07:15 17/07/2017

Lăng mạ, chống đối CSGT bị xử lý như thế nào?

Tôi thấy nhiều người vi phạm giao thông khi bị lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) yêu cầu dừng xe thì còn chống đối. Thậm chí, không ít người vi phạm còn chửi bới, xông vào hành hung CSGT. Trong trường hợp đó, những người này bị xử lý ra sao?

Trả lời:

Thực tế cho thấy, nhiều khi người tham gia giao thông vi phạm quy định, nhiều người nghiêm chỉnh chấp hành nhưng vẫn có không ít trường hợp chống đối, lăng mạ, hành hung lực lượng chức năng, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn giao thông nói chung và gây bức xúc trong dư luận xã hội…

Trong những trường hợp đó, hành vi vi phạm của những người tham gia giao thông trước hết tùy từng lỗi mà sẽ bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, ngày 26-5-2016 của Chính phủ.

Riêng đối với hành vi chống đối, lăng mạ, hành hung người đang làm nhiệm vụ thì tùy theo tính chất, mức độ của người có hành vi vi phạm, cơ quan chức năng có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc chuyển cơ quan điều tra điều tra xử lý hình sự về tội “Chống người thi hành công vụ”. Nếu hành vi hành hung ấy dẫn đến thương tích cho người thi hành công vụ thì có thể bị xử lý hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”.'

Cụ thể, việc xử lý hành chính đối với người cản trở, chống đối lực lượng chức năng sẽ căn cứ theo Điều 20, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/1/2013 của Chính phủ. Điều luật này xác định: “Hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng”.

Ở mức độ cao hơn như: dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực đối với người thi hành công vụ; gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan Nhà nước, của người thi hành công vụ; đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính thì sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

Đối với trường hợp: “Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật”, theo tội “Chống người thi hành công vụ”, quy định tại Điều 257-BLHS thì người phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Và mức hình phạt cao nhất ở tội danh này lên đến 7 năm tù.

Cũng với hành vi nêu trên nhưng nếu gây thiệt hại về sức khỏe cho CSGT thì có thể bị xử lý hình sự về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, theo Điều 104 - BLHS với mức hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân, trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc làm chết nhiều người.

Trung Hiếu (T/H)/Báo Tin Tức