08:15 17/08/2012

Ký ức cù lao

Vẫn cái giọng khề khà không vội vã, không đếm xỉa gì đến người đang nghe câu chuyện kể, chú hai Chổi làm luôn hai ly rượu Phú Lễ chánh tông rồi nói tiếp:

Vẫn cái giọng khề khà không vội vã, không đếm xỉa gì đến người đang nghe câu chuyện kể, chú hai Chổi làm luôn hai ly rượu Phú Lễ chánh tông rồi nói tiếp:


- Phải tía má tao còn sống, tao hỏi cho tới cùng cái vụ đặt tên Chổi cho tao. Trời đất! Thiếu gì tên mà ổng bả “ quết ” cho tao cái tên cúng cơm nghe thiệt hết muốn nhậu. Chú lại phá lên cười hể hả, cái cười chơn chất, ồm ồm mà có lẽ chỉ có miệt cù lao này mới có được.


- Chú kể tiếp coi, cái vụ năm một ngàn chín trăm hồi đó, lũ trẻ bu quanh bắt đầu sốt ruột hối thúc.


- Từ từ cháo nó mới nhừ chớ, nóng quá chết “ lãi ” còn gì mà kể, chú nạt ngang làm mấy đứa nhỏ im re. Mặt chú bắt đầu đỏ bừng lên.


Đôi mắt đăm đăm của chú nhìn ra mé sông Hàm Luông mùa này nước thượng nguồn đổ về cuồn cuộn, lục bình trôi tá lả dày đặc lòng sông. Có lẽ chú đang cố nhớ lại câu chuyện mấy mươi năm đang tiềm ẩn mơ hồ trong dòng sông mênh mông ấy. Chú kể tới giờ đố ai biết được tại sao cái cù lao này có cái tên là “ Rừng rán”. Có lẽ ngày xưa dân đi làm rẫy ở đây thấy chỉ toàn là cây rán nên đặt tên nầy luôn cho dễ nhớ. Mà ngộ nghe, ở cái tỉnh Bến Tre này hổng có chỗ nào cây rán lại mọc tốt mịt mù như ở đây, có ai chăm sóc đâu, vậy là phó mặc cho trời, nhưng nó cứ lớn nhanh như thổi, mới thấy tí tẹo ít hôm là nó lớn vùn vụt. Dân cư thưa thớt lắm. Đi chặt rán về bó chổi thì đi cả đám vì sợ ma, chưa hết đâu, mấy cái vụ bị rắn độc cắn chết lia lịa nên ai cũng ớn. Tía má tao cũng là dân sống quanh năm bằng cái nghề bó chổi rán nầy, nghề nấy có từ hồi ông nội, ông ngoại tao lận, cực nhưng bỏ hổng được. Tới giờ nghĩ lại chắc tại cù lao nầy chỉ có rán nên tía má tao đặt tên tao là hai Chổi cũng nên.


- Vậy hồi đó ở đây người ta ở đông hôn chú hai?


- Đâu có mấy chục cái nhà, mà nhà xây dã chiến không hà, mái bằng lá dừa nước, lá cây rán, cột thì bằng cây dừa, bình linh, cây keo... mọc đầy cù lao nầy, lỡ có bị bỏ bom cháy thì làm cái khác cho đỡ tiếc, vùng nầy hồi đó mấy thằng Mỹ - Ngụy oanh kích tự do, đang đốn rán mà nghe tiếng ù ù của máy bay đầm già là nhào xuống mương tránh, nó bắn tứ tung, hên xui vậy mà.


Nói tới đó giọng chú bỗng chùng xuống rồi nín bặt. Đôi mắt nheo nheo bỗng rực lên những tia lửa căm hờn, trái cấm ở cần cổ chú cứ giật liên tục. Có lẽ chú đang cố sức kiềm chế cái cảm xúc đang tràn lên lồng ngực lép xẹp của mình.


- Sao chú hổng kể tiếp nữa đi? Tiếng thằng Hoàng thúc giục.


