09:06 18/09/2014

Lâm Quý và những tâm sự vùng đồi

Ông là “con sơn ca bách thanh của đại ngàn Tam Đảo không lạc giọng giữa thị thành nhưng cũng giống như Nguyễn Tham Thiện Kế vì mải mê đi tìm những miền đất lạ mà có lúc như con tàu cứ lao đi quên mất cả nơi cần phải trở lại để lấy thêm năng lượng…

Trừ Trần Quang Quý, Văn Chinh ở Hà Nội, còn tôi, Lâm Quý, Trần Dư, Nguyễn Tham Thiện Kế thường “trà dư tiểu hậu” ở Việt Trì, suốt một thời dễ đến hàng chục năm. Ngoài chuyện văn chương, chúng tôi còn nói với nhau, tâm sự với nhau chẳng thiếu chuyện gì trên đời. Đã cùng cười-khóc, khóc-cười, không giấu diếm gì nhau, kể cả chuyện vợ con, gia đình, nên khi nghe tin Lâm Quý đổ bệnh, rồi mất ở Vĩnh Yên, tôi như mất một người thân vậy.

 

Lâm Quý, nổi tiếng là thơ hay trong các gương mặt thơ người dân tộc. Ông cũng nổi tiếng là người hay rượu. Và cứ rượu vào là có thể đọc thơ đến quên cả họp hành, quên cả thức trắng đêm. Vào những cuộc vui như thế, tôi thường thấy ông như “lên đồng”, có thể cho thăng thiên tất cả, nhưng liền sau đó, lại là những phút rất yếu mềm.

 

Sinh năm Đinh Hợi (1947), là người Cao Lan, quê ở Quang Yên, Lập Thạch (Vĩnh Phúc), Lâm Quý là con thứ 4 trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Đáng lẽ Lâm Quý đã đi du học ở Tiệp Khắc nhưng nghe theo lời người thày dạy, tốt nghiệp lớp 10, Lâm Quý đã thi vào khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1969, khi đang là sinh viên, nghe tin Bác Hồ mất, trong nghẹn ngào xúc động, Lâm Quý đã làm bài thơ “Ké Hồ ơi”, đọc cho cả lớp nghe, người nào cũng rơm rớm nước mắt. Bài thơ đã được Báo Nhân dân đăng ngay trong những ngày cả nước đau thương đưa tiễn Bác.

 

Cũng từ đấy Lâm Quý nổi lên như một cây bút trẻ đầy hứa hẹn, được dư luận rộng rãi chú ý. Và cái tên Lâm Quý quen dần với bạn đọc cả nước.
Những người bạn của Lâm Quý thường kể: Sau khi tốt nghiệp Đại học, nhà trường định giữ Lâm Quý ở lại làm giảng viên, nhưng ông đã xung phong vào chiến trường. Ông trở thành phóng viên từ năm 1972. Trong một lần vô tình bắt gặp chị em đang vừa hát vừa gõ vào chiếc thùng phuy (200 lít), trên đường vận chuyển lên đỉnh dốc Cọp để đựng xăng, Lâm Quý đã viết thành công bài thơ “Chuyện gặp trên đỉnh dốc Cọp” (tặng Đại đội 8/3, nữ quân giải phóng làm nhiệm vụ hậu cần vùng dốc Cọp, huyện Ba Tơ- Quảng Ngãi).

 

Bài thơ đã được chị em Đại đội 8/3 chép vào sổ tay, đồng đội đọc cho nhau nghe trong những đêm mưa rừng, không chỉ ở Quảng Ngãi. Sau mấy chục năm mà khi biết tin Lâm Quý ốm ở Vĩnh Yên, có người còn từ Quảng Ngãi, gửi thư ra nhắc lại kỷ niệm bài thơ xưa như một sự biết ơn vì nhờ bài thơ ấy mà nhiều chị em ở Đại đội 8/3 ngày nào đi trong bom đạn vẫn cứ cười như không.

 

Nhớ về Lâm Quý là nhớ về một - đời - thơ viên mãn nhưng cũng đầy hao khuyết. Những người đồng đội của ông, không quên kể lại: Tháng 3 năm 1975 ở chiến trường Tây Nguyên, với tư cách là một nhà báo, Lâm Quý đã xông xáo khắp mặt trận, kịp thời có những bài báo làm nức lòng đồng bào, chiến sỹ cả nước, đó là các bài: “Quân giải phóng đã làm chủ Buôn Mê Thuột, Lá thư từ Buôn Mê Thuột, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã làm chủ Tây Nguyên…”. Bây giờ đọc lại, vẫn cứ thấy hừng hực khí thế của một thời. Đã có lần Lâm Quý kể cho tôi nghe chuyện ngày đầu tiên Sài Gòn được giải phóng, ông đã lái chiếc xe Giep, đằng sau đặt một khẩu AK, bên hông đeo khẩu K54, rong ruổi khắp các ngõ ngách Sài Gòn để xem xét tình hình và lấy tin tức.

