11:15 19/11/2014

Làm giàu nhờ cây táo mèo

Không chỉ giúp người dân thoát nghèo, những năm gần đây, cây táo mèo (sơn tra) đã mang lại cho đồng bào dân tộc Mông ở các xã vùng cao của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La cuộc sống ổn định, từng bước vươn lên làm giàu.

Không chỉ giúp người dân thoát nghèo, những năm gần đây, cây sơn tra (táo mèo) đã mang lại cho đồng bào dân tộc Mông ở các xã vùng cao của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La cuộc sống ổn định, từng bước vươn lên làm giàu.

Sơn tra là loại cây mọc tự nhiên trên những dãy núi cao từ 1.500 đến 2.000 m. Ở những nơi càng cao, quả sơn tra có màu vàng tươi, thơm hơn và có vị chua ngọt độc đáo. Quả sơn tra có mùi thơm đặc trưng, được dùng làm nước giải khát hoặc chế biến làm rượu vang, mứt, ô mai. Đặc biệt, sơn tra còn là một vị thảo dược chữa huyết áp cao, mất ngủ, tiểu đường… Trước đây, quả sơn tra chỉ được biết đến như loại sản phẩm của núi rừng giá trị kinh tế không cao.

Nhưng trong những năm gần đây, khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên, đồng bào người Mông đã mang ra chợ bán và đưa đi nhiều nơi để tiêu thụ. Nhận biết được nhu cầu sử dụng quả sơn tra ngày càng tăng, huyện Bắc Yên đã ra nghị quyết đưa cây sơn tra trở thành cây chủ lực trong việc phát triển kinh tế địa phương. Nhờ đó, cuộc sống của người dân vùng cao ngày càng được ổn định hơn.

Quả sơn tra hay còn gọi là táo mèo.


Hang Chú là một trong những xã có diện tích cây sơn tra nhiều nhất huyện Bắc Yên với gần 400 ha đã cho thu hoạch. Ngoài ra, các hộ dân trong xã còn đăng ký trồng mới thêm 200 ha cây này. Vụ sơn tra vừa qua, nhờ giá bán lên cao, nên hộ thu nhập thấp nhất trong xã cũng được hơn 30 triệu đồng, nhiều hộ thu trên 100 triệu đồng. Gia đình ông Giàng A Chinh, ở bản Nậm Lộng, xã Hang Chú có gần 30 ha cây sơn tra. Vụ này, gia đình ông thu được gần 60 tấn quả, trừ chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn thu mua quả sơn tra từ các hộ dân trong bản rồi bán cho các doanh nghiệp chế biến. Tính ra, trung bình mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng.

Ông Giàng A Chinh cho biết, trước đây hoàn cảnh gia đình rất khó khăn do phương thức sản xuất chưa ổn định, lại không có vốn để làm ăn. Khi đó, cuộc sống hàng ngày chỉ dựa vào cây lúa nương, thu nhập không đáp ứng so với công sức bỏ ra. Từ khi địa phương có chính sách đưa cây sơn tra thành loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế và tìm được đầu ra cho loại cây này, đặc biệt sau khi được tập huấn về kỹ thuật trồng, ông đã mua giống và trồng trên toàn bộ diện tích đất gia đình có. Nhờ vậy, cuộc sống nay đã khá hơn, không còn vất vả như trước.

Nhận thấy cây sơn tra mang lại hiệu quả kinh tế cao, hầu hết người dân tại các xã vùng cao của huyện Bắc Yên như Làng Chếu, Hàng Đồng, Xím Vàng đã chuyển sang trồng loại cây này. Ông Sồng A Mang, bản Cáo A, xã Làng Chếu cho biết, từ năm 2010 đến nay, gia đình ông đã không ngừng mở rộng diện tích trồng cây sơn tra. Chỉ từ 2 ha ban đầu, đến nay gia đình ông đã có gần 20 ha cây này. Không những thế, ông còn được Trung tâm Khuyến nông huyện Bắc Yên hướng dẫn kỹ thuật nhân giống cây sơn tra nên gia đình ông đã trở thành nơi cung cấp giống cây cho nhân dân trong vùng. Từ việc bán quả và cây giống sơn tra đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập hơn 150 triệu đồng mỗi năm.

Cây sơn tra không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn có tác dụng bảo vệ môi trường nên những năm qua, huyện Bắc Yên đã chỉ đạo các xã vận động nhân dân phát triển, mở rộng diện tích để vừa tăng thêm thu nhập vừa góp phần phủ xanh đồi trọc, bảo vệ môi trường. Khi người dân chăm sóc, bảo vệ và trồng loại cây này họ còn được nhận tiền chi trả của dịch vụ môi trường rừng. Ông Hờ A Dua, Bí thư Đảng ủy xã Hang Chú cho biết, năm 2014 xã được huyện hỗ trợ giống cho người dân để trồng mới 100 ha cây sơn tra. Khi nghe tin được Nhà nước hỗ trợ cây giống, bà con rất phấn khởi, hộ nào cũng đăng ký và mong muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ để người dân tiếp tục mở rộng diện tích cây trồng này.

Ông Sùng A Giao, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết, theo số liệu thống kê, diện tích rừng có cây sơn tra mọc tự nhiên và trồng theo các chương trình dự án trên địa bàn huyện khoảng 2.000 ha. Để mở rộng diện tích cây sơn tra, huyện đã vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng thuộc các chương trình dự án để hỗ trợ người dân trồng cây. Bên cạnh đó, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng giúp các hộ dân có kinh phí để chăm sóc cây sơn tra mọc tự nhiên trong các diện tích rừng phòng hộ. Huyện phấn đấu đến năm 2015, địa bàn các xã vùng cao có 3.100 ha cây sơn tra, đạt mục tiêu theo nghị quyết của Đảng bộ huyện trung bình 1 gia đình ở vùng cao có từ 2 ha cây sơn tra trở lên, góp phần ổn định và phát triển kinh tế vùng.

Cùng với đó, huyện còn phối hợp với các doanh nghiệp thu mua, chế biến quả sơn tra trên địa bàn đảm bảo luôn có đầu ra cho người dân với giá ổn định. Đồng thời tiếp tục xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp, từng bước hình thành liên kết 4 nhà (Nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp) để cây sơn tra thực sự trở thành cây xoá đói giảm nghèo của đồng bào dân tộc vùng cao Bắc Yên.


Lê Hữu Quyết