- Vậy mà tía má tao gặp xui, nó bỏ bom rớt xuống đám rán ông bả đang đốn giữa chừng. Tao ở dưới “ tăng xê ” giữa chòi nghe nổ cái hình. Cột khói và lửa bốc cao. Đám rán cháy rần rần. Đợi máy bay nó vọt đi, bà con chòm xóm chạy tới tiếp cứu thì trễ rồi. Tía má cháy đen như cây than hầm không kịp trăn trối một lời.

- Vậy rồi sau đó chú đi đâu? Ở đâu?


- Tao không đi đâu hết. Tao ở đây chờ dịp trả thù cho tía má tao. Vả lại cù lao nầy là nơi tao sanh ra, lớn lên, mắc mớ gì mà bỏ đi cho “đành đạn”. Tao thuộc từng gốc dừa, bờ đê, con rạch, đám rán lớn nhỏ nào tao cũng biết tuốt tuồn tuột... nơi chôn nhau cắt rốn mà.


Uống thêm một ly ruợu nữa, nhai ngấu nghiến mấy con tép đất chấy mỡ hành với cái thở dài thườn thượt. Chú kể tiếp: Hồi đó cù lao rừng rán nầy nổi tiếng với món ba khía vắt chanh ăn với rau sống ngon ba cháy. Ba khía nhiều đến nỗi đi đâu cũng gặp, xách thùng ra rẫy một lát là đầy. Đã vậy cái xứ cù lao nầy còn có nhiều cá chốt, cá thòi lòi, cua đồng, con nít tha hồ kiếm ăn. Có lần chú với đám bạn đi bắt cá chốt dưới mương bị nó đâm nhức thấu xương, đau quá chú nhảy đại lên mà nhào vô, bị ong đánh cho mấy mũi nằm luôn tại chỗ, may mà nhờ đám bạn cõng xuống mé sông bơi xuồng về bệnh xá chợ Giồng Miễu kịp thời chớ thôi đã chầu diêm chúa.


Kể tới vụ bần chú mới nhớ, cái món ăn độc chiêu bần chín nấu canh chua ăn với cá bông lau thì hết ý. Cù lao nầy quanh năm xanh mượt bởi được bao bọc vô số cây bần, cây đước. Tới mùa bần chín thì cả cù lao nầy đi đâu cũng thấy mùi thơm. Hồi nhỏ chú cũng thường tụ năm tụ bảy lội ra tới vàm Băng Cung đợi nước ròng giựt xuống lộ ra những dải đất cồn mới bồi lắng để đá banh. Đứng bên nầy sông để nhìn sang phía bờ xa, bên đó là quận Ba Tri thấp thoáng, xuôi về hạ nguồn là biển Ba Động.


Từ ngày tía má chết vì bom giặc, chú cứ lững thững đi vào đi ra như một thằng khùng khùng, điên điên. Mười tám tuổi, chú còn non nớt quá, còn cô đơn quá khi cứ phải lủi thủi một mình trong căn chòi bên cạnh mé sông Hàm Luông. Nhiều đêm nhìn tàu chiến giặc chạy tới chạy lui từ Bến Tre xuống Giồng Miễu, rồi xuống tới Bến Vinh, Khâu Băng, Cồn Lợi, cồn Bững, cồn Dài, cồn Tra... lòng chú nóng như lửa đốt. Đêm đêm chú lại tìm đến hai ngôi mộ đất nằm giữa cánh rừng rán mà khấn nguyện.


- Tía má có linh thiêng xin phù hộ thằng Chổi nầy mạnh giỏi để trả thù.


