02:14 25/02/2011

Làn gió thay đổi lan sang Arập Xêút

Báo "Bưu điện Quốc gia" ngày 24/2 đã đăng bài của nhà phân tích Peter Goodspeed viết về sự bất bình đang âm ỉ tại Arập Xêút trong bối cảnh một thế hệ cách mạng mới đang nổi lên trong khu vực.

Báo "Bưu điện Quốc gia" ngày 24/2 đã đăng bài của nhà phân tích Peter Goodspeed viết về sự bất bình đang âm ỉ tại Arập Xêút trong bối cảnh một thế hệ cách mạng mới đang nổi lên trong khu vực.

Sau 3 tháng điều trị tại Mỹ, ngày 19/2, Quốc vương Abdullah của Arập Xêút, 86 tuổi, đã trở về nước, trở về với một Trung Đông đang chuyển đổi. Arập Xêút cảm thấy bị đe dọa bởi các cuộc cách mạng đang nổ ra tại hai nước láng giềng Yêmen và Baranh, đã lật đổ các nhà lãnh đạo tại Ai Cập và Tuynidi, đẩy Libi hướng tới một cuộc nội chiến và làm chao đảo các chính phủ tại Marốc, Angiêri, Gioócđani và Iran.

Trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm tránh các cuộc biểu tình tương tự xảy ra ở trong nước, Quốc vương Abdullah tuyên bố một khoản chi tiêu công mới trị giá 37 tỷ USD, tăng lương công chức thêm 15% và tăng mạnh chi tiêu cho các chương trình phúc lợi xã hội, nhà cửa và giáo dục.

Theo các sắc lệnh mới, những người thất nghiệp tại Arập Xêút sẽ được trợ cấp tài chính trong một năm, trong khi những người bị tù vì không trả các khoản nợ sẽ được trả tự do và sinh viên được hỗ trợ thêm tiền.

Các chuyên gia cho rằng sự hào phóng đột ngột này là một nỗ lực nhằm tháo gỡ sự bất mãn và làm chệch hướng những yêu cầu cải cách. John Sfakianakis, nhà kinh tế chủ chốt thuộc ngân hàng "Banque Saudi Fransi" tại Riát nói: "Thông điệp từ Quốc vương là ông ta nhận thức được những thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt và sẽ thực hiện các bước để xử lý các vấn đề trước mắt và trung hạn".

Không giống với các quốc gia đang gặp khó khăn khác tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, Arập Xêút có khả năng chi khoảng 400 tỷ USD trong thu nhập từ dầu mỏ để tạo việc làm, khuyến khích kinh doanh và thu hút đầu tư. Nhưng thực tế, khoảng cách thế hệ đã châm ngòi cho tình trạng hỗn loạn trong thế giới Arập, thể hiện rõ ràng nhất tại Arập Xêút: 47% trong số 19 triệu người dân nước này dưới 18 tuổi và gần 40% số thanh niên trong độ tuổi 20-24 không có việc làm.

Tuổi tác và tình trạng sức khỏe kém của Quốc vương Abdullah khiến quốc tế quan ngại về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng lãnh đạo tại quốc gia đang kiểm soát 25% lượng dầu mỏ của thế giới. Dựa trên những diễn biến hiện nay tại Trung Đông, người ta không muốn chứng kiến khoảng trống chính trị bất ngờ tại Arập Xêút, có thể châm ngòi cho một "cơn sóng thần" về chính trị và kinh tế trong khu vực.

Do không có quốc hội được bầu và các chính đảng, quyền lực tại Arập Xêút theo truyền thống được truyền cho các con trai của nhà sáng lập ra vương quốc này, Quốc vương Abdul-Aziz ibn Saud, người đã chết năm 1953. Ông này có ít nhất là 37 con trai của 22 bà vợ. Kết quả là hiện có hàng trăm người có thể nối ngôi Quốc vương Abdullah.

Quốc vương Abdullah lên nắm quyền vào năm 2005, sau cái chết của Quốc vương Fahd, người anh em cùng cha khác mẹ với ông. Nhưng trên thực tế Abdullah đã nắm quyền trong suốt 15 năm, sau khi Quốc vương Fahd bị đột quỵ.

Quốc vương Abdullah hoàn toàn nhận thức được rằng cái chết của một quốc vương khi không có các quy định kế vị được thừa nhận có thể đẩy Arập Xêút vào một cuộc chiến thị tộc căng thẳng. Năm 2006, ông đã thành lập một "Hội đồng trung thành" gồm các hoàng tử, chịu trách nhiệm đảm bảo sự đồng thuận về người sẽ trở thành thái tử.

Theo Thomas Lippman, một học giả về Trung Đông thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, "thủ tục mới giống như việc lựa chọn Giáo hoàng. Không có ai ngoài Hoàng gia Arập Xêút biết được việc ai sẽ được đưa vào danh sách này".

Sự bất ổn đó tồn tại trong bối cảnh những thanh niên Arập Xêút vừa được thử lần đầu tiên "mùi vị" của cách mạng. Hòa cùng các cuộc nổi dậy tại Tuynidi và

Ai Cập, các nhà hoạt động Arập Xêút đang yêu cầu có những cải cách kinh tế để tạo thêm việc làm và những cải cách chính trị, trong đó có các cuộc bầu cử tự do, tự do cho phụ nữ và trả tự do cho tù nhân chính trị. Họ đang kêu gọi tổ chức "ngày giận dữ" tại Arập Xêút vào ngày 11/3. Văn phòng của Quốc vương Abdullah đã phản ứng bằng cách lập trang Facebook riêng, nơi các công dân được mời bày tỏ sự bất bình trực tiếp với Quốc vương chỉ bằng một cái "nhấp chuột".

Quốc vương Abdullah có thể tìm cách đáp ứng một số yêu cầu của các nhà hoạt động dân chủ, những điều đó dường như không đủ để tránh những rắc rối đã xảy ta tại các nước láng giềng. Hiện nay, không thể dùng tiền để mua sự im lặng và sự phục tùng của người dân.

TTXVN