04:06 02/04/2015

Kỳ vọng là cây thoát nghèo

Mắc ca đang là loại cây trồng được kỳ vọng là cây thoát nghèo cho nông dân các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, nếu phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch, loại cây trồng mới này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Mắc ca đang là loại cây trồng được kỳ vọng là cây thoát nghèo cho nông dân các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, nếu phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch, loại cây trồng mới này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tín hiệu vui


Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã nghiên cứu và trồng khảo nghiệm cây mắc ca (cả thực sinh và ghép cành) trên địa bàn các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng với tổng diện tích trồng khảo nghiệm trên 20 ha.

Đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thăm khu khảo sát cây mắc ca ở vườn trồng thử nghiệm. Ảnh: Dương Giang - TTXVN



Kết quả trồng thử nghiệm bước đầu cho thấy, cây mắc ca có thể sinh trưởng phát triển được ở một số vùng sinh thái ở Tây Nguyên, đặc biệt là những nơi có khí hậu lạnh (nhiệt độ tối ưu khoảng 12 - 32 độ C, nhiệt độ mùa hoa từ 18 -21 độ C). Sau 9 năm trồng, cây mắc ca đã cho năng suất từ 7 - 9 kg hạt/cây với một số giống, cá biệt có những cây cho năng suất hơn 10 kg/cây/năm. Nếu so sánh với năng suất của vùng nguyên sản cây mắc ca tại Ôxtrâylia vào năm thứ 10 năng suất trung bình trên cây đạt 10 kg hạt/năm, vào giai đoạn kinh doanh ổn định (từ năm thứ 12 trở đi) năng suất trung bình trên cây chỉ cần từ 12 - 15 kg là đạt hiệu quả. Như vậy có thể nói cây mắc ca có triển vọng phát triển trên địa bàn Tây Nguyên. Hiện nay, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên có hơn 20 giống mắc ca, trong đó H2, OC và 508 là những giống rất triển vọng, cho năng suất cao.

Bên cạnh việc trồng thuần, Viện cũng trồng thử nghiệm cây mắc ca xen với một số loài cây công nghiệp có giá trị trên địa bàn Tây nguyên như cà phê vối, cà phê chè, ca cao. Kết quả bước đầu cho thấy cây mắc ca sinh trưởng tốt ở tất cả các mô hình trồng xen.

Theo một số nhà khoa học, lợi nhuận từ cây mắc ca cao hơn so với các cây công nghiệp dài ngày ở Tây Nguyên như cao su, cà phê. Với năng suất đạt được từ 3 - 5 tấn hạt/ha, giá bán 60.000 đồng/kg (theo giá thị trường thế giới hiện nay) hạt thì giá trị thu được từ một ha mắc ca vào khoảng 180 triệu đến 300 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận ước tính vào khoảng 150 - 250 triệu đồng/ha/năm. Nếu trồng xen trong vườn cà phê với mật độ từ 100 - 120 cây/ha, năng suất mắc ca thu được vào thời kỳ kinh doanh vào khoảng từ 1,2 - 1,5 tấn hạt/ha, thì giá trị thu được tăng thêm từ mắc ca trồng xen sẽ từ 70 - 90 triệu đồng, đồng thời còn tăng tính bền vững hơn cho vườn cà phê.

Nên thận trọng

Với những kết quả khả quan từ nghiên cứu khảo nghiệm, các nhà quản lý, nhà khoa học và người nông dân kỳ vọng đây là cây “thoát nghèo” cho đồng bào vùng Tây Nguyên. Theo định hướng quy hoạch phát triển cây mắc ca của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tây Nguyên là vùng quy hoạch chính để phát triển cây mắc ca với diện tích ước tính có thể lên đến 200.000 ha và kỳ vọng đạt được 200.000 tấn hạt thô vào năm 2025. Từ đó, đưa Việt Nam trở thành một cường quốc về cây mắc ca. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó và tránh rủi ro cho bà con nông dân, các ngành chức năng cần xây dựng quy hoạch vùng trồng; tạo nguồn giống có chất lượng; ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật canh tác; thu mua, chế biến, tìm đầu ra cho sản phẩm…

Mắc ca là cây trồng mới, chưa có quy hoạch vùng trồng. Tuy nhiên, hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên người dân đã trồng tự phát hàng nghìn ha mắc ca bất chấp sự cảnh báo của các ngành chức năng. Riêng tại tỉnh Đắk Lắk, diện tích mắc ca khoảng 800 ha, chủ yếu được trồng xen trong vườn cà phê. Hầu hết, diện tích mắc ca mới trồng chưa cho thu hoạch nên hiệu quả của loại cây trồng này chưa thực sự rõ ràng. Các nhà khoa học cảnh báo nếu cứ ồ ạt trồng cây mắc ca như hiện nay thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bên cạnh việc quy hoạch vùng trồng thì chất lượng cây giống cũng vô cùng quan trọng. Do nhận thấy lợi nhuận cao từ loại cây này nên không ít hộ dân trong tỉnh đang đua nhau chặt bỏ những diện tích cà phê già cỗi, vườn cây ăn quả…, đầu tư mua cây giống về trồng với mơ ước đổi đời. Có “cầu” ắt có “cung”, nhiều chủ vườn ươm cây giống trên địa bàn tỉnh cũng “rục rịch” lai ghép, nhân giống mắc ca đáp ứng lượng mua đông đảo của người dân, chưa kể, chủ vườn còn tự tạo nên “cơn sốt” đẩy giá cây giống lên cao, từ 70.000 - 100.000 đồng/cây. Hiện nay giống mắc ca ngoài thị trường khá đa dạng, nhưng hầu hết đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ít nhà vườn còn chạy theo lợi nhuận lai ghép những loại cây kém chất lượng khiến người dân rất khó nhận biết.

Ngoài hai yếu tố trên, nhiều ý kiến cho rằng vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là một bài toán cần sớm có lời giải. Chúng ta đã có những bài học về việc “trồng” rồi “chặt” của cây cao su, ca cao… khi không tìm được đầu ra cho sản phẩm, giá bán thấp. Do vậy, trước khi mở rộng diện tích trồng mắc ca, các địa phương ở Tây Nguyên, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mắc ca cần phải giải quyết thấu đáo bài toán thị trường, để tránh đi vào vết xe đổ như một số loại cây trồng khác. Ngoài ra, các đơn vị cũng phải đầu tư nhà máy chế biến để nâng cao giá trị ngành hàng của loại cây được mệnh danh là “Hoàng hậu quả khô” này…

Anh Dũng