11:22 26/11/2014

Làm sống động Hoàng thành Thăng Long

Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới từ năm 2010, nhưng tới nay Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long -Hà Nội, với rất nhiều giá trị lịch sử và một bề dày văn hóa, vẫn chưa phát huy được những giá trị này để trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô.

Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới từ năm 2010, nhưng tới nay Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long -Hà Nội, với rất nhiều giá trị lịch sử và một bề dày văn hóa, vẫn chưa phát huy được những giá trị này để trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô.

Trước thực tế này, ngày 26/11, Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Khai thác giá trị di sản để phát triển du lịch, kết nối chương trình tham quan Hà Nội - di sản Hoàng thành Thăng Long”.

Thiếu hấp dẫn du khách

Về mặt bảo tồn Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long -Hà Nội, thời gian qua Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã làm khá tốt. Việc quảng bá những giá trị của khu Hoàng thành Thăng Long cũng đã được triển khai hiệu quả, khiến cho nhiều du khách trong và ngoài nước đều mong muốn tìm đến Hoàng thành để tham quan khi có dịp. Tuy nhiên, khi đến nơi, thì hầu hết đều cảm thấy… thất vọng. Thất vọng không phải vì Hoàng thành Thăng Long ít giá trị, ít nội dung để tham quan, tìm hiểu… mà bởi sự thiếu “sống động” của hoạt động du lịch nơi đây, cũng như việc thiếu những tài liệu để có thể hiểu biết đầy đủ và chính xác về giá trị của khu di tích.

Các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội nghe thuyết minh giới thiệu các điểm tham quan tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Xuân Cường


Trên thực tế, rất nhiều du khách cho rằng, đến thăm Trung tâm Hoàng thành Thăng Long giống như đi thăm một bảo tàng, mà điều này thì cần có kiến thức sâu rộng, trong khi hầu hết khách du lịch không có đủ thời gian để tham quan hết, càng không có đủ kiến thức sâu rộng để “thẩm thấu” hết những giá trị “vĩ mô” này, mà thường chỉ muốn tiếp cận với những hiện vật sống động, bắt mắt. Chính vì vậy, như chia sẻ của một đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, trong năm 2013, khu di sản đón khoảng 120.000 lượt khách tham quan, trong đó, khách trong nước chiếm 80%, chủ yếu là người cao tuổi, sinh viên. Còn khách quốc tế chỉ chiếm 20% và chủ yếu là khách Nhật Bản.

Về vấn đề này, như Giáo sư sử học Lê Văn Lan nhận xét: “Khách trong nước đến với Trung tâm Hoàng thành hiện nay chủ yếu là giới trẻ và mục đích chụp ảnh với cổng Đoan Môn cổ kính, chứ thực sự họ cũng không có nhu cầu tìm hiểu sâu về giá trị lịch sử. Còn những khách từ các vùng miền trong cả nước đến tham quan Trung tâm Hoàng thành mà tôi có dịp tiếp xúc thì bày tỏ sự thất vọng. Lý do là nhắc đến Hoàng thành, họ cứ nghĩ đó là những lâu đài thành quách cổ kính như kinh thành Huế, nhưng thực ra toàn thấy nhà “Tây”. Với khách nước ngoài, họ lại ấn tượng nhất là khu hầm tránh bom D67 bởi được giới thiệu đây là nơi… tránh được bom nguyên tử, trong khi đó những giá trị văn hóa tầng tầng lớp lớp của khu di sản lại ít được khách nhớ đến do thuyết minh thiếu sinh động”.

“Những giá trị của Khu trung tâm Hoàng thành hiện nay mới chỉ nằm trên lý thuyết và chưa chuyển tải đến du khách. Những tài liệu, quảng bá hiện nay vẫn khô cứng, mang tính bác học và không ai đọc. Chúng ta đang nói những thứ rất to tát và đôi khi khách không thể nhớ hết được. Do đó việc hướng dẫn giá trị di sản chỉ nên tập trung vào từng tình tiết và làm sống động những tình tiết đó. Chẳng hạn như tại khu trưng bày mới đây có rất nhiều hiện vật của nhà Trần thì hướng dẫn viên chỉ cần tập trung giới thiệu về sự “chìm nổi” của ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” khắc năm 1257, thì sẽ hấp dẫn người nghe”. Bên cạnh đó, Trung tâm có thể phục dựng sinh hoạt, mô phỏng lại một số hoạt động của các triều đại như trang phục lính gác, quan lại thường xuyên tại khu vực này để hấp dẫn hơn du khách”, một chuyên gia góp ý.

Cùng chung quan điểm này, các doanh nghiệp lữ hành cũng thừa nhận, các giá trị khảo cổ học, bề dày lịch sử qua hàng nghìn năm của Khu trung tâm Hoàng thành nếu không có sự giới thiệu, tìm hiểu thấu đáo sẽ chỉ thấy sự khô cứng, thiếu hấp dẫn. Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Hanoi tourist cho biết: “Là một doanh nghiệp, chúng tôi nghĩ ngay đến dịch vụ gia tăng khi đến thăm, nhưng thực tế dịch vụ tại Khu trung tâm Hoàng thành ít, nghèo nàn. Do đó, để hấp dẫn du khách và để di tích Hoàng thành Thăng Long trở thành điểm đến không thể bỏ qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cần xây dựng những hoạt động bổ trợ sinh động”.

