07:07 03/07/2014

Ký ức thành xưa

“Chúc cậu may mắn…Bộ đội mình đã hy sinh khá nhiều bên ấy rồi! Tất cả vì toàn cục…Tất cả vì…”.

“Đất ở đây cằn cỗi,  mà sao cỏ lại xanh tốt lạ lùng đến thế kia!?”

Cái thành cổ ấy - nghe nói - có đâu từ đời nhà Nguyễn, được đắp lên để phòng thủ, trấn giữ phía bắc kinh thành Phú Xuân…

Trăng mới mọc, chênh chếch ở chân trời đằng đông, phía biển. Ánh sáng vàng nhạt, hơi xanh rọi xuống những cái bóng đang hì hục, lặng lẽ vác, khuân những thùng cây nặng …

- Đêm nay, mình cố chuyển qua sông một tấn hàng…Các chiến sĩ của anh đã sẵn sàng chưa?

- Báo cáo thủ trưởng - Đã sẵn sàng!

Người đàn ông được gọi thủ trưởng hơi trầm ngâm: “Chúc cậu may mắn…Bộ đội mình đã hy sinh khá nhiều bên ấy rồi! Tất cả vì toàn cục…Tất cả vì…”. Anh dừng lại thoáng bâng khuâng: “Cậu chuyển lời động viên đến cậu Tiến và các đồng chí, anh em… Trên rất quan tâm theo dõi hằng ngày diễn biến mặt trận. Thôi! Tạm biệt…”.

Duy đứng nghiêm, đưa tay lên vành mũ:

- Xin chấp hành mệnh lệnh. Chào!

- Chào…

Hai người sĩ quan bắt tay từ biệt nhau. Hàng hóa lần lượt xuống những con thuyền nhỏ. Có pháo sáng từ phía nam thành cổ phụt lên, lơ lửng trên nền trời nhàn nhạt ánh sao. Địch đã tạm ngừng đánh, nhưng trên trời vẫn có tiếng rì rì của động cơ máy bay. Không rõ loại gì!.

Chiếc máy bay trên cao giống như đầu điếu thuốc cháy đỏ, nó bay vòng tròn trôn ốc và thỉnh thoảng xổ xuống những tràng đạn dài ù ù như bò rống từng hơi!. Những viên đạn lửa, giống như những vạch nối màu than hồng vung vãi trên một vùng trận địa.

…Tiếng mái chèo xoen xoét xé nước. Nước như sôi réo, loang loáng dưới ánh trăng xanh rờn, để lại những vệt sáng dài sau những thanh dầm vừa cất lên, rồi nhanh chóng khép lại, lăn tăn, lấp lánh như những vẩy bạc sóng sánh trên mặt nước. Bộ đội lô nhô, bì bõm bám phao lội qua sông dưới ánh trăng mờ ảo. Mấy ngày nay mưa to, nước dâng cao đột ngột.

Duy qua sông, anh ghé bộ chỉ huy. Buổi chiều, lúc trời gần sẩm tối, Duy dẫn theo một số chiến sĩ mới xuống mặt trận phía nam của thành, nơi đang chịu áp lực nặng nề của địch.

- Tiến! Cậu và anh em thế nào?- Duy bắt chặt tay người sĩ quan mặc bộ đồ xanh nhàu nát, tay áo xắn quá khuỷu.

- Hôm qua nó đánh rát, nên thương vong nhiều. Có gì mới không anh?- Tiến hỏi.

- Trên bổ sung cho đồng chí thêm quân và lệnh phải cố giữ tuyến cho đến khi có lệnh mới!. - Duy nói - Hình như sắp bước sang ngày thứ tám mươi?

- Vâng, ngày mai là ngày thứ tám mươi… Nếu được tăng cường và bổ sung, tôi sẽ giữ được đến ngày ta chiến thắng hoàn toàn!.- Tiến cười. Duy cũng cười. Nụ cười vô tư, lạc quan của những người lính trong phút giây lắng xuống sau những trận đánh!.

- Tìm chỗ kín… Tôi đưa thư của Cầm cho cậu đọc!.

- Thư của Cầm?- Nét mặt Tiến sáng lên: “Vào miếu Thành hoàng đi. Ban chỉ huy đại đội đóng ở đó . Tôi ở đấy. Còn một ít trà và thuốc Cẩm Lệ ngon lắm!”.

Duy cười:

- Tôi có mang qua cho cậu một cây thuốc Điện Biên và một ít kẹo Hải Châu, quà của “người yêu Hà Nội” gửi vào, không biết cô ấy xoay đâu ra hay thật, thứ ấy trong thời buổi này!.

Tiến ngã lưng vào chiếc ba-lô con cóc. Anh cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng và bao mệt nhọc như tan biến hết… Duy soi đèn pin cho Tiến đọc thư:

- Cậu đọc cho tôi nghe với… Tôi cũng nhớ Hà Nội lắm rồi! Khúc nào lâm li, tình tứ, …cứ tự nhiên cắt!.

Hà Nội ngày…tháng…năm 1972

Anh yêu dấu!

