồn kinh phí nhiều tỷ đồng giúp bà con làm nhà ở, làm hệ thống giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống điện lưới và nước sinh hoạt đến tận nhà... Bà con mới đến ở làng mới đều có đủ điều kiện để nhanh chóng ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất, con cái đều được đến trường học hành, đau ốm có cơ sở y tế điều trị miễn phí. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ và tuyên truyền, vận động bà con thay đổi cách làm ăn mới, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây kinh tế như lúa nước 2 vụ, tiêu, cà phê... thay dần các giống cũ truyền thống "phát - đốt - chọc - tỉa" lạc hậu như trước đây. Trong làng, hộ nào cũng phát triển kinh tế, vườn nhà, vườn đồi đều phủ kín một màu xanh của cây trái; tiềm năng về lao động, đất đai đang được dân làng khai thác một cách có hiệu quả.

Thu hoạch mủ cao su.


"Điểm nhấn" của làng Mới là hộ nào trong làng cũng có lao động được công ty cao su 74 tiếp nhận vào làm công nhân trong đơn vị, giao khoán vườn cây cao su để chăm sóc và khai thác mủ hàng năm. Đây là loại cây trồng kinh tế còn quá mới mẻ, ban đầu bà con còn bỡ ngỡ, nhưng dần về sau được tập huấn kỹ thuật rồi quen dần, tay nghề được nâng cao và năng suất khai thác mủ không thua kém gì người quen nghề. Bình quân mỗi lao động ở đây được công ty giao khoán từ 3 - 4 ha cao su, mỗi tháng có mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng, cuối năm vượt năng suất còn được nhận thưởng đến vài ba chục triệu đồng nữa. Cộng thêm mức thu nhập từ kinh tế vườn nhà, vườn đồi đã có khá nhiều hộ trở thành "triệu phú" với mức thu nhập trên trăm triệu đồng mỗi năm, như hộ gia đình Rơ Mah Oăng, chị Rơ Lan Đố hay gia đình anh Rơ Mah Blắk... Tất cả họ đã trở thành điển hình tiên tiến trong công cuộc đổi mới của làng, ai cũng chí thú làm ăn để vươn lên làm giàu chính đáng bằng sức lao động và trí tuệ của mình.

Già làng K'sor Bah tâm sự: Nếu như không có bộ đội của Công ty cao su 74, không có tấm gương sáng như Rơ Mah Klum thì 60 hộ dân ở làng Mới bây giờ vẫn còn chìm trong tăm tối. So với những hộ còn đang ở làng cũ, tuy cách đó không xa nhưng vẫn đang còn chịu cuộc sống khổ cực. Làng Mới đang thay da, đổi thịt từng ngày. Trăn trở của già là muốn làm sao cho cây cao su phát triển mạnh đến các vùng sâu, vùng xa để bà con dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng có điều kiện tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao cuộc sống.

Bài và ảnh: Văn Thông