Mở rộng tính liên kết

Thừa nhận những “hạn chế” hiện nay của việc phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long, ông Nguyễn Công Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội chia sẻ: Công tác nghiên cứu về những giá trị của di tích hiện mới đang ở giai đoạn đầu và chưa có sự gắn kết với doanh nghiệp du lịch, nên các doanh nghiệp cũng không mặn mà kết nối tour tham quan. Sản phẩm phục vụ khách cũng chưa có và mới chỉ ở dạng sơ khai. Hầu hết các điểm khách đến tham quan là những vị trí khảo cổ, hiện vật sẵn có, thiếu những sản phẩm du lịch cụ thể hấp dẫn du khách.

Về vấn đề này, ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội khẳng định: Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới và là điểm đến tự hào của Thủ đô. Việc kết hợp hài hòa giữa di sản và du lịch tại đây sẽ vừa góp phần quảng bá di sản vừa phát huy giá trị vốn có của di sản này. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh các giá trị du lịch của di tích. Cụ thể, Trung tâm cần có hình ảnh sống động như hình ảnh 3D về điện Kính Thiên hoặc tổ chức các sự kiện thường niên như “Lễ hội đèn Quảng Chiếu” theo định kỳ hàng năm. Thực tế, những sự kiện này Hội An và khu phố cổ Hà Nội cũng đã tổ chức thường xuyên và được du khách đánh giá cao.

Cũng theo ông Mai Tiến Dũng, cùng với tạo dựng sản phẩm tại điểm di tích, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cần liên kết với hệ thống di tích, điểm du lịch tạo thành chuỗi sản phẩm như việc kết nối với khu phố cổ Hà Nội -Văn Miếu Quốc Tử Giám -Lăng Bác để thu hút khách. “Sở VHTTDL đang hình thành ý tưởng tạo dựng sản phẩm liên kết giữa Hoàng thành Thăng Long - Văn Miếu Quốc Tử Giám - làng cổ Đông Ngạc. Sự liên kết này sẽ cho du khách thăm tuyến tour hiểu hơn về quá trình tôn vinh đạo học của người Việt Nam: Từ lúc sinh ra và lớn lên ở làng quê, học đại học (Văn Miếu), rồi làm quan trong triều đình... qua đó để lại ấn tượng sâu sắc cho du khách”, ông Mai Tiến Dũng cho biết.

“Việc trước tiên mà ngành văn hóa du lịch cần làm hiện nay là quảng bá. Chúng ta đã tốn kém rất nhiều tiền để thực hiện bảo tồn, tuy nhiên di sản chỉ phát huy khi được nhiều người biết đến. Do đó, sự liên kết với các đơn vị lữ hành, liên kết với các điểm di tích, các điểm đến cần sớm triển khai để Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là điểm đến không thể bỏ qua khi đến Hà Nội”, Giáo sư Lê Văn Lan nhấn mạnh.


Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ, Hội Du lịch Hà Nội: Cần không gian văn hóa nghệ thuật

Do nội dung tại Khu Hoàng thành Thăng Long đơn điệu, nên với nhiều đoàn khách nội địa, chúng tôi chỉ đưa đi tham quan khoảng 1 tiếng là hết chương trình với cung đường đi tham quan là cổng thành Đoan Môn - điện Kính Thiên - thắp hương tại nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Để hấp dẫn du khách, Trung tâm nên phục dựng không gian văn hóa nghệ thuật theo từng thời triều đại để du khách dễ hình dung. Ngay cả tại điểm di tích, Trung tâm nên thiết kế các điểm chụp ảnh, bởi đó là cách quảng bá hiệu quả nhất từ chính du khách.

Ông Lê Quang Đạo, Phó giám đốc Công ty du lịch Tầm nhìn: Phục dựng theo hình thức cổ trang Với một điểm đến di sản nhiều tầng lớp như Hoàng thành Thăng Long, vai trò của hướng dẫn viên và thuyết minh viên rất quan trọng. Do đó, Trung tâm cần thường xuyên hợp tác với đơn vị lữ hành cung cấp thông tin, đào tạo để có sự chuyển tải sinh động hơn. Với mỗi thị trường khách cũng cần có nội dung thuyết minh riêng và đi theo từng tuyến phù hợp, như vậy sẽ hiệu quả hơn. Đặc biệt là chú ý đến những tình tiết sống động và có thể phục dựng theo hình thức cổ trang mà nhiều điểm di tích đã làm.

Nguyễn Thị Loan, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội: Sử dụng công nghệ 3D Để du khách hiểu hết giá trị Khu Hoàng thành này nên có sự giới thiệu sinh động bằng công nghệ 3D để dễ hình dung. Bên cạnh đó, Trung tâm nên có sự giới thiệu về khu Hoàng thành theo từng chuyên đề, từng thời đại, như thế người xem sẽ dễ tiếp thu hơn.


Xuân Minh