Một đêm, chú nằm trằn trọc trên chiếc giường tre ọp ẹp phía góc nhà. Trời mưa, mưa rất lớn. Sấm chớp giật từng cơn tạo những tia sáng xanh lè kèm theo những tiếng nổ long trời muốn điếc tai. Tim chú như thót lại. Mồ hôi rịn dài trên trán dù ngoài trời mưa xối xả. Năm bóng đen đang lội từ dưới sông lên cõng theo hai người nữa đang cố gắng khó nhọc bước lên bờ đê trơn trợt. Tiếng súng đập trên lưng họ kêu lịch kịch. Việt Cộng. Chỉ có Việt cộng mới đi vào giờ nầy mà thôi. Chú run lên thật sự. Trốn ư? Trốn đâu bây giờ? Nhưng mình có làm gì đâu mà phải trốn. Bất chợt hình ảnh tía má chú cháy đen hiện lên mồn một. Hình ảnh chiếc máy bay Mỹ bay lượn ngạo nghễ kênh kiệu sau khi thả bom xuống cái cù lao rán hiền lành nầy làm chú bình tĩnh lại dần.


- Mấy chú ơi, có gì cần tui giúp cho. Cù lao nầy hổng quen đi ban đêm khó lắm. Chú mạnh dạn lên tiếng và tiến dần ra khỏi căn chòi.


- Em nhỏ cho hỏi: Từ đây xuống tới Rạch Cừ khoảng mấy cây số, có hai người bị thương nên cần chuyển gấp, một người trung niên hỏi nhỏ.


- Khoảng mười cây số, nhưng đi ngoài sông cái hay đi vô rạch Giồng Chùa nầy dễ bị tụi nó phát hiện lắm, giang thuyền nó chạy lùng sục truy quét suốt đêm.


- Có cách nào giúp tụi anh không?


- Thôi để tui dẫn đường, nhưng phải cắt đường rừng rán đi bộ mới “ êm”, khó nhưng an toàn hơn.


Đêm tối đen, sáu con người âm thầm lầm lũi đi vội vã, thỉnh thoảng họ lại thay nhau cõng hai người bị thương đang ngất xỉu, máu thấm ướt vai cả đoàn nhưng không ai dám dừng chân. Gai, xương rồng đâm nát chân nhưng họ cứ vẫn đi. Gần sáng chú đã dẫn họ kịp vượt sông rạch Cừ về nơi an toàn. Lúc chia tay, người trung niên có lẽ là chỉ huy đơn vị hỏi khẽ:


- Em tên gì, để sau nầy gặp mà nhận ra.


- Tui tên Chổi.


- Sao lại có cái tên lạ hoắc vậy?


- Tại tía má tui đặt vậy. Cù lao nầy toàn là rán, mà rán thì để làm chổi chớ có gì lạ đâu. Nói xong chú giận dỗi bỏ đi một nước.


Mấy tháng sau, chú không ngờ rằng những người Việt cộng ấy quay lại tìm chú trong một đêm ba mươi trời tối đen như mực. Người mà chú để ý nhiều nhất là cô gái rất có duyên bởi chiếc răng khểnh và lúc nào cũng cười cười mới lạ.


- Chổi à! Mấy anh định xây dựng một trạm giao liên tại cù lao nầy để tiện liên lạc từ khu 8 xuống, em giúp anh được hôn?


Chần chừ giây lát, chú nói:


- Nếu mấy anh tin thì tui làm, tui cũng chờ có dịp nầy để trả thù cho tía má tui đây, nhưng tui đâu biết phải làm gì?


- Em đừng lo, đây là cô Mận, quê dưới Giồng Ớt sẽ tới lui liên lạc với em, có gì cổ chỉ cho, mà nè cổ còn nợ em cái vụ cứu sống cổ mấy tháng trước đó nghe.
- Vụ nào? Chú thắc mắc.


- Thì cái lần em với nhỏ bạn bị thương nhờ anh dẫn đường về rạch Cừ đó, người gì mau quên quá trời. Mận cười trêu chọc.


- Trời đất, ban đêm ban hôm tui có biết ai là ai đâu. Mà có gì mà ơn nghĩa. Mà cô bao nhiêu tuổi ta?


- Tui mười tám tuổi. Còn anh?


