08:10 31/08/2012

Ký ức về Tết Độc lập đầu tiên trong lòng người Hà Nội

Những nhân chứng từng dự Lễ Tuyên bố độc lập được tổ chức ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình bây giờ đều đã qua tuổi 80. Song ký ức Tết Độc lập đầu tiên vẫn còn rất đậm nét trong tâm trí họ.

Những nhân chứng từng dự Lễ Tuyên bố độc lập được tổ chức ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình bây giờ đều đã qua tuổi 80. Song ký ức Tết Độc lập đầu tiên vẫn còn rất đậm nét trong tâm trí họ.

 

Hăng hái may cờ Tổ quốc


Hàng năm, cứ tới dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, bà Lê Thi (tên thật là Dương Thị Thoa, con gái thứ tư của cố GS Dương Quảng Hàm), bà Vũ Phương Mai, thành viên của Hội Phụ nữ Cứu quốc ngày trước và ông Nguyễn Tiến Hà, Cựu thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu lại hội ngộ để cùng ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên.


 

Bà Lê Thi lần giở những ký ức về Tết Độc lập đầu tiên của dân tộc.

 

Trong những ngày tháng lịch sử đó, gia đình bà Vũ Phương Mai đang ở làng Yên Thái. Năm nay, tuy đã ở tuổi 85 tuổi nhưng bà Mai vẫn rất xúc động khi nhớ về không khí của làng, của phố trong những ngày Hà Nội đón mừng Tết Độc lập đầu tiên. “Mặc dù hồi đó, cuộc sống còn thiếu đói, cán bộ đi hoạt động cách mạng như chúng tôi cũng chỉ được ăn một bữa cơm mỗi ngày nhưng không khí phấn khởi, hăng hái trong toàn dân Hà Nội thì không thể tả được”.


Như lời bà Mai kể, trước ngày lễ mít tinh 2/9, hầu như mọi người đều không ngủ được. Chúng tôi dậy từ 3, 4 giờ sáng để chờ lễ mít tinh. Đêm trước hôm đó đã phải lo may cờ Tổ quốc rồi.


“Nhà tôi thì không có máy khâu. Nhưng nhà bà cô họ tôi tên là Vũ Thị Tuệ có máy khâu thường ngày vẫn dùng để may áo quần cho mọi người trong gia đình. Để chuẩn bị cho ngày 2/9, tôi hăng hái xung phong nhận việc may một lá cờ đỏ sao vàng cho cách mạng. Cô tôi tình nguyện mua vải và may một lá cờ đỏ sao vàng loại khổ to để treo ở trụ sở của Việt Minh khi đó đóng ở ngay khu vực chợ Bưởi. Bề ngang lá cờ này khoảng 1,2 thước, bề dọc 1,8 thước. Cô tự đi mua vải rồi lại thức trắng đêm để cắt và may cho xong để sáng hôm sau có lá cờ đỏ sao vàng treo ở trụ sở Việt Minh”, bà Mai nhớ lại.


 

Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8/1945.

 

Bà Mai khi đó mới 19 tuổi, là Tổ trưởng Tổ phụ nữ cứu quốc một số làng ở tiểu khu Bưởi. Sau ngày 9/8, bà đến từng nhà của khu Bưởi vận động các nhà có điều kiện may cờ Tổ quốc. “Tôi còn nhớ ở ngay đầu làng Tân có một hiệu may, tôi trực tiếp đến gặp gia đình này để vận động họ giúp các gia đình khác có nhu cầu may cờ đỏ sao vàng để treo trong nhà chào mừng ngày Quốc khánh 2/9 với giá phải chăng. Gia đình này không những nhiệt tình nhận lời mà còn bày tỏ nguyện vọng muốn tham gia Việt Minh”.


Bà Lê Thi, khi đó là cán bộ phụ nữ cứu quốc khu phố Hàng Bông. Bà Thi nhớ rõ không khí cách mạng rộn ràng khắp phố phường đã bắt đầu sau cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám. Mọi người vận động nhau khâu cờ, làm cờ Tổ quốc và đi mít tinh thật đông. Tất cả các hiệu may trong phố sau ngày 19/8 hầu như nơi nào cũng may cờ đỏ sao vàng để cung cấp cho lễ mít tinh 2/9.


“Khi tôi đến từng gia đình trong phố để vận động thì người dân ai nấy đều hăng hái hưởng ứng, thậm chí còn hô: “Việt Nam độc lập!”. Nhà may một cái, nhà may vài cái; một cái treo ở nhà, một cái để mang theo khi ra Quảng trường Ba Đình mít tinh. “Gia đình nào cũng có cờ Tổ quốc để treo. Nhà thì tự làm, tự may lấy, nhà thì mua. Có điều, hồi đó, chưa thống nhất quy định gì về khổ cờ nên nhà thì treo cờ to, nhà thì treo cờ nhỏ”, bà Lê Thi kể.

 

Thanh niên không nề hà góp sức


Đối với ông Nguyễn Tiến Hà đã từng tham gia công tác chuẩn bị và chứng kiến những ngày Hà Nội hào hùng khí thế trong tổng khởi nghĩa 19/8 đến ngày Quốc khánh 2/9, có rất nhiều câu chuyện đáng nhớ. Điều ông nhớ rõ nhất là khí thế của thanh niên Hà Nội lúc bấy giờ.


