01:15 13/01/2011

Kỳ vọng vào bước tiến mới của đất nước

Đại biểu Nguyễn Quốc Dũng - Bí thư Huyện ủy Chưprông (Gia Lai) phấn khởi nói: Tôi rất vinh dự được Đảng bộ Gia Lai bầu là một trong số 15 đại biểu của tỉnh về Thủ đô Hà Nội dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Cần có những quyết sách đúng đắn để phát triển vùng biên

Đại biểu Nguyễn Quốc Dũng - Bí thư Huyện ủy Chưprông (Gia Lai) phấn khởi nói: Tôi rất vinh dự được Đảng bộ Gia Lai bầu là một trong số 15 đại biểu của tỉnh về Thủ đô Hà Nội dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, với niềm tin và kỳ vọng Đại hội sẽ tạo ra một bước tiến mới của đất nước trong thời đại hội nhập.


Vấn đề tôi quan tâm và mong muốn ở Đại hội lần này là Đảng sẽ có những quyết sách đúng đắn đối với vùng biên giới Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai, để phát triển kinh tế - xã hội ổn định và vững chắc.

Các đại biểu đến dự Đại hội. Ảnh: TTXVN


Đại biểu Nguyễn Quốc Dũng cho biết: Địa bàn huyện Chưprông có tuyến biên giới với huyện Ôzađao (Campuchia) dài 42km, mối quan hệ giữa nhân dân các dân tộc hai bên tuyến biên giới chung luôn gắn bó và gần gũi với nhau.


Các cấp chính quyền giữa hai địa phương luôn có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, đồng thời tạo mọi thuận lợi cho người dân qua lại để giao lưu, giúp đỡ nhau cùng phát triển.


Tuy nhiên, huyện Chưprông là địa bàn rừng núi, vùng sâu, vùng xa, nên vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là cơ sở hạ tầng còn thấp kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế và đời sống của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo ở một số xã và buôn làng dân tộc trên địa bàn vẫn còn ở mức cao.

Về giải pháp nhằm ổn định và phát triển vùng biên giới trên địa bàn huyện Chưprông, đại biểu Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục tập trung đầu tư nhiều hơn nữa về cơ sở hạ tầng "điện - đường - trường - trạm", xây dựng mạng lưới giao thông ở các xã vùng biên, sớm hoàn thiện tuyến tỉnh lộ 663 - một trong những con đường huyết mạch để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cần thực hiện cơ chế chính sách đặc thù đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như tăng cường công tác chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ "chiếc cần câu" cho bà con có điều kiện phát triển sản xuất...


Trên lĩnh vực chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây cao su, đại biểu cho rằng đây là một chủ trương đúng, song cần có sự giám sát chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện; đồng thời cần các doanh nghiệp phải có cơ chế tiếp nhận công nhân là người dân tộc thiểu số trên địa bàn, cùng chăm lo đời sống của cộng đồng.

Mang tiếng nói bản Dao đến với Đại hội

Chị Lý Thị Hoa, dân tộc Dao, Phó bí thư Huyện ủy Bát Xát, là đảng viên tiêu biểu được tham gia đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.


Chị cho biết: Từ kinh nghiệm công tác của bản thân và của cấp ủy huyện nhà... Về dự Đại hội, chị sẽ kiến nghị một số giải pháp về công tác phát triển đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trải qua nhiều cương vị công tác đoàn thể, từ Hội Phụ nữ huyện đầu những năm 90, cho đến nay trên cương vị là Phó bí thư Huyện ủy, chị Lý Thị Hoa không quản ngại khó khăn, thường xuyên cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ đi sâu, đi sát cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng cán bộ, đảng viên và nhân dân để làm tốt công tác xây dựng Đảng, quan tâm lãnh đạo phong trào quần chúng và công tác phát triển đảng trong quần chúng là người dân tộc thiểu số.


Nhờ đó, địa bàn vùng sâu như xã Cốc Mỳ, quê chị, và các địa bàn chị phụ trách đã sớm xóa các thôn bản trắng về đảng viên. Chị Hoa cho biết: Đảng bộ huyện Bát Xát có trên 2.000 đảng viên, trong đó đảng viên là người dân tộc thiểu số chiếm 44,5%. Năm 2010, toàn Đảng bộ kết nạp 180 đảng viên, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Chị Lý Thị Hoa rất tích cực đóng góp ý kiến xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo đồng bào phát triển kinh tế - xã hội; vận động đồng bào từ bỏ lề lối làm ăn cũ bằng việc chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.


Từ năm 2005 trở lại đây, Đảng bộ huyện Bát Xát đã lãnh đạo nhân dân đưa mạnh giống mới vào sản xuất với 100% giống ngô lai, 90% diện tích được trồng bằng giống lúa kỹ thuật.


Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chú trọng với 60 ha diện tích nuôi trồng thủy sản được chuyển đổi từ những diện tích trồng lúa kém hiệu quả, 150 ha ruộng/vụ được sử dụng tăng vụ bằng trồng các cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày như dưa hấu, dưa chuột, ớt, tỏi cung cấp cho thị trường, tăng giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác lên gấp nhiều lần.


Tuy nhiên, để đồng bào vùng cao thoát nghèo bền vững, vẫn rất cần sự hỗ trợ về vốn cũng như những cơ chế chính sách đặc thù như Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Trao cơ hội cho lớp trẻ

Vinh dự là đại biểu trẻ dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, cô gái dân tộc Mông, Vương Thị Mị, sinh năm 1982, ở thôn Nà Mộ, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang không giấu được niềm vui bởi lần đầu tiên tham dự sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.


Vương Thị Mị tâm sự: Được bầu là đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tôi cảm thấy thật vinh dự, tự hào và trách nhiệm cũng rất lớn. Đây còn là niềm vui, niềm tự hào của bà con trong xã Hùng Lợi quê tôi.

Là đại biểu trẻ của tỉnh Tuyên Quang, vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Vương Thị Mị tự hào bởi tiếp nối truyền thống vinh quang của Đảng, thế hệ đảng viên trẻ hôm nay luôn nỗ lực phấn đấu, nguyện cống hiến cho lý tưởng cao cả của Đảng.


Công tác tại Văn phòng UBND xã Hùng Lợi, chị Mị cho biết: Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, chương trình đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc miền núi như Chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình tại các xã, thôn, bản miền núi đã được đầu tư nâng cấp như Nhà văn hóa, kênh mương nội đồng, đường giao thông nông thôn...


Nhờ vậy, đời sống đồng bào dân tộc miền núi Tuyên Quang nói chung, trong đó có thôn Nà Mộ đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, việc xóa đói, giảm nghèo ở một số địa phương vẫn chưa thật sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo vẫn còn cao.

Về dự Đại hội lần này, chị Vương Thị Mị mong muốn Đại hội Đảng XI sẽ tập trung thảo luận và đưa ra những quyết sách lớn có tính chiến lược để tăng tốc phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa.


Mong Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa đến công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ, đặc biệt cán bộ trẻ người dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ người dân tộc thiểu số có cơ hội học tập, rèn luyện, trưởng thành.

TTXVN