11:17 20/11/2014

Làng chài trên đất Tây Nguyên

Chúng tôi ghé thăm dòng sông Se San, nơi có một số nhóm dân di cư đổ về đây sinh sống trên những chiếc bè tạm bợ giữa vùng sông nước, hằng ngày đánh bắt cá để sống qua ngày.

Chúng tôi ghé thăm dòng sông Se San, nơi có một số nhóm dân di cư đổ về đây sinh sống trên những chiếc bè tạm bợ giữa vùng sông nước, hằng ngày đánh bắt cá để sống qua ngày.

Xuất phát từ đập thủy điện Se San 4 phải mất gần 30 phút đi xuồng máy mới đến được làng chài. Đặt chân lên làng bè, chúng tôi được đón tiếp niềm nở như những người khách quý. Làng bè này nằm giữa ranh giới huyện Ia Grai - Gia Lai và huyện Sa Thầy - Kon Tum, hiện tại có 13 hộ dân đang sinh sống và làm ăn, đa số đều là người thuộc tỉnh An Giang và Đồng Tháp, chỉ duy nhất có một hộ của gia đình chị Võ Thị Quýt là người Bình Phước vào đây sinh sống.

Việc mưu sinh trên dòng Se San dù còn nhiều gian khó, nhưng vẫn giữ chân được không ít gia đình.


Gia đình anh Nguyễn Văn Sơn và chị Đặng Thị Dung quê ở xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã chuyển về đây sinh sống được gần 4 năm, anh Sơn cho biết: Gia đình anh đã sinh được 4 cháu, cháu lớn nhất đã được 12 tuổi và nhỏ nhất là 4 tuổi. Gia đình anh trước đây sinh sống ở quê không có nhà cửa phải ở nhờ nhà anh chị, hai vợ chồng sống bằng nghề gặt lúa mướn cho người ta mỗi ngày, mỗi người được một trăm nghìn đồng. Từ khi có máy gặt lúa thì anh chị không biết làm gì, nên hoàn toàn không có nguồn thu nhập. Không nhà cửa, anh chị phải vào đây sinh sống. Vợ chồng anh Sơn dựng một chiếc bè nhỏ giữa lòng hồ thủy điện Se San để che nắng che mưa và hằng ngày đi đánh bắt cá để kiếm ăn.

Chúng tôi đi thăm hỏi những gia đình sinh sống cạnh gia đình anh Sơn thì được biết họ cũng có hoàn cảnh giống như gia đình anh Sơn, vì cuộc sống ở quê quá khó khăn nên mới vào đây sống trên những chiếc bè tạm bợ, hằng ngày kiếm ăn bằng việc đánh cá trên lòng hồ Thủy Điện. Gia đình của chị Võ Thị Quýt là hộ duy nhất không thuộc vùng sông nước miền Tây. Gia đình chị khi ở Bình Phước hoàn cảnh cũng khó khăn nên phải về đây sinh sống bằng nghề thu mua cá. Chị cho chúng tôi biết: Những người tới đây đều không có tiền để đóng xuồng mua lưới đánh cá, lúc đầu chị phải trích tiền cho mượn để mua sắm phương tiện đánh bắt cá rồi trả dần. Hằng ngày chị thu mua lại cá của những người dân sống trên bè rồi mang ra chợ bán lại. Thấy người dân không có điện xài, chị bỏ tiền mua chiếc máy phát điện nhỏ về rồi cùng nhau góp tiền lại mua xăng để chạy máy nhưng mỗi ngày chỉ sử dụng được khoảng 2 tiếng.

Cuộc sống tạm bợ của những hộ dân sống trên dòng Se San.


Anh Kiều Văn Nam quê ở huyện An Phú, tỉnh An Giang, cho biết thêm: Anh chuyển đến lòng hồ Se San sinh sống đã được 2 năm nay, hằng ngày anh đánh bắt cá nhưng ngày được ngày không, cuộc sống vô cùng khó khăn. Tuy nhiên cuộc sống hiện tại vẫn đỡ hơn khi còn ở quê. Anh nói thêm: tất cả hộ dân sinh sống ở đây đều tắm giặt trên sông không được vệ sinh lắm. Chỉ duy nhất việc nấu nướng là lấy nguồn nước sạch mua ở ngoài.

Cuộc sống của những người dân làng chài vô cùng khó khăn, chiều thì giăng lưới, trời chưa sáng lại phải đi gỡ cá. Làm việc từ sáng sớm tinh mơ cho đến khi mặt trời khuất núi nhưng cá thì chẳng được là bao, đó là chưa kể những ngày còn chẳng được con cá nào. Mỗi ngày đánh cá chỉ tính riêng tiền chi phí đã trên dưới 100 nghìn đồng, đó là chưa tính đến tiền hư hỏng xuồng hay phải mua lưới do bị rách. Có ngày không bắt được hoặc ít thì còn lỗ tiền xăng.

Những bữa cơm chỉ một đĩa cá nhỏ cả gia đình cùng ăn, nói là ngư dân nhưng cá ngon tươi đều đem bán hết chứ có dám ăn đâu. Trẻ em tới tuổi đi học không được đến trường như các bạn đồng trang lứa.

Lúc chúng tôi hỏi các hộ dân ở đây có dự định gì cho tương lai sau này thì chỉ nhận được một câu trả lời duy nhất là không biết. Họ chỉ mong ước có một nơi an cư lập nghiệp và con cháu được đi học như bao trẻ em khác.

Bài và ảnh: Phan Đức