01:12 03/01/2015

Làm giàu từ cánh đồng mẫu lớn ở Tây Nam Bộ

Có thể nói, đời sống của đại bộ phận nông dân vùng Tây Nam Bộ chủ yếu trông chờ vào cây lúa. Chính vì vậy, những năm gần đây, đã có rất nhiều chính sách của Nhà nước tập trung ưu tiên đầu tư cho vùng, đời sống của người dân dần được cải thiện.

Có thể nói, đời sống của đại bộ phận nông dân vùng Tây Nam Bộ chủ yếu trông chờ vào cây lúa. Chính vì vậy, những năm gần đây, đã có rất nhiều chính sách của Nhà nước tập trung ưu tiên đầu tư cho vùng, đời sống của người dân dần được cải thiện.

Tăng thu nhập cho nông dân

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tổng diện tích khoảng 3,96 triệu ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 3,21 triệu ha, trong đó đất lúa là 1,85 triệu ha. Cây lúa ở ĐBSCL là cây chủ lực, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và cung cấp lúa gạo cho thị trường thế giới; đóng góp hơn 50% sản lượng lúa của Việt Nam và cung cấp khoảng trên 90% lượng gạo xuất khẩu.

Thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.



Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhờ 70% diện tích lúa trồng các giống chất lượng cao nên phần lớn lượng gạo xuất khẩu của vùng có sức cạnh tranh cao hơn so với gạo cùng phẩm cấp của một số nước lân cận. Trong khi giá bán lại thấp hơn, nên được khách hàng nước ngoài ưa chuộng.

Cùng với đó, công tác thông tin, dự báo thị trường tại ĐBSCL cũng kịp thời, chính xác hơn nên đã giúp các doanh nghiệp định hướng tốt trong kế hoạch sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các tỉnh cũng tổ chức tốt việc thu mua nguyên liệu, chế biến và bảo quản tốt hơn.

Thực tế, trong vài năm gần đây, bằng nhiều chính sách đầu tư vào nông nghiệp, cũng như những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, đặc biệt là chương trình hợp tác sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn, rất nhiều nông dân ở Tây Nam Bộ hiện đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí trở nên giàu có, thành tỷ phú nhờ lúa gạo.

Liên kết trong sản xuất hiện là mô hình mới trong nông nghiệp trong những năm gần đây tại Tây Nam Bộ. Theo tính toán của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mỗi ha lúa tham gia cánh đồng lớn (có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông), nông dân có thể thu lời thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng, chi phí sản xuất giảm được từ 10 - 15% trong khi giá trị sản lượng tăng 20 - 25%. Điều này đã giúp đời sống của nông dân Tây Nam Bộ ngày một “sáng” hơn.

Cán bộ khuyến nông luôn đồng hành cùng nông dân, giúp nâng cao năng suất lúa cho bà con.



Ông Trần Văn Hướng (xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), người đã góp 17 ha đất lúa của mình vào Hợp tác xã Tân Cường để cùng sản xuất, cho biết khi tham gia cánh đồng mẫu lớn của Hợp tác xã Tân Cường, cứ mỗi ha đất trồng lúa, chi phí đầu vào sẽ giảm 1 - 2 triệu đồng/vụ. Trong khi đó, nhờ được hỗ trợ kỹ thuật canh tác nên năng suất đạt 7 - 8 tấn/ha, chất lượng lúa tốt, bán được giá nên lợi nhuận đầu ra cho sản phẩm cũng tăng 3 - 5 triệu đồng/ha/vụ. Cộng chung hai khoản này, mỗi ha lúa gia đình ông lãi thêm từ 4 - 7 triệu đồng/vụ. Gộp hết tất cả các khoản, trừ chi phí, vụ hè thu vừa qua, mỗi ha ông Hướng lời được khoảng 25 triệu đồng.

Chú trọng cho cây lúa, hiện hàng ngàn nông dân vùng Tây Nam Bộ đã vươn lên làm giàu, trở thành nông dân sản xuất giỏi nhờ cây lúa. Ông Võ Văn Đời, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Cần Thơ, cho biết tính đến cuối năm 2013, toàn địa bàn có hơn 55.500 hộ có thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm; 12.248 hộ có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm; 2.441 hộ có thu nhập từ 150 - 300 triệu đồng/năm và 462 hộ có mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Tính tới giữa tháng 12/2014, các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã xuất khẩu được 5,6 triệu tấn, đạt giá trị 2,9 tỉ USD. Dự kiến, đến cuối năm 2014, vùng này sẽ xuất thêm 250.000 tấn, đạt mức 5,85 triệu tấn trong năm 2014, chiếm từ 85 - 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ

Trong khi đó, theo Hội Nông dân tỉnh An Giang, toàn tỉnh đã có hơn 80.000 hộ nông dân sản xuất giỏi với mức thu nhập thấp nhất là 90 triệu đồng/hộ/năm và cao nhất đạt đến 25,6 tỷ đồng/hộ/năm. Còn tại tỉnh Bạc Liêu, hiện toàn tỉnh có hơn 42.500 hộ đạt tiêu chuẩn nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp với mức thu nhập hàng năm trên trăm triệu đồng/hộ.

