11:10 03/11/2012

Làng gốm trăm tỷ ngắc ngoải vì quy hoạch

Hơn 10 năm sau chủ trương di dời, khi mà người ta chưa kịp nhìn thấy sự ra đời của cụm nghề gốm Tân Hạnh, thì đã phải chứng kiến cảnh nghề gốm Biên Hòa tàn lụi, bởi đa số các cơ sở sản xuất bị phá sản hoặc phải chuyển đi nơi khác làm ăn.

Hơn 10 năm sau chủ trương di dời, khi mà người ta chưa kịp nhìn thấy sự ra đời của cụm nghề gốm Tân Hạnh, thì đã phải chứng kiến cảnh nghề gốm Biên Hòa tàn lụi, bởi đa số các cơ sở sản xuất bị phá sản hoặc phải chuyển đi nơi khác làm ăn.

Năm 2000, UBND tỉnh Đồng Nai có chủ trương di dời làng gốm thuộc các xã, phường của thành phố Biên Hòa về cụm ngành nghề gốm Tân Hạnh (xã Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa). Mục đích của việc làm này là nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời bảo tồn và phát triển làng nghề.

Thế nhưng, hơn 10 năm sau chủ trương trên, khi mà người ta chưa kịp nhìn thấy sự ra đời của cụm nghề gốm Tân Hạnh, thì đã phải chứng kiến cảnh nghề gốm Biên Hòa tàn lụi, bởi đa số các cơ sở sản xuất bị phá sản hoặc phải chuyển đi nơi khác làm ăn. Những doanh nghiệp trụ lại thì phải thu hẹp sản xuất, đối mặt với khó khăn chồng chất.

Theo những nhà nghiên cứu, thợ làm gốm lâu năm ở Đồng Nai, nghề gốm Biên Hòa có lịch sử hơn 300 năm. Và vì là vùng đất giao thoa của nhiều nền văn hóa, nên gốm Biên Hòa đã kết hợp được những tinh hoa của gốm Chăm – Hoa – Việt. Điều này đã tạo cho nghề gốm nơi đây có đặc trưng riêng với những sản phẩm đất trắng mỏng, nhẹ cùng màu men đa dạng, nét chạm khắc độc đáo, tạo hình nổi.

Đã một thời, các lò gốm tại Biên Hòa sáng đèn cả ban đêm để làm kịp hàng giao cho khách. Gốm nơi đây được xuất khẩu đi hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các cơ sở làm nghề thu hút hàng trăm lao động và không ngừng mở rộng sản xuất.

Đó là thời hoàng kim của nghề gốm Biên Hòa, còn thực tại thì như lời ông Huỳnh Hữu Nghĩa - chủ Công ty gốm Thái Dương: “Sản phẩm của chúng tôi trước đây xuất khẩu ra thị trường 18 nước trên thế giới, giờ còn có 5 nước. Nhiều doanh nghiệp đã phá sản, một số khác thì “chạy” qua Bình Dương làm ăn. Tình hình này nghề gốm nhiều khả năng mai một”.

Theo ông Nghĩa, năm 2000 trở về trước, công ty ông có hơn 500 lao động, doanh thu hàng năm luôn đạt mức trên 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, lao động giảm xuống còn khoảng 100 người, doanh thu cũng chỉ còn 1 nửa, thị trường xuất khẩu mất tới 2/3.

Ông Vòng Khiềng - Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai than thở: Năm 2000, làng gốm mỹ nghệ Biên Hòa có hơn 300 cơ sở làm nghề, xuất khẩu đạt 5 triệu USD/năm. Nhưng giờ chỉ còn chưa đầy 40 cơ sở, doanh thu xuất khẩu mỗi năm chưa đến 1 triệu USD. Nhiều cơ sở đã tồn tại hàng trăm năm gắn với tên tuổi của những sản phẩm độc đáo, những nghệ nhân lừng danh, song sản xuất đình đốn, doanh nghiệp phá sản, nên thợ phải bỏ nghề, sản phẩm mai một.

Theo đại diện nhiều công ty sản xuất gốm tại Biên Hòa, 10 năm trở lại đây, những thợ gốm giỏi của họ cứ bỏ doanh nghiệp mà đi, người bám trụ lại thì công việc cũng thất thường, thu nhập không ổn định. Chủ một doanh nghiệp chua xót: “Thợ gốm trước thì làm sớm tối không nghỉ tay, còn giờ đơn hàng lúc có lúc không, công việc bấp bênh, nên ngoài làm gốm, anh em còn có thêm các nghề tay trái như thợ xây, chạy xe ôm…”.