Đã cuối năm học. Bọn em cũng vừa kết thúc một mùa thi. Các bạn trai trường mình tình nguyện đi bộ đội chẳng còn mấy người!. Đã vào hạ… Anh chắc còn nhớ con đường Cổ Ngư và mùi hương hoa sữa của những phố phường Hà Nội?…Em nhớ lắm ! và nhớ anh hơn bao giờ hết, mỗi khi tiếng ve râm ran gọi vào hè. Em nhớ những quả sấu chua mình cắn rồi đưa cho nhau… Anh có nhớ bánh đa nướng thơm giòn của “bà Béo” không? Và những chiều sang đêm mình ngồi ngắm Hồ Tây sương mờ… Ấy chết! Em lan man mãi mà quên hỏi thăm anh và các bạn có khỏe không? Cho em xin lỗi nhé, đừng giận em nghe? Dạo này nghe tin chiến sự ở miền nam em lo quá! Em có ít quà nhờ anh Duy trao lại anh… Mỹ đã dùng không quân đánh phá miền bắc lần thứ hai. Trường mình đi sơ tán hơn tháng nay rồi… Em và mấy đứa bạn vừa nộp đơn xin vào Thanh niên xung phong đi B phục vụ. Không chừng sẽ gặp anh trong ấy ! Mình mà gặp nhau chắc vui lắm anh nhỉ?…Hà Nội bây giờ vắng thanh niên nhiều lắm. Bọn em chắc cũng “xuôi nam” thôi!…Mình hẹn gặp nhau ngày hòa bình! Anh có hứa ngày ấy sẽ… cưới em không? Dù thế nào, em cũng sẽ gắng chờ ngày gặp lại anh… Chúc anh nhiều sức khỏe!

Nhớ anh và yêu anh nhiều

Ng. Cầm

Duy vỗ tay, nhấp một ngụm trà nóng hổi, chát ngon tới đóc giọng, anh rít một hơi thuốc dài: “Thư cô ấy có mùi Hà Nội đến phát thèm!”. Tiến bâng khuâng cầm lá thư trên bàn tay sạm nắng, anh nghe lòng rung cảm dạt dào. Anh nhớ đôi mắt Cầm đen lay láy, ưa nũng nịu, dỗi hờn vu vơ. Anh nhớ mái tóc huyền buộc chia hai thả trên bờ vai gầy, thon nhỏ, phảng phất mùi hương hoa bưởi. Anh nhớ da diết con đường Cổ Ngư, sấu chua, bánh đa, tiếng ve, Hồ Tây sương mờ mà Cầm đã nhắc trong thư. Và còn nữa … Những mùa Sâm cầm di trú, chúng từ phương bắc xa xôi bay về phương nam sưởi ấm. Có lần Cầm nói với Tiến: “Chúng mình như đôi Sâm cầm đang âu yếm rỉa lông trên mái nhà cổ kia kìa…” . Tiến nhớ da diết đôi mắt Cầm hôm ấy ở sân trường đại học… Và. Ga Hàng Cỏ mờ sương với bao bàn tay vẫy. Tiến cố nhoài người ra cửa sổ con tàu, cố nhìn và cố nhớ khuôn mặt rất riêng của Cầm trong đám đông xô bồ, náo nhiệt của những người đưa tiễn. Cái dáng bé nhỏ của Cầm chìm đắm giữa rừng người trông đến nao lòng!.

Buổi sáng. Thành cổ âm âm, mờ mờ trông như một hòn đảo lừng lững trong sương. Phương đông, mặt trời tròn trịa, như cái mâm thau đỏ hồng, ló dạng. Sau những ngày mưa bão, sáng nay trời khá quang đãng. Nắng ban mai rực rỡ xuyên qua những tán lá bàng thưa còn sót lại qua hàng trăm trận bom bừa, pháo dập. Anh nắng chiếu vàng ánh xuống những hố hầm, ụ súng. Chập chùng, lô nhô, những đống gạch vụn với sắt thép ngổn ngang, vung vãi. Những cây cột điện bằng thông nghiêng ngả, mình mẩy lỗ chỗ, bấy bá vết đạn; lác đác vài vỏ đồ hộp và những chiếc mũ sắt chơ vơ, chênh chỗng; một vài chiếc xe quân sự vỡ kính, xì lốp, gục đầu bên những hàng rào thép gai bùng nhùng... Bãi lau thưa bị bom cháy còn sót lại bên cạnh chiến tuyến của ta, trổ vài bông phấp phới như những bàn tay vẫy, hoa trắng nhè nhẹ, rung rinh trong gió. Có tiếng lũ chim sẻ ríu rít dưới mái vòm của một ngôi nhà chỉ còn trơ vài miếng ngói đen ám khói …

Ngày thứ tám mươi.

- Báo cáo các thủ trưởng. Sắp sửa có B.52 đánh bom! - Người chiến sĩ thông tin khẩn trương!

