12:06 04/12/2014

Lâm Đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Một trong những lĩnh vực quan trọng góp phần cho thành công của chương trình nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng là ứng dụng công nghệ sinh học trong việc chọn tạo, nhân giống và ứng dụng giống cây trồng vật nuôi mới.

Một trong những lĩnh vực quan trọng góp phần cho thành công của chương trình nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng là ứng dụng công nghệ sinh học trong việc chọn tạo, nhân giống và ứng dụng giống cây trồng vật nuôi mới.

Gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp

Tiến sĩ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Lâm Đồng là một trong những địa phương có diện tích áp dụng giống cây trồng mới cao trong cả nước, đặc biệt là các giống rau, hoa, chè chất lượng cao, các dòng cà phê cao sản, giống lúa chất lượng cao, giống bắp mới luôn được phát triển với tỷ lệ cao; tỷ lệ giống mới trong tổng đàn vật nuôi ngày càng tăng. Hiện nay, tỉnh có trên 175 loại rau, có 600 loại hoa, 2 giống chè cao sản, 4 giống chè chất lượng cao, 3 giống dâu tằm mới, 6 dòng cà phê vối cao sản được trồng và khai thác hàng hóa.

Kiểm tra mẫu cây rau, hoa trong phòng thí nghiệm.


Tỷ trọng giống mới đối với rau, hoa là 95%; đối với cây lương thực (lúa, bắp) là 90%; các giống cây công nghiệp dài ngày: chè 46%, dâu tằm 30%, cà phê 33%; một số giống cây ăn quả mới được phát triển chỉ trồng duy nhất ở Lâm Đồng như cam cara cara của Australia, nho Ý, nho Pháp; nhiều giống cây quý hiếm mới nhập nội. Về vật nuôi, đàn bò vàng địa phương ngày càng được sind hóa, là một trong số ít địa phương trong cả nước có đàn bò sữa số lượng lớn với gần 10.000 con, đàn lợn phát triển theo hướng nạc, giống lợn tốt có tỷ lệ nạc cao chiếm hơn 50% trên tổng đàn. Lâm Đồng còn là địa phương đi đầu ở phía Nam trong việc đầu tư và phát triển nuôi cá nước lạnh (cá hồi vân, cá tầm Nga) thành công, hiện chiếm 50% sản lượng cả nước.

Việc nhân giống và sử dụng giống cây trồng, vật nuôi mới với tỷ lệ cao như trên đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nông sản của Lâm Đồng, nâng cao giá trị sản xuất và gia tăng tỷ trọng xuất khẩu nông sản năm sau cao hơn năm trước, hiện chiếm gần 80% giá trị xuất khẩu hàng năm của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả với mức doanh thu bình quân trên một đơn vị diện tích canh tác tăng nhanh từ 27 triệu đồng/ha/năm nay đạt 123 triệu đồng/ha. Riêng các diện tích ứng dụng công nghệ cao cho mức doanh thu từ 150 triệu đồng - 500 triệu đồng/ha, có trên 10.000 ha cho mức doanh thu “đáng mơ ước” từ 500 triệu đồng - trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

Đột phá từ nhân giống in vitro

Theo đánh giá của tiến sĩ Phạm S, tốc độ phát triển công nghệ nhân giống in vitro ở Lâm Đồng luôn tăng nhanh hàng năm. Đến nay toàn tỉnh có khoảng 60 cơ sở ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô thực vật, riêng tại thành phố Đà Lạt có 50 cơ sở. Năm 2013, cả nước có khoảng trên 35 triệu cây giống in vitro thì Lâm Đồng có khoảng 28 triệu cây giống in vitro. Công nghệ nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô in vitro đã được thực hiện trong sản xuất rau, hoa, cà phê, trồng dâu tây, khoai tây và nhiều loại nông sản, cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Đình Sơn - Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt - trước đây, những giống hoa công nghệ cao chủ yếu được nhập từ nước ngoài. Nhờ ứng dụng công nghệ in vitro, những năm gần đây, hầu hết những loại hoa công nghệ cao này đã được sản xuất trong nước.

Ông Nguyễn Đình Sơn cho biết, năm 1994, Dalat Hasfarm - doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - đầu tư ứng dụng công nghệ in vitro sản xuất hoa cắt cành theo quy mô công nghiệp và chỉ 4 năm sau, mô hình này được nhân rộng trong nông dân. Ngành nuôi cấy mô bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường, nhưng chỉ ở quy mô nhỏ. Đến năm 2003, các công ty như Rừng Hoa Đà Lạt, Bonifarm, Sinh học Hùng Tâm… đã bắt đầu đầu tư ứng dụng công nghệ sản xuất in vitro với quy mô công nghiệp, hướng tới thị trường xuất khẩu, sản lượng cây giống in vitro khá lớn, từ 1 triệu đến trên 10 triệu cây/năm ở mỗi đơn vị. Khi các đơn vị tư nhân vào cuộc, họ mạnh dạn chuyển đổi sang nhân giống in vitro hoa địa lan, cẩm chướng, đồng tiền, salem, một số giống hoa cúc… và xa hơn nữa là tiến tới nhân giống hoa phong lan, cây cảnh.

Khắc phục hạn chế để tăng ứng dụng in vitro

Tuy nhiên, sản xuất cây giống in vitro của các doanh nghiệp tại Đà Lạt - Lâm Đồng cũng gặp một số khó khăn. Theo ông Nguyễn Đình Sơn, đó là việc quá trình sản xuất cây giống nuôi cấy mô từ khi đặt hàng đến khi sản xuất đại trà kéo dài từ 1-2 năm. Các đơn vị sản xuất còn phải xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng cây, tiêu chuẩn đóng gói để đưa ra tiêu chuẩn sản xuất đại trà. Đồng thời, việc sản xuất cây giống nuôi cấy mô gây ảnh hưởng và rủi ro cao cho các đơn vị có chu kỳ nhân giống quá dài.

Thêm nữa, cây giống sản xuất theo công nghệ in vitro phải được kiểm tra chặt chẽ về vấn đề sâu bệnh, đặc biệt là các loại virút. Tuy nhiên, cây bị nhiễm virút rất khó phát hiện dựa trên các triệu chứng trong quá trình sản xuất, chỉ đến khi cây giống thành thương phẩm mới bộc lộ ra bên ngoài. Hiện nay, trường Đại học Nông Lâm và Trung tâm Công nghệ Sinh học TP Hồ Chí Minh là hai đơn vị có thể kiểm tra việc nhiễm virút của cây giống nuôi cấy mô, tuy nhiên, việc kiểm tra này không thông dụng và chi phí cao.

Lục Lang