 

Ông bảo xa Sài Gòn, xa mảnh đất miền Trung bao nhiêu năm, mỗi lần trở lại, bao giờ ông cũng không quên tìm đến những người đồng đội cũ. Đúng là nếu không có những tháng năm ở chiến trường Liên khu 5 khốc liệt, Lâm Quý khó có thể trở thành một nhà thơ. Với mảnh đất Tây Nguyên, ông có rất nhiều duyên nợ. Sau chiến thắng 30/4/1975, khi rất nhiều đồng nghiệp trở ra miền Bắc, thì ông lại được điều động trở lại Đắc Lắc, phụ trách TTX Việt Nam tại đây cho tới 1979 thì về Ban tin tức trong nước của TTXVN (tại Hà Nội).

 

Cũng do hoàn cảnh vợ ốm, con đông, Lâm Quý phải lao vào bươn chải, lo miếng cơm manh áo cho gần chục miệng ăn, nên suốt từ đó cho đến năm 1992, ông phải nghiêng bút về hoạt động báo chí nhiều hơn. Những năm được điều động lên làm phóng viên, rồi làm Trưởng phân xã TTXVN tại Yên Bái cho đến khi nghỉ hưu (2003), Lâm Quý đã có hàng trăm bài báo và nhiều bài thơ “nằm lòng” bạn đọc. Ông thường tâm sự “Báo chí là cái nghề ăn lương-Thơ mới là “nghiệp”. Vì “nghiệp” mà mình đã phải trả giá cả đời. Nhưng mình không ân hận. Nếu được làm lại, mình vẫn chọn cái “nghiệp” làm thơ để trả ơn đời”.

 

Lâm Quý là nhà thơ của những tâm sự, những thăng hoa trong rượu giữa bạn bè. Ông tâm niệm “Văn chương là chuyện không phải dễ dàng, nó thơm như loại trầm hương. Cả rừng mới có một loài trầm hương này mà phải mất hàng trăm năm mới có”.

 

Thấm từ câu dân ca, câu chuyện tình của người Cao Lan, Lâm Quý đã để lại cho đời nhiều bài thơ hay như “Điều có thật từ câu dân ca, Tâm sự với hoa văn, Những chàng trai của núi”… Chỉ cần đọc một đoạn ngắn trong bài thơ “Tâm sự với hoa văn” đã thấy thơ Lâm Quý đặc sắc chất Cao Lan-thơ ca cổ: “Tôi nghĩ/ những họa tiết hoa văn có cánh/ có hồn và ý thức/khi tổ tiên ta gõ lên mặt trống đồng/hoa văn vẫy vùng bay theo tiếng trống/biến thành muôn tiếng ngân nga/tiếng ngân lặn vào lòng đất/đất giữ lại ngàn năm vẫn trong/lặn vào mầu xanh/cây giữ lại muôn đời vẫn sắc/ lặn vào lòng bà Âu Cơ/truyền con nối chắt”…. Tâm sự với hoa văn là tâm sự với mình, tâm sự với đời, tâm sự với cả nhân loại.

 

Đây là một trong những đỉnh cao của thơ Lâm Quý, cũng là một trong những bài thơ hay nhất viết về văn hóa cội nguồn, viết về mảnh đất từng là kinh đô của Nhà nước Văn Lang-Nơi có núi Nghĩa Lĩnh thâm nghiêm, bốn phương tụ hội. Có thể nói, Lâm Quý là tinh hoa của dân tộc Cao Lan, một dân tộc chỉ có hơn 100 ngàn người,có nữ thần LauSLam (Nữ thần Thi ca thanh cao linh thiêng và huyền bí để tôn thờ)- Dân tộc ấy không thể không sinh ra Lâm Quý.


Ông là “con sơn ca bách thanh của đại ngàn Tam Đảo không lạc giọng giữa thị thành nhưng cũng giống như Nguyễn Tham Thiện Kế vì mải mê đi tìm những miền đất lạ mà có lúc như con tàu cứ lao đi quên mất cả nơi cần phải trở lại để lấy thêm năng lượng…

 

Nguyễn Hưng Hải