06:09 14/06/2012

Kỳ vọng nào cho phim nghệ thuật Việt?

Dũng cảm theo đuổi dòng phim nghệ thuật, đề cao tính sáng tạo cá nhân và lý thuyết tác giả (trường phái đặc trưng của nhiều nhà làm phim lớn trên thế giới), Phan Đăng Di đã thực sự “húc đầu vào đá” trước thị hiếu khán giả thị trường điện ảnh trong nước.

“Bi, đừng sợ” như những mảng màu đối nghịch, mỗi cảnh phim là mỗi thang âm, lát cắt cuộc đời được gói ghém kỹ lưỡng trong một chuỗi những hình ảnh động mê hồn, đầy xúc cảm. Còn trước khi xem Chạm (Touch), ít ai có thể hình dung câu chuyện giản đơn, bình dị trong một tiệm nail của người Việt tại Mỹ lại có thể hấp dẫn và chạm tới thẳm sâu mọi ngõ ngách trong tâm hồn đến vậy. Dù còn khiêm tốn nhưng “Bi, đừng sợ”; Chạm (Touch) đã cất tiếng nói bảo vệ sự tồn tại của dòng phim nghệ thuật Việt Nam trước sự xâm lấn ồn ào của dòng phim thương mại.


Hai bộ phim nghệ thuật của hiếm


Trước “Bi, đừng sợ” (Phan Đăng Di) và Chạm (Touch) - đạo diễn Việt kiều Nguyễn Đức Minh đã có một số ít những bộ phim nghệ thuật gây xôn xao công chúng trong nước như: Mùa hè chiều thẳng đứng, Mùi đu đủ xanh (Trần Anh Hùng), Mùa len trâu (Nguyễn Võ Nghiêm Minh), Cú và chim se sẻ (Stephan Gauger)…Với Bi, đừng sợ (2011) - Phan Đăng Di đốt cháy các diễn đàn điện ảnh, các trang báo và mạng xã hội bởi những điều dị biệt trong bản thân kịch bản, đề tài… mà đạo diễn lựa chọn truyền tải. Một câu chuyện ngoài tầm kiểm soát, tưởng tượng của giới chuyên môn và lạ thường trong mắt đại chúng đã khiến Di dù được đón nhận không ít những lời khen có cánh nhưng cũng đành cúi đầu ngậm ngùi nếm trái đắng dèm pha, công kích.

 

Cảnh trong phim Bi, đừng sợ - đạo diễn Phan Đăng Di.


Dũng cảm theo đuổi dòng phim nghệ thuật, đề cao tính sáng tạo cá nhân và lý thuyết tác giả (trường phái đặc trưng của nhiều nhà làm phim lớn trên thế giới), Phan Đăng Di đã thực sự “húc đầu vào đá” trước thị hiếu khán giả thị trường điện ảnh trong nước. Nỗ lực dò đường, khai phá dòng phim nghệ thuật kinh phí thấp bằng kịch bản phim truyện đầu tiên Chơi vơi (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) đi sâu khắc họa những mối quan hệ chồng chéo, sự phức tạp trong tâm lý nhân vật và đặc biệt là “đánh” vào cảm giác thực sự của khán giả. Nhưng, xem chừng những nỗ lực ấy của Di vẫn chưa mang lại hiệu ứng tốt cho “đứa con tinh thần” của anh. Người xem từ chối Chơi vơi vì sự nhập nhằng phi giới tính trong ẩn ức cá nhân của các nhân vật và tất nhiên là cũng bỏ rơi luôn Bi, đừng sợ bởi những điều trần tục thật thà nhất được tác giả dày công tái hiện trên màn ảnh. Dù các tranh luận trái chiều xung quanh bộ phim đến nay chưa hẳn đã ngã ngũ, tuy nhiên, chúng ta vẫn phải khẳng định đó là một tác phẩm đậm chất “xi – nê”, khác biệt, điển hình hóa rất Di và mang ý thức vượt rào qua các khuôn mẫu cổ điển sẵn có trong phong cách của các đạo diễn kỳ cựu. Điều đó cho thấy cá tính, sự độc đáo và quan trọng hơn cả là sự mới mẻ không phải là thứ có thể dễ dàng tìm kiếm, nếu không nói quá là “mò kim đáy bể” trên thị trường điện ảnh Việt hiện nay.

Hình ảnh trong phim Chạm – Đạo diễn Nguyễn Đức Minh


Trường hợp của Chạm (Touch) – một bộ phim nghệ thuật nữa được trình chiếu trong tháng 4/2012 vừa qua lại tiếp tục làm dư luận dậy sóng. Giữa Chạm (Touch) và Bi, đừng sợ có nhiều điểm tương đồng về cách thể hiện, dòng phim mà cả hai đạo diễn trẻ cùng theo đuổi đặc biệt là việc sử dụng liên hoàn các cảnh “nóng” để làm sáng rõ ý đồ mà tác giả đã đề ra ban đầu. Nếu trong Bi, đừng sợ - Phan Đăng Di tiết chế tối đa lời thoại, mượn cảnh “nóng” lấp đầy khoảng trống tâm lý đang bị ứ đọng, ngưng tụ của các nhân vật; thì ở Chạm (Touch), cảnh ‘nóng” lại trở thành phương tiện rút ngắn khoảng cách tình cảm, hàn gắn vết thương trong lòng các nhân vật chính. Trong Bi, đừng sợ, những va chạm thể xác của chồng vợ, nam nữ luôn bị đặt trong thế dị nghịch với không gian, trở nên vô cùng trần trụi. Còn Chạm (Touch), người xem hoàn toàn được thỏa sức với phần nhìn bay bổng, lãng mạn trong những đụng chạm thể xác dịu dàng, len lỏi đến từng giây thần kinh cảm giác.


