04:15 07/04/2011

Lạm phát sẽ dịu đi trong vài tháng tới

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2011 tăng 2,17% so với tháng trước và tăng 6,12% so với tháng 12/2010...

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2011 tăng 2,17% so với tháng trước và tăng 6,12% so với tháng 12/2010. Nói về xu thế sắp tới, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho rằng chỉ số giá tiêu dùng vẫn còn tăng nhưng sẽ dịu đi trong mấy tháng tới.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn của phóng viên TTXVN đối với ông Nguyễn Đức Thắng.

Thưa ông, có những yếu tố nào tác động đến mức tăng đột biến của CPI tháng Ba và quý I?

Tháng Ba vừa rồi CPI tăng rất cao, trong khi theo thống kê của chúng tôi, tháng Ba các năm khác, CPI thường có mức tăng nhẹ hoặc giảm. Có nhiều nguyên nhân. Đó là giá xăng dầu tăng lên, giá điện tăng. Kinh tế thế giới cũng tác động đến chúng ta rất nhiều. Hiện giờ đang là giai đoạn phục hồi kinh tế nên giá nguyên liệu đầu vào, nhất là giá xăng, dầu mỏ cũng tăng.

Lúc bình thường khi chúng ta làm dự báo, giá dầu ở mức khoảng 80 USD/thùng nhưng nay đã trên 100 USD/thùng. Trong quý I có Tết âm lịch nên đến tháng Ba, giá cả hàng hóa vẫn chưa giảm được. Những yếu tố đó cộng với việc điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng giữa USD và VND đã tác động tới mặt bằng giá cả trong tháng Ba.

Cụ thể hơn, việc tăng giá, những yếu tố đầu vào tác động thế nào đến chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá xuất nhập khẩu?

Năm nay chúng tôi công bố rộng rãi chỉ số giá sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và chỉ số giá XNK. Trong quý I, chỉ số giá sản xuất các loại đều tăng cao do yếu tố nguyên liệu đầu vào tăng cao. Ngay cả giá nông sản cũng vậy, quý I có mức tăng rất cao, trên 20% tập trung tăng ở nhóm thực phẩm.

Do thời tiết biến động bất thường, thịt lợn thiếu, dịch bệnh trên đàn gia súc nhiều, trong khi chúng ta lại xuất khẩu thịt lợn ra nước ngoài nên đã ảnh hưởng đến nguồn cung, tác động đến giá cả trong tháng Ba. Giá XNK trong quý I này tăng chưa cao lắm, mà chủ yếu là giá sản phẩm đầu ra như công nghiệp, nông nghiệp tăng khá cao. Với mức tăng giá sản xuất khá cao như vậy, chúng tôi nghĩ rằng, giá tiêu dùng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng từ giá sản xuất.

Theo ông, CPI của quý II và trước mắt là tháng Tư tới đây sẽ như thế nào ?

Chúng tôi vẫn chưa có dự báo chính thức. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, trong tháng Ba vừa rồi, giá điện tăng khá cao. Việc tăng giá xăng dầu chưa tính hết vào tháng Ba bởi cách lấy giá của chúng tôi là đến ngày 15/3. Vì vậy, việc tăng giá xăng dầu sẽ còn tác động nhiều trong tháng Tư.

Bộ Tài chính lại vừa quyết định tăng giá xăng dầu bán lẻ các loại thêm 2.000 - 2.800 đồng/lít từ 22 giờ ngày 29/3. Đợt tăng giá mới này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng tháng Tư và đà giảm tốc của CPI sẽ chậm hơn. Khả năng mức tăng giá xăng dầu này sẽ đóng góp vào mức tăng của CPI tháng Tư khoảng từ 0,3 - 0,4%.

Mua bán thực phẩm tại chợ Thành Công, Hà Nội.
Ảnh: Trần Việt – TTXVN


Như vậy, trong tháng Tư này vẫn chưa hết khó khăn mà vẫn còn nhiều yếu tố tăng giá. Các bộ, ngành địa phương đang thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Tuy nhiên, để nghị quyết đi vào cuộc sống phải có thời gian, có độ trễ. Hiện ngành ngân hàng đang thu tiền về và như thế sẽ giảm được cầu kéo tức giảm được lượng tiền mặt trên thị trường. Nhưng, trong lạm phát còn có lạm phát chi phí đẩy như giá nguyên liệu đầu vào, giá điện, xăng dầu tăng. Theo tôi, chỉ số giá tiêu dùng vẫn còn phải tăng, khả năng trong tháng Tư vẫn tiếp tục tăng cao nữa dù không thể tăng cao như tháng Hai, tháng Ba.

Nhưng xu thế CPI thời gian tới sẽ dịu bớt?

Tất nhiên rồi, CPI quý I trong năm bao giờ cũng tăng cao nhất, theo quy luật nhiều năm thường chiếm phần trăm khá lớn trong CPI cả năm. Năm nay có đặc biệt là CPI tháng Ba tăng cao. CPI quý II thường sẽ dịu đi hoặc âm nhưng năm nay lạm phát còn đang lớn nên trong thời gian tới sẽ dịu dần thôi, chứ chưa thể xuống thấp như mọi năm được. Trong quý II hoặc quý III, khi Nghị quyết 11 thật sự đi vào cuộc sống, lúc đó lạm phát mới dịu đi được.

Như thế, ngưỡng 7% cho CPI cả năm sẽ phải nới rộng hơn hoặc không thể đặt thành chỉ tiêu cứng nữa, thưa ông?

Đúng là như vậy vì đến hết tháng Ba, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 6,12% rồi. Nếu chúng ta tiếp tục phấn đấu thực hiện nghiêm Nghị quyết của Chính phủ và không đặt mục tiêu 7% nữa, tôi nghĩ rằng năm nay cố gắng phấn đấu giữ lạm phát ở mức dưới một con số, chứ sẽ không thể cao hơn hai con số được.

Theo ông, công tác bình ổn giá, kiềm chế lạm phát cần phải nhấn vào những nội dung nào?

Trong Nghị quyết 11 đã chỉ rất rõ công việc cụ thể của các bộ, ngành. Theo tôi, công việc quan trọng vẫn là của ngành ngân hàng. Thực ra, nói đến lạm phát thì bao giờ cũng do tiền và hàng thôi.

Hiện nay, tiền của chúng ta vẫn nhiều hơn hàng nên ngân hàng đang làm động tác thu tiền về, như thế sẽ làm giảm bớt áp lực cầu kéo. Bên cạnh đó, rất nhiều bộ, ngành khác cũng phải vào cuộc, ví dụ như bên Bộ Công Thương phải quản khâu sản xuất, lưu thông, chống buôn lậu. Bộ Tài chính làm tốt khâu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát giá cả... Cả xã hội chúng ta phải vào cuộc mới kiềm chế lạm phát được.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Huyền
(thực hiện)