 

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945.

Sinh năm 1928, đến năm 18 tuổi, tham gia vào công việc của Đoàn Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu. Ông nói: “Không khí Hà Nội rạo rực suốt từ ngày tổng khởi nghĩa thành công đến ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, ngày 2/9 trên Quảng trường Ba Đình lịch sử”.


“Đất nước sau đêm dài nô lệ nay lại được sống trong không khí cách mạng nên mọi người dân ai nấy đều rất phấn khởi. Từ cuộc sống nô lệ chuyển sang cuộc sống tự do thì sung sướng vô cùng. Chính vì thế mọi người đều hồ hởi tham gia các phong trào cách mạng, không nề hà khó khăn”, ông Hà nói.


Tinh thần xung kích thể hiện rất rõ trong thanh niên Hà Nội. Trước ngày 2/9, nhiều ngày liền không chỉ đi vận động các nhà may cờ Tổ quốc mà thanh niên còn là lực lượng chủ yếu đi thông báo rộng rãi cho mọi người dân về sự kiện mít tinh. Ông Hà vẫn nhớ như in hình ảnh với một cái loa thủ công to kềnh càng trong tay, thanh niên từng địa bàn tuyên loan tin cho người dân biết. Thanh niên còn đi dán khẩu hiệu, treo cờ, khất thực (để cứu đói cho người dân).


Thanh niên còn nhận nhiệm vụ cắt chữ, dán khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập!”, “Việt Minh muôn năm”, “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Thanh niên cũng phân công nhau kẻ vẽ những khẩu hiệu đó lên tường ở những nơi công cộng. “Thanh niên chúng tôi lúc đó tham gia vào hai tổ chức: Một là lực lượng tự vệ sao tròn là những thanh niên được trang bị súng, bảo vệ các mục tiêu như cơ quan trung ương; lực lượng kia là tự vệ sao vuông, tập hợp các thanh niên từng khu phố để canh gác cho các trụ sở tại khu phố mình, đề phòng các đảng phái phản động chống phá cách mạng. Tôi tham gia vào tự vệ sao vuông, bảo vệ khu Bạch Mai - Ô Cầu Dền”, ông Hà nhớ lại. Những thanh niên tự vệ như ông Hà được giao nhiệm vụ giữ an ninh cho cuộc mít tinh. Đúng 5 giờ sáng 2/9, ông Hà đã cùng anh em trong đội tự vệ có mặt tại Quảng trường, nhận nhiệm vụ.


Sáng 2/9, khoảng 20 vạn nhân dân thủ đô nô nức tham dự vào đoàn người mít tinh tại Quảng trường Ba Đình. Theo lời các nhân chứng, khi xuống đường để tiến về Quảng trường Ba Đình, mọi người xếp hàng thành cả đoàn dài. Phụ nữ đi trước, nam giới đi sau. Vừa đi vừa hô: “Ủng hộ Việt Minh!”, “Hồ Chủ tịch muôn năm!” suốt dọc đường từ Bưởi xuống tận Quảng trường Ba Đình. Thỉnh thoảng có người bước tách ra khỏi hàng hô một câu, cả hàng lại đồng thanh giơ tay hô theo. Ai cũng muốn đi sớm để mong được chứng kiến giờ phút lịch sử của dân tộc. Khi Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, mọi người chăm chú nghe. Lúc Bác hỏi “Tôi nói thế này đồng bào nghe có rõ không?” thì cả rừng người hô vang: “Có ạ! Có ạ” nhưng cũng có người thì vỗ tay rần rần. “Chúng tôi xúc động lắm! Nhất là khi Bác nói: “Không đi lính cho Pháp!”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do!” thì mọi người nghe rõ lắm!”, bà Lê Thi bồi hồi kể lại.


Lúc mít tinh xong, bà Mai còn nhớ: “Nhiều đoàn vẫn chưa muốn về nhà ngay mà lại đi khắp các phố, nhìn ngắm chỗ nọ, chỗ kia. Trước kia đi đâu cũng sợ thằng Tây thì bây giờ thoải mái đi nhìn ngắm nhà cửa, phong cảnh với niềm sung sướng vô cùng”.


Không chỉ bà Mai, ông Hà, bà Lê Thi mà ở thời điểm đó, còn có hàng vạn người dân thủ đô bình dị khác cũng hết mình với từng công việc dù là nhỏ nhất để làm nên thành công của ngày Tết Độc lập đầu tiên.


Nghe chuyện của những nhân chứng sống một thời Hà Nội hào hùng, chúng tôi cứ ao ước giá như những con người đó mang những câu chuyện sinh động đến được với từng trường học để thế hệ trẻ thủ đô bây giờ có thể hiểu hơn về lịch sử của Hà Nội thì quý biết nhường nào! Chính từng người trong số họ cũng thực tâm muốn được làm như vậy, nhưng mong muốn đó không dễ gì thực hiện, khi tất cả các cụ bây giờ đều đã tuổi cao, sức khỏe giảm sút và trí nhớ cũng bị mòn đi từng tháng, từng ngày.



Mạnh Minh