03:20 22/03/2015

Ký ức của người Chỉ huy biệt động Sài Gòn

Niềm hạnh phúc sau Đại thắng mùa Xuân 1975 chưa bao giờ nhạt phai trong tâm trí đại tá Trần Minh Sơn nguyên Phó Chỉ huy, kiêm Tham mưu trưởng biệt động Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định.

Đã bốn thập kỷ trôi qua, nhưng ký ức về không khí sục sôi của Sài Gòn, những giọt nước mắt nghẹn ngào hạnh phúc sau Đại thắng mùa Xuân 1975, chưa bao giờ nhạt phai trong tâm trí đại tá Trần Minh Sơn (tức Bảy Sơn) nguyên Phó Chỉ huy, kiêm Tham mưu trưởng biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.       

Vẹn nguyên trong tâm trí

Dù đã bước qua tuổi 89, nhưng đại tá Bảy Sơn vẫn rất khỏe khoắn và tinh anh. Ông sôi nổi kể cho chúng tôi nghe về các trận đánh của những người lính biệt động Sài Gòn trong những ngày tháng 4 lịch sử. “Ngày 25/4/1975, đồng chí Mai Chí Thọ, Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia định chỉ đạo cho tôi: ‘Đại quân nổ súng ở Buôn Mê Thuột và sẽ kết thúc tại Sài Gòn, nên cậu chuẩn bị lực lượng hỗ trợ tiến vào nội thành Sài Gòn’. Lúc bấy giờ, chúng tôi phải gấp rút thực hiện một số nhiệm vụ rất quan trọng mà đồng chí Bí thư giao phó”, ông Bảy Sơn mở đầu câu chuyện.

Đại tá Trần Minh Sơn, tức Bảy Sơn, nguyên Phó Chỉ huy, kiêm Tham mưu trưởng biệt động Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định.


Ông chậm rãi kể: Đến ngày 28/4/1975, lực lượng nội thành lúc đó gồm 60 tổ biệt động, mỗi tổ 3 đồng chí, được bố trí tại 100 điểm “lõm” chính trị nằm rải khắp khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, đã được Ban chỉ huy quán triệt nhiệm vụ. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của lực lượng biệt động Sài Gòn là đưa đại quân tiến vào Sài Gòn mà không có sự cản trở nào của lực lượng tàn quân của chế độ cũ. “Chúng tôi phải phân bổ lực lượng bảo vệ 11 cây cầu trọng yếu dẫn vào nội thành và xóa sạch những ổ địch còn kháng cự, mở đường cho đại quân”, ông Bảy Sơn nhớ lại.

11 chiếc cầu do các chiến sĩ biệt động Sài Gòn bảo vệ đều an toàn và việc giải tán các “ban tự quản” do quân địch lập ở khu Bắc Hải, Hồng Thập Tự, Nguyễn Cư Trinh, Trương Minh Giảng… nhằm chặn bước tiến của quân Giải phóng, đều diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, trận đánh của lực lượng biệt động Sài Gòn khi tiêu diệt, bức hàng một Trung đội địch (khoảng 32 tên) co cụm lại từ lực lượng tàn quân biệt khu Thủ đô lập ổ kháng cự tại nhà thờ Vinh Sơn (trên đường 3 tháng 2, quận 10) vào ngày 28/4 là cam go nhất.

“Bọn chúng cố thủ trong nhà thờ, nổ súng bắn làm 2 đồng chí hi sinh. Lực lượng của chúng tôi lúc đó chỉ khoảng 10 người, dùng súng 12,7 ly bắn áp chế, phá tường ngăn cách và đồng thời một số đồng chí khác tiếp cận trên mái nhà thờ để tấn công vào bên trong. Khoảng 1 giờ đồng hồ nổ súng, bọn tàn quân phải buông súng đầu hàng”, ông kể.