- Tui cũng y chang như cô.


Vậy là chú theo Việt cộng từ cái đêm hôm ấy với niềm vui bất tận. Tình yêu của chú và Mận cũng nở dần theo ngày tháng. Chú nhớ hoài cái đêm định mệnh trước ngày giải phóng miền Nam. Lần đó trước khi vượt sông về Mỏ Cày, Mận nói khẽ:


- Sắp giải phóng rồi, mai mốt anh tính sao?


- Thì tui cưới cô làm vợ chớ sao? Tụi mình mồ côi cha mẹ hết, chắc phải nhờ đơn vị đứng ra tổ chức dùm, mà nè... tui... tui tính...


- Tính gì nữa?


- Tên Chổi nghe dị hợm quá, giải phóng rồi, khi làm hôn thú chắc tui đổi tên khác quá, Mận nghĩ có được không? Chú ngập ngừng.


- Chổi thì Chổi có sao đâu mà đổi tới đổi lui. Bộ anh hổng thương tía má anh hả? Mận giận dỗi.


- Thôi thì để nguyên vậy. Đi lần nầy nhớ cẩn thận nghe. Chú nhoài người hôn lên trán Mận một nụ hôn đầu tiên.


- Anh làm cái gì kỳ vậy? Bộ đội gì tham lam quá trời? Mận cười lém lỉnh nhưng nghe lòng hạnh phúc tràn đầy.


Hạnh phúc đã không đến với chú. Mận bị địch truy sát khi vượt sông Hàm Luông. Cô đã cho mìn nổ tung giữa lòng sông rộng không để tài liệu và sinh mạng rơi vào tay giặc. Đau đớn nhất với chú là không tìm được xương thịt của cô, nó đã hòa vào sông nước quê hương với nụ cười mãn nguyện. Trên đất cù lao nầy lại có thêm một ngôi mộ mới không hài cốt nằm bên cạnh hai nấm mồ song song - mồ của Mận. Hàng đêm chú lại ra đây tâm sự với song thân, kể chuyện vui buồn với người vợ chưa cưới trong niềm đau đến tột cùng.


- Rồi chú có cưới ai khác cô Mận hôn?. Thằng Trung hỏi dồn.


- Bụng dạ nào mà thương ai nữa. Tao ở giá luôn tới nay.


Chú kể thêm: Sau ngày giải phóng chú xung phong đi bộ đội rồi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, bị thương bốn lần nên được phục viên về quê sinh sống. Dù có nhiều điều kiện công tác ở tỉnh, ở huyện, nhưng chú nằng nặc xin về lại cù lao Rán ngày nào để sống lại những kỷ niệm chiến tranh, nhất là được sớm hôm chăm sóc, chuyện trò cùng những người thân của mình, được ngồi hàng giờ bên sông lạnh thương nhớ đến cô gái có chiếc răng khểnh và nụ cười xa xăm đến nao lòng. Mận của chú.


Bây giờ cù lao Rán đã khác xưa. Cái xóm nhỏ đìu hiu hoang vắng đã thành trung tâm xã. Không còn những chiếc xuồng đưa rước khách sang sông bởi đã có chiếc cầu hoành tráng. Mới đây một con đường to rộng đang khẩn trương thi công xuyên qua các xã, trong đó có xóm cù lao nầy xuống tận phía biển. Đất lên giá vùn vụt theo sự phát triển kinh tế đang mở ra.


Có lẽ thời gian sẽ cuốn trôi đi bao kỷ niệm theo dòng chảy cuộc đời. Rồi người ta sẽ dễ quên đi rặng bần, rặng đước, quên con ba khía, con cá chốt nhỏ nhoi, quên cánh rừng Rán từng hứng chịu bao bom đạn quân thù, quên cái tên hai Chổi đang tìm về quá khứ với bao nỗi nhớ đong đầy. Với chú, quá khứ ấy vẫn đang tồn tại ẩn hiện quanh đây.