Đây là hai trong số một vài bộ phim nghệ thuật hiếm hoi tồn tại song hành bên cạnh danh sách dài những bộ phim thương mại của điện ảnh Việt Nam.


Cửa nào cho phim nghệ thuật Việt?


Vì nhiều lý do, trong đó giá trị thương mại hấp dẫn chính là yếu tố quyết định, ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý sáng tạo của các nhà làm phim. Việc chạy show đều đặn mỗi năm một dự án và gánh nặng của thương hiệu đạo diễn ăn khách đã khiến tình hình điện ảnh của chúng ta rơi vào cảnh “dở khóc dở cười”, phim hay thì ít mà phim dở thì nhiều. Bình dân hóa, rẻ tiền hóa điện ảnh là vũ khí giết chết đam mê, sự tìm tòi, khao khát sáng tạo những giá trị mới của đạo diễn trẻ được giới chuyên môn đánh giá “có nghề”. Khởi nguồn từ đây, khán giả cũng trở nên thụ động hơn trong cách tiếp nhận, thưởng thức phim. Thói quen xem những tác phẩm dễ dãi, dễ hiểu, đơn giản và ít phải vận dụng trí óc suy nghĩ làm họ cảm thấy mệt mỏi thậm chí gây ức chế cảm xúc mỗi khi đón nhận một bộ phim được gọi là nghệ thuật hoặc có nhiều cảnh quay mang tính hình tượng, nhiều ẩn ý. Đó cũng là lý do khiến phim nghệ thuật bị chính khán giả trong nước ghẻ lạnh, thờ ơ và thường thất bại thảm hại về doanh thu phòng vé.


Thực tế, những nhà làm phim độc lập quyết tâm theo đuổi phim nghệ thuật đến cùng thường phải tự mình tìm kiếm, nhờ cậy thậm chí còn phải cầm cố chính tài sản cá nhân để phục vụ cho quá trình làm phim của mình. Thường rất ít các hãng phim lớn hay nhà sản xuất liều lĩnh lựa chọn dự án phim nghệ thuật để đầu tư bởi họ cầm chắc kết quả lỗ nặng.


Trong khi các nước lớn luôn có nhiều liên hoan phim và các giải thưởng thực sự tôn vinh giá trị của tác phẩm nghệ thuật và các nhà làm phim nghệ thuật, thì ở Việt Nam, ban giám khảo tỏ ra khá dè dặt khi quyết định trao giải cho những tác phẩm, tác giả thuộc thể loại này. Sự lưỡng lự trước khả năng chuyên môn, sự mới mẻ hay chất lượng của bộ phim với đám đông khán giả đại chúng đã khiến nhiều phim mất giải oan. Cả Bi, đừng sợ hay Chạm đều viễn du đến các nước châu Âu, Mỹ và đều để lại dấu ấn ở các liên hoan phim mà nó tham dự. Sau nhiều giải thưởng ở các liên hoan phim quốc tế nhưng khi hạ cánh ở quê hương, cả hai tác phẩm vẫn trắng tay hoặc phim chiếu rất ít khán giả.


Không có phim nghệ thuật nào dễ xem. Bởi nếu đã quyết định nhập thân vào con đường này, người đạo diễn hoàn toàn phải phục sự cho những ý tưởng độc đáo mang tính cá nhân, với cách thể hiện khác lạ. Trước Bi, đừng sợ hay Chạm (Touch) công chúng Việt ít tìm thấy bộ phim nào nhục dục, ngôn ngữ điện ảnh đa tầng đa nghĩa như thế. Và cái mới bao giờ cũng phải mất một thời gian dài để người xem thẩm thấu và cảm nhận. Việc nhận những ý kiến phản hồi không tích cực có lẽ cũng không quá khó hiểu. Nắm bắt điều này, Phan Đăng Di cũng đã cắt nghĩa: “Mỗi người có một cách xem, cảm nhận khác nhau. Tác giả không có quyền áp đặt ý nghĩ của mình lên người khác. Chuyện yêu – ghét phim của tôi cũng là việc bình thường”.


Cánh cửa nào cho phim nghệ thuật Việt Nam? Đó là câu hỏi mà không ít những người có tâm huyết và các đạo diễn như Phan Đăng Di hay Nguyễn Đức Minh đi tìm. Dù vị trí của dòng phim này khá khiêm tốn trước sự bành trướng của phim thương mại nhưng Di và Minh hãy cứ hi vọng, bởi lẽ chỉ có phim nghệ thuật mới đủ sức mang điện ảnh Việt Nam vươn ra thế giới để “mang chuông đi đánh xứ người”.

Hương Giang