03:07 05/03/2015

Lai Châu tìm đường thoát nghèo từ nông nghiệp

Cuối năm 2014, tỉnh Lai Châu đã triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Lai Châu xác định phải tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh gắn với nền kinh tế thị trường, tìm kiếm động lực, tạo bước đột phá, thoát khỏi yếu kém...

Cuối năm 2014, tỉnh Lai Châu đã triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Lai Châu xác định phải tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh gắn với nền kinh tế thị trường, tìm kiếm động lực, tạo bước đột phá, thoát khỏi yếu kém, khai thác tiềm năng thế mạnh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Xác định mục tiêu cụ thể

Theo ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, tỉnh đặt mục tiêu khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với lợi thế nông lâm nghiệp. Chuyển nền nông nghiệp từ quảng canh, tự cung, tự cấp, sang thâm canh và sản xuất hàng hóa. Nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập trong sản xuất nông nghiệp. Bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững. Đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh trên địa bàn.

Lãnh đạo tỉnh Lai Châu thăm, khảo sát đồi cây mắc ca trồng thử nghiệm sau gần 4 năm tại xã Thèn Sin, huyện Tam Đường (Lai Châu).



Lai Châu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5,5 - 6% trong giai đoạn từ 2015 - 2020 và 4,5 - 5% vào giai đoạn 2021 – 2030. Trong cơ cấu trồng trọt - chăn nuôi, thủy sản - lâm nghiệp từ 47 - 29 - 24 (%) hiện nay lên 42 - 30 - 28 (%) vào năm 2020 và 36 - 31 - 33 (%) vào năm 2030. Đến năm 2020, mức thu nhập của hộ nông dân tăng lên 2 lần và đến năm 2030 tăng lên 5 lần so với năm 2014. Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh Lai Châu đã đề ra 5 nhóm giải pháp đất đai, khoa học kỹ thuật, tổ chức sản xuất, thị trường và chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư.

Đối với giải pháp về đất đai, tỉnh Lai Châu thực hiện ưu đãi và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, địa bàn nông thôn theo Nghị định số 210 của Chính phủ, thực hiện giao và cho thuê đất đối với những diện tích đất do nhà nước quản lý. Khuyến khích nông dân góp giá trị quyền sử dụng đất để hợp tác đầu tư cùng doanh nghiệp. Tích tụ ruộng đất gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh tổ chức triển khai Đề án này. Ngành nông nghiệp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố cụ thể hóa các nội dung của Đề án đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm của tỉnh.

Gắn kết nông dân với doanh nghiệp

Sau 10 năm tách ra từ tỉnh Lai Châu (cũ), đến nay, sản lượng cây có hạt của Lai Châu đã tăng từ 110.000 tấn năm 2004 lên gần 190.000 tấn năm 2014. Lai Châu đã đảm bảo được an ninh lương thực và có 22.000 tấn lúa, 40.000 tấn ngô bán ra ngoài địa phương. Tỉnh Lai Châu đã tổ chức sản xuất chè theo hướng gắn nông dân với doanh nghiệp theo hợp đồng, hợp tác kinh doanh. Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: Tỉnh đã khôi phục và phát triển được vùng nguyên liệu chè tập trung, đưa diện tích chè lên 3.400 ha, sản lượng chè búp tươi lên 20.600 tấn vào năm 2014. Hiện nay cây chè đã trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh với khoảng 4.000 tấn chè thương phẩm xuất khẩu. Đến năm 2014, Lai Châu đã có 12.500 ha cao su, trong đó có 12.000 ha cao su đại điền, phấn đấu đến 2016 sẽ có 2.000 ha cao su được khai thác mủ và trở thành tỉnh có diện tích cao su lớn nhất vùng Tây Bắc. Tỉnh cũng đã hình thành một số mô hình cây ăn quả như cam, đào chín sớm, chuối, thanh long ruột đỏ... Trồng thử nghiệm 170 ha cây mắc ca, bước đầu cây sinh trưởng và phát triển khá tốt, làm cơ sở thực tiễn cho việc quy hoạch phát triển loại cây mới có hiệu quả kinh tế cao này.

Cũng theo ông Lê Trọng Quảng, Lai Châu đã bước đầu hình thành một số cơ sở nuôi cá nước lạnh có hiệu quả kinh tế cao với 6 doanh nghiệp và cơ sở đầu tư nuôi cá nước lạnh. Đặc biệt, trong những năm qua cơ sở nuôi cá nước lạnh của Công ty Cổ phần thủy điện Chu Va đã áp dụng thành công quy trình kỹ thuật nuôi cá tầm đẻ trứng để sản xuất con giống và đưa cá tầm ra nuôi thử nghiệm trong lồng ở lòng hồ thủy điện Bản Chát... Đời sống của nông dân và bộ mặt kinh tế nông thôn có nhiều thay đổi, nhất là nông thôn vùng chè, vùng cao su, vùng có nhiều rừng tự nhiên và các vùng tập trung thâm canh, tăng vụ lúa, ngô. Đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 60% năm 2004 xuống còn hơn 27% năm 2013.

Tuy vậy, nền nông nghiệp của tỉnh miền núi Lai Châu vẫn còn rất lạc hậu, tự cung tự cấp, quảng canh, năng suất, hiệu quả thấp. Môi trường, nhất là môi trường rừng đang suy thoái nghiêm trọng. Hiệu quả sử dụng đất, năng suất lao động quá thấp và không đồng đều giữa các vùng trong tỉnh. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến còn hạn chế; công tác nhân rộng mô hình khuyến nông có hiệu quả vào sản xuất còn chậm và chưa đồng đều. Mối liên kết giữa người nông dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ...

Tình trạng sản xuất manh mún, phân tán vẫn tồn tại dai dẳng, nhất là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; tỷ lệ người làm nông nghiệp còn cao. Một trong những hạn chế nữa là Lai Châu chưa hình thành được sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có giá trị và thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt cơ cấu ngành nông nghiệp chưa cân đối và chưa thực sự phù hợp với điều kiện và tiềm năng lợi thế của tỉnh.

Trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu xác định phát triển theo hướng giảm tỷ trọng lĩnh vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó cơ cấu từng lĩnh vực có sự thay đổi như tăng tỷ trọng trồng và chăm sóc rừng, coi trọng dịch vụ môi trường rừng, giảm tỷ trọng khai thác lâm sản.

Bài và ảnh: Nguyễn Công Hải