- Thông báo đến các trung đội phân tán mỏng ra… Sau đợt bom đề phòng, cảnh giác cao, sẵn sàng chống phản kích, chọc tuyến của địch! - Tiến ra lệnh. Anh quay lại nói nhanh với Duy: -Sẽ có đánh nhau với bọn địch ngay sát thành cổ! Mấy hôm nay bọn chúng áp gần ta lắm!

Tiến chụp nón đội vội. Anh kéo cần lên đạn khẩu tiểu liên và giắt khẩu súng ngắn vào bụng. Tiến dặn Duy: “Anh ở lại với thông tin, trực chỉ huy. Tôi xuống các trung đội động viên, bố trí các tổ chiến đấu!”.

Đã có tiếng gió ù ù từ phía Biển Đông. Bọn B.52! Ba phút… hai phút… một phút!. Và bom bắt đầu rớt xuống khu vực thành cổ. Ầm! Ầm… ầm!… Những tiếng nổ liên hồi rất to như muốn xé màng nhĩ ra. Ánh lửa bom chớp chớp, trùng trùng chồng lên nhau. Bụi đất và khói lửa mù mịt. Duy nằm sấp, hai tay chống xuống mặt đất nhão nhoẹt trong công sự. Một đợt … hai đợt… ba đợt, rồi không biết bao nhiêu nữa. Duy đếm không xuể.

Những đợt bom vừa dứt. Có tiếng pháo lớn của địch nã vào thành liên tục, bất tận như tiếng trống đánh dồn. Chúng từ phía nam thành cổ bắn ra, từ tàu chiến ngoài Biển Đông bắn vào và từ những khẩu pháo đối diện chiến tuyến ta, bắn trực xạ vô thành cổ…

Bọn Thủy quân lục chiến (Lính thủy đánh bộ) Sài Gòn bắt đầu tiến công. Chúng đánh dùi theo kiểu “lấn dũi”, so le, yểm trợ cho nhau. Tiến quan sát, đợi bọn địch đến vừa tầm, anh thét lên ra lệnh:

- Bắn vỗ mặt… Mỗi viên đạn một tên giặc!

Các chiến sĩ ta bình tĩnh bắn bọn đi đầu. Những tên lính nặng nề, mặc đồ bệt rằn ri trúng đạn dựng lên, đổ xuống như những thân chuối bị đốn ngọn… Bọn ở sau lùi giạt lại, không dám tiến lên nữa. Một hồi, chúng lại bò lên, rồi bị đẩy lùi trở lại. Cứ thế, những trận đánh giằng co, kéo dài đến gần sẩm tối.

Chiều ngày thứ tám mươi. Bọn địch đã chiếm được một vài vị trí phía nam thành. Quân ta đánh trả dũng cảm và quyết liệt!

Sang ngay thứ tám mươi mốt. Duy trở về bên kia sông - anh là sĩ quan liên lạc - Gần lối chiều, anh ghé hầm chỉ huy rồi xuống trực tiếp trận địa phía nam, nơi đơn vị của Tiến đang cố bám trụ. Duy hỏi Tiến:

- Hồi 6 giờ chiều anh chắc đã có nhận lệnh qua máy?

- Vâng! Thưa anh. Đơn vị tôi sẽ rút sau cùng…

Duy truyền đạt mệnh lệnh thêm một lần nữa:

- Cấp trên ra lệnh cho các đồng chí rút về phòng tuyến của ta. Các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đã thực hiện tốt yêu cầu của chiến dịch… Chúng ta tạm biệt thành cổ!

Duy, Tiến và những chiến sĩ còn lại, mình mẩy bê bết bùn đất, âm thầm qua sông trở về bờ bắc. Đó là những người lính cuối cùng rời mặt trận… Họ ngoảnh lại nhìn thành cổ, lòng bồi hồi, đau xót như giã biệt một người thân! Biết bao đồng chí, bạn bè, đồng đội đã nằm xuống nơi đây cho lá cờ Mặt Trận nửa đỏ, nửa xanh, sao vàng bay phấp phới trên kỳ đài của thành cổ suốt tám mươi mốt ngày đêm máu lửa!

Hai vợ chồng và đứa con gái nhỏ đứng khá lâu bên bờ sông có những đám cỏ lau phất phơ bông trắng. “Nơi đây. Tiến đã ngã xuống trong lần vượt sông cuối cùng vào giải phóng thành cổ”- Duy nói... Mắt Cầm long lanh những giọt nước mắt chực rớt xuống đám cỏ non xanh:
- Đất ở đây cằn cỗi, mà sao cỏ lại xanh tốt lạ lùng đến thế kia!

Mỗi lần có dịp vào nam hội họp hay công tác, khi đi ngang qua sông Thạch Hãn, Cầm và Duy đều ghé lại bãi sông này và ngược xe lên đường 9, viếng thăm mộ Tiến. Sau ngày đất nước hòa bình, hài cốt Tiến đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Phút cuối cùng ngày ấy, Tiến trăng trối, dặn dò Duy và nhờ Duy, nếu có thể… thay mình chăm sóc cho Cầm!

Dưới chân thành cổ xanh rì. Gió đùa cỏ non vật vờ, gợn sóng…

 Truyện ngắn của Đặng Hoàng Thám