Ông Vòng Khiềng cho biết: Thành lập làng gốm Tân Hạnh là một chủ trương đúng đắn của Đồng Nai, với quy hoạch này, nghề gốm Biên Hòa có cơ sở để phát triển lên một tầm cao mới. Thế nhưng, dự án “treo” quá lâu đã đẩy các cơ sở sản xuất gốm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Vướng quy hoạch nên 10 năm qua, các cơ sở sản xuất phải giữ nguyên hiện trạng, máy móc, nhà xưởng vì đã được kê khai, nên các doanh nghiệp không thể thay đổi. Sản xuất vì thế mà không theo kịp thị trường.


Sản xuất gốm trang trí ở DNTN Phát Thành, KP4, phường Tân Vạn, TP Biên Hòa. Ảnh: baodongnai.com.vn



Việc quy hoạch cụm gốm Tân Hạnh kéo dài qua nhiều năm, UBND thành phố Biên Hòa cho rằng, trong thời gian triển khai đề án phát sinh nhiều bất cập, nên phải điều chỉnh vào năm 2008. Năm 2011, cụm gốm Tân Hạnh cơ bản đã hoàn thành, nhưng các doanh nghiệp không chịu vào cụm do đóng chi phí hạ tầng cao, diện tích được cấp nhỏ.

Trước tình hình này, đầu năm 2012, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định hỗ trợ 60% tổng mức vốn đầu tư hạ tầng cho các cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, khi di dời vào cụm gốm Tân Hạnh, doanh nghiệp được bố trí diện tích tối thiểu bằng với diện tích tại vị trí cũ. Chủ trương là vậy, tuy nhiên khi thực hiện thì hầu hết các doanh nghiệp đều ngỡ ngàng, hốt hoảng, bởi hầu hết các cơ sở được cấp diện tích chỉ bằng 1 nửa so với quy định. Cụ thể, Công ty gốm Thái Dương có diện tích hiện tại là 38.000 m2 nhưng chỉ được duyệt 25.000 m2. Công ty cổ phần mỹ thuật Gốm Việt đăng ký hơn 10.000 m2, chỉ được duyệt 5.000 m2…

Ông Huỳnh Hữu Nghĩa (gốm Thái Dương) đánh giá: Diện tích được cấp quá nhỏ sẽ khiến việc làm gốm gặp rất nhiều khó khăn (đặc biệt là sản xuất gốm đen). Ngoài diện tích ít, khi chuyển vào cụm gốm Tân Hạnh, chúng tôi sẽ phải đối mặt với khó khăn tuyển thợ, trong khi để trở thành thợ gốm, người lao động phải có ít nhất 4 năm vừa học vừa làm. Ông Nghĩa nhấn mạnh: “Như công ty chúng tôi, giờ chuyển vào cụm gốm Tân Hạnh là phải làm mới hoàn toàn từ nhà xưởng đến máy móc, chi phí cho việc xây dựng, mua sắm trang thiết bị khoảng 20 tỷ đồng. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của tỉnh Đồng Nai để làm lại từ đầu”.

Ông Nguyễn Hữu Tân - chủ cơ sở gốm Phát Thành (phường Tân Vạn) tâm sự: “Nếu di dời vào cụm gốm Tân Hạnh , tôi phải có khoảng 10 tỷ đồng để trả tiền hạ tầng, thuê đất và xây dựng nhà xưởng. Khoản đầu tư này vượt quá sức của doanh nghiệp, nếu không được tỉnh hỗ trợ chắc tôi phải chuyển nghề”.

Nỗi niềm của ông Nghĩa, ông Tân, cũng là nỗi lo chung của hầu hết các cơ sở sản xuất gốm ở Biên Hòa. Khi di dời vào cụm gốm Tân Hạnh, đồng nghĩa với việc các cơ sở sản xuất phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Ông Vòng Khiềng phân tích: “Nếu tỉnh Đồng Nai không có chính sách hỗ trợ di dời, ưu đãi hợp lý cho các doanh nghiệp, nhiều cơ sở gốm ở Biên Hòa chắc chắn sẽ phải phá sản bởi họ không đủ khả năng vào cụm gốm Tân Hạnh”.


Công Phong