03:22 10/03/2015

Kỳ vọng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp

Hạ dần lãi suất trong thời gian tới là điều tất yếu vì chủ trương của chính phủ, quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước được thể hiện rất rõ; nền kinh tế khởi sắc; lạm phát đang được kiểm soát chặt.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, TS, chuyên gia ngân hàng Cao Sỹ Kiêm cho biết: Hạ dần lãi suất trong thời gian tới là điều tất yếu vì chủ trương của Chính phủ, quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được thể hiện rất rõ; nền kinh tế khởi sắc; lạm phát đang được kiểm soát chặt. “Đó là 3 cơ sở để lãi suất tiền gửi giảm, tạo tiền đề hạ lãi suất cho vay”, ông Kiêm nói.

Hạ lãi suất huy động để “đón đầu”


Các chuyên gia trong ngành cho biết, để giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng phải giảm lãi suất đầu vào thì đầu ra mới giảm được. Thực tế một số ngân hàng đã và đang giảm lãi suất tiền gửi. Theo chuyên gia ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, cơ hội giảm lãi suất tiền gửi đang rõ ràng hơn. Có ít nhất hai cơ sở để NHNN có thể cân nhắc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi 0,5% đến tối đa 1%/năm. Đó là kỳ vọng lạm phát đến cuối năm dự báo xoay quanh mức 4%. Kể cả các kịch bản giá dầu đưa ra có thể tăng trở lại lên cao nhất 60 - 70 USD/thùng thì cũng không tác động đột biến tới mức lạm phát kỳ vọng của Việt Nam.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất vay cho doanh nghiệp.


Việc các ngân hàng chủ động giảm lãi suất tiền gửi, nhất là các kỳ hạn ngắn được nhiều tổ chức tài chính trong nước và quốc tế dự báo ngay từ đầu năm. Ngân hàng HSBC tại Việt Nam đã dự báo lạm phát ở Việt Nam chỉ tăng 1% trong 5 tháng tới và mức tăng của cả năm cũng chỉ 2,8%. Còn Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng dự báo: Lạm phát năm nay chỉ khoảng 3%, thấp hơn nhiều so với mức 5% mà Nghị quyết của Quốc hội đặt ra cho năm 2015. Lạm phát thấp là cơ hội để các ngân hàng tái cấu trúc lãi suất tiền gửi.

Trước xu thế này, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã rục rịch hạ lãi suất tiền gửi. Mới đây, Ngân hàng Agribank công bố điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi VND với mức giảm 0,2 - 0,4% các kỳ hạn. Tiền gửi có kỳ hạn từ 4 tháng đến dưới 6 tháng của Agribank tối đa 5,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất trước và thấp hơn trần lãi suất theo quy định của NHNN. Lãi suất tiền gửi cao nhất tại ngân hàng hiện là 6,3% thay vì 6,5%/năm như trước đây. Trước đó, Ngân hàng BIDV cũng giảm lãi suất tiền gửi 1 tháng từ 4,55%/năm xuống còn 4%/năm, 6 tháng từ 5,55%/năm xuống còn 5,3%/năm. Không chỉ các ngân hàng lớn, các ngân hàng nhỏ cũng đã rục rịch giảm nhẹ lãi suất như: TPBank, Eximbank, LienVietPostBank đã giảm nhẹ 0,1 - 0,2%/năm ở các kỳ hạn.

Theo các chuyên gia ngân hàng, việc giảm lãi suất tiền gửi cũng là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Nếu chi phí đầu vào vẫn giữ như hiện nay, lãi suất đầu ra vẫn ở mức 8 - 10%/năm thì doanh nghiệp không dám vay vốn. Nhưng nếu lãi suất tiền gửi giảm thêm, ngân hàng sẽ giảm tiếp lãi suất cho vay. Nếu lãi suất cho vay ở mức 5 - 6%/năm thì doanh nghiệp sẽ mạnh dạn vay. Lúc đấy tín dụng mới thoát ra được.

Doanh nghiệp vẫn than “giá, vốn”


Theo ông Kiêm, lãi suất hiện đứng ở mức nhu cầu thứ 2 hoặc 3 của doanh nghiệp. Điều quan trọng là phải đẩy mạnh sức mua, tổng cầu, giải phóng hàng tồn kho cho doanh nghiệp thì mới tăng cường khả năng thanh toán, lao động có thu nhập. Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tư pháp, nâng cao chất lượng nguồn lực và cải tiến khoa học kỹ thuật cho doanh nghiệp. Tuy nhiên “giá, vốn” cao vẫn là nỗi trăn trở của nhiều doanh nghiệp.

Ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi chế biến và Xuất nhập khẩu (Aprocimex) cho biết: Doanh nghiệp nông nghiệp vẫn chưa được hỗ trợ nhiều, đặc biệt là về vốn. Lãi suất cho vay 7 - 8% chỉ là danh nghĩa, trên thực tế hầu hết doanh nghiệp vẫn phải vay vốn với lãi suất 9%, một bộ phận chịu lãi suất 11 - 12%. Theo ông Lý, lãi suất cho vay bình quân từ 7,5% trở xuống thì doanh nghiệp mới có thể sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh được.

Không chỉ doanh nghiệp của ông Lý mà nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội (với 1.500 thành viên) mới đây cũng đề nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội trong năm nay tiếp tục chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp này về vốn.

Bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hà Nội cho biết: Lãi suất đang diễn biến tích cực. Lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm bình quân 5 - 6% thời gian qua. Riêng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn luôn được ưu đãi thấp hơn 1% so với thông thường.

Đề cập tới dư địa giảm lãi suất là bao nhiêu là hợp lý, đại diện VietinBank cho biết: Rất khó để đưa ra con số cụ thể, bởi nó còn tùy thuộc tình hình cân đối chung, diễn biến huy động vốn, cho vay cũng như nhu cầu vốn của nền kinh tế. Nhưng chắc chắn với điều kiện kinh tế vĩ mô tốt, ổn định hơn thì lãi suất tiền gửi vốn bám theo chỉ số lạm phát. Trên cơ sở đó lãi suất cho vay cũng sẽ ở mặt bằng hợp lý hơn.


Minh Phương - CTV