“Muốn làm giàu từ nông nghiệp, nông dân cần biết cách tổ chức sản xuất cho phù hợp với từng mùa vụ, thường xuyên học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất. Khi có điều kiện, nên phát triển đa dạng sản xuất và các loại hình dịch vụ hỗ trợ để nguồn thu không bị phụ thuộc vào một thứ”, nông dân Cao Hữu Thưởng chia sẻ.

Không chỉ có Hợp tác xã Tân Cường, mô hình nông dân đồng sở hữu khi tham gia cùng sản xuất đang dần xuất hiện ở Tây Nam Bộ thông qua một số doanh nghiệp. Trong đó, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang ngoài việc tổ chức liên kết nông dân sản xuất cánh đồng lớn còn hướng tới việc để nông dân làm cổ đông cho mình.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đang tham gia liên kết cùng nông dân ở các tỉnh Tây Nam Bộ cũng cho rằng, xu hướng này để nhà nông vừa là đối tác sản xuất, vừa là người đồng sở hữu sẽ mang lại rất nhiều hiệu quả và được các doanh nghiệp tính đến. Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đây là mô hình hiệu quả mà tỉnh đang muốn xây dựng, nòng cốt là từ các hợp tác xã trong tỉnh.

Cần thêm những đột phá


Tây Nam Bộ có 18 triệu dân, trong đó có gần 80% dân số ở nông thôn và làm nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất lúa. Nhưng đến nay, sản xuất ở vùng này vẫn còn nhiều bất cập, nông dân gặp nhiều rủi ro như: thiên tai, dịch bệnh, tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ, liên kết 4 nhà còn yếu kém, khâu tiêu thụ còn nhiều khó khăn, thường xuyên xảy ra trúng mùa, mất giá... Là vùng sản xuất lúa gạo chính nhưng nông dân trồng lúa vẫn còn nghèo.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, tuy là vùng sản xuất hơn 55% sản lượng lương thực, cung cấp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu và hàng năm đóng góp lớn vào GDP cho cả nước, thế nhưng nông dân trồng lúa lại là người nghèo nhất và gặp nhiều khó khăn nhất.

Lý do là nhiều hạn chế trong sản xuất đã khiến giá trị nông sản làm ra chưa cao và một bộ phận không nhỏ nông dân vẫn còn nghèo khó. “Vùng còn thiếu các giống lúa năng suất và chất lượng cao, chống chịu được sâu bệnh. Nông dân sản xuất lúa gặp nhiều rủi ro do sâu bệnh, thiên tai; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất còn nhiều, gây lãng phí. Hệ thống kho bảo quản, chế biến lương thực còn nhiều bất cập, tổn thất khâu thu hoạch và sau thu hoạch lúa rất cao. Hệ thống chế biến xay xát chưa đồng bộ và công nghệ đa số còn ở mức thấp; thiếu liên kết vùng và vai trò liên kết “4 nhà” còn hạn chế...”, TS Lê Văn Bảnh phân tích.

Theo TS Bảnh, để giải bài toán nâng cao thu nhập bền vững và hướng đến việc làm giàu cho nông dân Tây Nam Bộ, giải pháp phát triển thị trường lúa gạo là biện pháp lâu dài để kích thích và ổn định sản xuất, giảm thiểu rủi ro cho nông dân và gia tăng lợi nhuận. “Nhóm giải pháp này gồm 3 hợp phần chính gồm: nghiên cứu chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo; xây dựng thương hiệu lúa gạo; xây dựng hệ thống cung cấp thông tin thị trường và thông tin quảng bá”, TS Bảnh cho biết.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: "Hai năm qua, chúng ta đã tìm ra con đường doanh nghiệp liên kết nông dân. Trong đề án tái cơ cấu phải vừa lựa chọn cơ cấu cây trồng vừa cơ cấu giống. Do vậy, để nâng cao chất lượng gạo của khu vực Tây Nam Bộ, cần lựa chọn được bộ giống phù hợp. Bên cạnh đó, nếu muốn thành công phải liên kết các Tổng Công ty Lương thực Miền Nam chỉ đạo tất cả công ty thành viên phải có cánh đồng mẫu lớn ở các địa phương”.

Minh Thuyết