Nhớ lại những ngày cuối tháng 4 cách đây 40 năm, đại  tá Bảy Sơn chia sẻ rằng không có ngôn từ nào để lột tả được. “Lúc đó anh chị em chúng tôi rất khẩn trương, niềm tin miền Nam sẽ hoàn toàn giải phóng căng đầy trong lồng ngực. Những ngày 28, 29 và 30/4, vừa lo hỗ trợ cho các cánh quân chủ lực vào Sài Gòn, vừa bám sát địa bàn để phòng ngừa đám tàn quân địch. Rồi các anh em còn hối hả may cờ để ngày 30/4 cả thành phố Sài Gòn rợp cờ đỏ sao vàng.

Riêng tôi hoạt động trong nội thành mấy mươi năm, lúc tiếng súng vừa im, gặp lại anh em cũ, chúng tôi nói chưa hết với nhau nửa câu là đã ôm nhau khóc. Rồi những anh em ở mặt trận khác chưa từng gặp mặt cũng ghì chặt nhau, chan chứa nước mắt. Vì sau bao năm tháng chiến tranh, cuối cùng miền Nam cũng được giải phóng, đất nước đã hoàn toàn thống nhất”, ông xúc động nói.

Gói ghém trong quyển hồi ký

Ngụy quân vứt bỏ quân trang ngổn ngang trên đường phố vào tháng 4/1975. Ảnh tư liệu.


Lúc chúng tôi đến nhà cũng là khi ông đang cặm cụi viết những dòng hồi ký về những ngày cuối cùng của tháng 4 lịch sử. Ông nói, đó là một trong những câu chuyện về những chiến sĩ biệt động Sài Gòn anh hùng của một thời tuổi trẻ trung liệt. Đặt cây bút trên mặt bàn, ông hồi tưởng về cuộc đời của mình, có đến hơn phân nửa thời gian gắn với một trong những lực lượng chiến đấu tinh nhuệ, đặc thù của quân đội nhân dân Việt Nam và đã từng đi qua hai trận đánh Mậu Thân – 1968 và đại thắng mùa Xuân – 1975. “Tôi đã góp nhặt cho riêng mình cả một trang sử lẫy lừng của những người chiến sĩ biệt động Sài Gòn trong những năm tháng chiến đấu giành độc lập tự do cho dân tộc”, ông tự hào nói.

Giờ đây ở tuổi xế chiều, ông chia sẻ với chúng tôi rằng, niềm khát khao lớn nhất là hoàn thành quyển hồi ký với những câu chuyện kể chân thực về những trận đánh vang dội và cả sự hi sinh anh dũng của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn. “Tôi là người chỉ huy cuối cùng còn sống cho đến ngày hôm nay. Những đồng chí chỉ huy khác và rất nhiều cán bộ cốt cán, anh em chiến sĩ biệt động năm xưa đã về cõi vĩnh hằng. Tôi phải có trách nhiệm để lại cho những thế hệ tiếp theo biết được những người đi trước đã sống, chiến đấu anh dũng như thế nào”, ông nói.

Cuốn hồi ký được ông tỉ mỉ ghi lại từ trí nhớ của ông về những trận đánh vang dội khiến cả thế giới phải nể phục như: Trận đánh tàu Card, bí mật đặt trái nổ dưới cảng để diệt tàu địch; nhiều trận đánh táo bạo, bất ngờ và chưa từng thất bại khi sử dụng cả đặc công và biệt động bằng xe chở đầy chất nổ lao thẳng mục tiêu gây sát thương tại Đại sứ quán Mỹ, Tổng nha cảnh sát, Metropole, Depo xe lửa Hòa Hưng, khách sạn Victoria, Caravelle… làm kẻ thù phải khiếp sợ vào thập niên 60.

“Nhiều đồng chí, đồng đội của tôi đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất Sài Gòn này. Họ đều là những người chiến sĩ trung kiên, quả cảm và đến tận bây giờ trong số họ chưa thể tìm lại được hài cốt. Tôi đang cố gắng hoàn thành quyển hồi ký này và sẽ ra mắt trong dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là tâm nguyện lớn nhất của tôi”, ông nghẹn ngào…


Bài và ảnh: Anh Đức