12:09 17/12/2011

Lạm dụng thuốc trừ sâu có thể gây thảm họa nông nghiệp

Lạm dụng thuốc trừ sâu, sử dụng thuốc trừ sâu sai mục đích hoặc phun thuốc bừa bãi đã vô tình tiêu diệt nhiều loài thiên địch bắt mồi và có thể dẫn tới nạn dịch hại cho cây lúa.

Lạm dụng thuốc trừ sâu, sử dụng thuốc trừ sâu sai mục đích hoặc phun thuốc bừa bãi đã vô tình tiêu diệt nhiều loài thiên địch bắt mồi và có thể dẫn tới nạn dịch hại cho cây lúa. Đó là khuyến cáo được đưa ra trong Hội nghị quốc tế "Mối đe dọa về lạm dụng thuốc trừ sâu trong hệ sinh thái lúa - Tìm kiếm giải pháp khắc phục" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) tổ chức tại Hà Nội ngày 16/12.

Sâu không sợ...thuốc trừ sâu

Thực tế, việc lạm dụng thuốc trừ sâu đã từng gây ra thảm họa cho người nông dân ở Việt Nam. Đơn cử năm 2007 - 2008, khi dịch rầy nâu bùng phát, Việt Nam bị thiệt hại 1 triệu tấn lúa vì bệnh vàng lùn, xoắn lá mà nguyên nhân chính là do lạm dụng thuốc trừ sâu.

Sử dụng thuốc trừ sâu tràn lan làm hủy hoại môi trường.


Theo ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc lạm dụng thuốc trừ sâu có thể dẫn tới nạn dịch rầy nâu là mối đe dọa lớn nhất, ảnh hưởng tới tính bền vững của hệ sinh thái lúa gạo đối với các quốc gia trồng lúa ở châu Á cũng như Việt Nam. Năm 2006, Việt Nam đã trải qua một đợt dịch rầy nâu nghiêm trọng, truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.

Thực tế, đối với các quốc gia sản xuất lúa gạo, với mật độ rầy cao có thể gây thiệt hại lớn do chúng chích hút thân lúa, gây héo rũ và chết cây. “Rầy nâu cũng là vật môi giới truyền 3 loại bệnh virút làm cho cây lúa còi cọc và lép hạt. Chính vì vậy, cần phải có chiến lược quản lý dịch hại hiện nay nhằm đảm bảo ứng phó được với dịch hại bùng phát, ngăn chặn và quản lý hiệu quả dịch hại về lâu dài”, TS Bas Bouman, Trưởng phòng Cây trồng và Khoa học Môi trường (IRRI) cho biết.

Việc sử dụng thuốc trừ sâu sai mục đích hoặc phun thuốc bừa bãi đã vô tình tiêu diệt nhiều loài thiên địch bắt mồi.

“Các loài thiên địch như: Nhện, bọ xít bắt mồi nằm trong hệ kiểm soát và cân bằng tự nhiên, có tác dụng khống chế quần thể rầy ở mức phát sinh thành dịch, tuy nhiên, khi hệ cân bằng này bị phá vỡ, rầy sẽ bùng phát thành dịch", TS K.L. Heong, chuyên gia sinh thái côn trùng của IRRI, cho biết thêm.

Ngăn ngừa lạm dụng thuốc trừ sâu

Theo các chuyên gia tại hội nghị, khi có dịch thì việc sử dụng thuốc trừ sâu sẽ không giải quyết được vấn đề. Do vậy, quan trọng nhất là phải phòng trừ trước khi dịch bùng phát. Bên cạnh đó, việc khuyến khích sử dụng thuốc trừ sâu sẽ gây ra đại dịch. Do vậy, cần thắt chặt việc tiếp thị thuốc trừ sâu. “Thuốc trừ sâu hiện nay được bày bán tự do như các mặt hàng tiêu dùng, người dân có thể dễ dàng mua được. Chính phủ phải có chính sách hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu”, TS K.L. Heong nói.

Để hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra các chương trình sản xuất an toàn như: Ba giảm, ba tăng (ba giảm là: Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm; ba tăng là: Tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế). Công tác hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sản xuất theo công nghệ sinh thái, GAP... cũng được tăng cường đáng kể.

Theo các chuyên gia quốc tế, việc trợ giá thuốc trừ sâu cũng là một nguyên nhân khuyến khích người dân sử dụng thuốc trừ sâu.

“Cục không trợ giá thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ khi có dịch thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chính phủ mới giúp đỡ người dân chống dịch”, ông Hồng giải đáp.

Về tình trạng thuốc bảo vệ thực vật được bày bán tràn lan, ông Hồng cho rằng, các nước trong khu vực phải phối hợp với nhau để giải quyết việc sản xuất và nhập lậu thuốc bảo vệ thực vật. Vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã làm việc với phía Trung Quốc để hạn chế vấn đề này.

Bên cạnh đó, “Cục đang soạn thảo thông tư mới nhằm khắc phục những bất cập trong quản lý thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, tăng cường kiểm soát hoạt động quảng cáo, tiếp thị thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích sử dụng thuốc sinh học, những loại thuốc gây hại sẽ bị cấm sử dụng”, ông Hồng khẳng định.

Hữu Vinh