03:11 25/03/2011

Làm giàu từ mô hình trồng cao su tiểu điền

Trong những năm gần đây, mô hình trồng cây cao su tiểu điền ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã phát triển mạnh, đem lại cuộc sống ấm no cho bà con nông dân.

Trong những năm gần đây, mô hình trồng cây cao su tiểu điền ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã phát triển mạnh, đem lại cuộc sống ấm no cho bà con nông dân. Anh Bế Văn Mai là một trong những tấm gương đi đầu trong phong trào trồng cao su tiểu điền trên vùng đất này.

Trước đây, thị trấn Nông trường Việt Trung là một vùng đất đồi hoang dại, đất cằn đá sỏi, còn ẩn chứa nhiều bom đạn chiến tranh để lại. Người dân nơi đây không biết trồng cây gì để mưu sinh, khai hoang đất rừng thì sợ bom đạn gây nguy hiểm đến tính mạng, nên kinh tế chậm phát triển, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Vào đầu năm 1994, khi dự án 327 được triển khai tại thị trấn, lãnh đạo chính quyền địa phương đã đi “gõ cửa” từng hộ gia đình, vận động bà con trồng rừng phát triển kinh tế. Nhờ sự động viên nhiệt tình của Hội Nông dân thị trấn và của Công ty Cao su Việt Trung, cùng với sự quyết tâm làm giàu, anh Bế Văn Mai đã mạnh dạn nhận 14 ha đất đồi để trồng rừng phát triển kinh tế.

Anh Bế Văn Mai thu hoạch mủ cao su.


Được sự tư vấn của cán bộ kỹ thuật, nhận thấy loại đất ở vùng này là đất đỏ ba zan, rất phù hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê và cây hồ tiêu, trong vòng 2 năm, anh Mai đã tự tay khai hoang vỡ đất, đào hố trồng cây cao su. Mừng vì đã trồng được cao su, nhưng lại đến nỗi lo vì trong tay đã hết vốn.

Cao su là loại cây công nghiệp dài ngày, sau khoảng từ 8 - 9 năm mới cho thu hoạch. Vốn không có, hệ thống tưới tiêu cũng không, nhìn vườn cao su đang trong tình trạng cằn cỗi, anh không biết trồng xen cây gì giữa vườn cao su để ngăn cỏ dại xâm nhập. Anh Mai lại tìm đến các kỹ sư nông nghiệp để học hỏi. Được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, anh Mai tiếp tục vay vốn trồng thêm dưa hấu xen giữa cao su để “lấy ngắn nuôi dài”.

Trải qua 4 tháng vật lộn cùng mưa nắng, cây dưa hấu phù hợp với vùng đất, cho quả to, tròn và ngọt, nên tiêu thụ rất nhanh. Vụ dưa ấy, gia đình anh thu nhập được hơn 20 triệu đồng. Lãi từ dưa hấu, anh tiếp tục đầu tư mua xe công nông để vận chuyển hàng hóa.

Thấy được tính ưu việt của cây dưa hấu, anh kêu gọi bà con lối xóm tận dụng đất vườn hoang cùng trồng dưa. Giờ đây cây dưa đã thực sự đem lại cuộc sống ấm no cho bà con, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong mùa vụ. Nhiều thanh niên trong làng thôi chặt phá rừng, về học tập anh Mai cách trồng dưa. Nhiều gia đình không chỉ có tiền nuôi con cái ăn học mà còn mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt... nhờ cây dưa hấu.

“Tiếng lành đồn xa”, hiện nay, dưa hấu trên vùng đất này là thứ trái cây “đặc sản” đã chiếm lĩnh được thị trường trong nước. Niềm vui nhân lên gấp bội vì anh đã giúp đỡ được bà con phát triển kinh tế. Song, điều mà anh tâm đắc nhất là cây dưa không chỉ giúp tăng thu nhập cho gia đình mà còn có tác dụng làm cho đất tơi xốp, tăng độ phì nhiêu trong đất, giúp cho cây cao su tăng trưởng và phát triển tốt, giảm rất nhiều chi phí trong quá trình chăm sóc.

Trải qua bao nỗi thăng trầm, hiện nay vườn cao su của anh Mai đã chính thức đi vào khai thác. Mỗi năm tổng thu nhập của gia đình anh khoảng trên dưới 1 tỉ đồng từ cao su. Từ một anh nông dân nghèo đi lên từ hai bàn tay trắng, nay anh đã xây dựng ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền và đặc biệt có đủ điều kiện đầu tư cho con cái đi du học nước ngoài.

Với ý chí và quyết tâm của mình, anh Bế Văn Mai đã khai hoang, trồng rừng phát triển kinh tế, làm giàu từ đôi bàn tay của mình. Đó là một tấm gương sáng để những nông dân thị trấn Nông trường Việt Trung noi theo, vươn lên làm kinh tế.

Thu Hường