04:09 24/04/2012

Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 - 24/4/2012): Vươn lên từ vùng đất lửa kiên cường

Những ngày tháng 4 lịch sử này, đồng bào các dân tộc ở huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum như được sống lại quá khứ hào hùng của chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh.

Những ngày tháng 4 lịch sử này, đồng bào các dân tộc ở huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum như được sống lại quá khứ hào hùng của chiến thắng Đắk Tô – Tân Cảnh. Đại tá, PGS, TS Trần Ngọc Long - Phó Viện trưởng Viện lịch sử quân sự Việt Nam, cho biết: “Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh năm 1972 là bước ngoặt mang ý nghĩa quyết định, đẩy đối phương vào thế bị động, làm suy sụp một bước tinh thần chiến đấu của ngụy quân Sài Gòn, giành và giữ được những địa bàn chiến lược, tạo thế đứng vững chắc cho lực lượng vũ trang cách mạng... Lịch sử hào hùng hôm qua sẽ làm thức dậy trong chúng ta quyết tâm xây dựng và vun đắp non sông gấm vóc Việt Nam ngày thêm giàu đẹp”.

Sau ngày giải phóng (4/1972), Đảng bộ và nhân dân Đắk Tô đứng trước vô vàn khó khăn. Điên cuồng vì thất bại, địch liên tiếp đánh phá vùng giải phóng nên ta phải tổ chức cho nhân dân sơ tán nhiều nơi. Việc ăn, ở, sản xuất không ổn định, vùng căn cứ lại bị mất mùa, nạn đói và các dịch bệnh liên tiếp xảy ra làm cho huyện gặp không ít khó khăn.

Một góc thị trấn Đắk Tô sau 40 năm giải phóng.


Đảng bộ huyện đã động viên toàn thể cán bộ, đảng viên nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa vùng căn cứ và vùng giải phóng. Các cấp ủy Đảng và các cơ quan, đơn vị của huyện tranh thủ sự viện trợ của cấp trên, huy động tối đa nguồn lương thực và các mặt hàng dự trữ còn lại để trợ cấp, giải quyết những bức xúc trước mắt cho nhân dân. Cùng với việc chăm lo cái ăn, cái mặc, nhà ở cho nhân dân, Đảng bộ còn chủ động, kiên cường, mưu trí đấu tranh, đập tan nhiều âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định an ninh chính trị trên địa bàn huyện.

Nhiều phong trào nổi bật như: Khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất, xây dựng cánh đồng, định canh, định cư, làm thủy lợi, xây dựng huyện điểm, hợp tác xã điểm... được nhân dân hưởng ứng với những công trường khai hoang ở Đắk Tờ Kan, Tân Cảnh, cánh đồng lúa nước Kon Cheo, Diên Bình... Năm 1985 người dân xã Diên Bình đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sản xuất, góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đắk Tô cũng được chọn làm thí điểm xây dựng mô hình Hợp tác xã ở miền Nam, làm thí điểm Khoán 10 ở tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Đồng thời Đắk Tô cũng là điểm sáng nổi bật trong phong trào toàn dân tham gia làm đường giao thông nông thôn, phong trào văn nghệ quần chúng, mô hình vừa học - vừa làm...

Khí thế của “Trường Sơn chuyển mình, Pô Kô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng quê hương” một lần nữa đã được quân và dân Đắk Tô phát huy trong giai đoạn mới. Thực hiện đường lối đổi mới, huyện Đắk Tô đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đã đạt được những kết quả tích cực. Sản xuất nông nghiệp tăng nhanh cả về diện tích và sản lượng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2011 của huyện đạt 16,02%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt gần 20 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo của huyện đã giảm từ gần 40% (2005) nay xuống còn 18%.

Thực hiện chủ trương xây dựng thị trấn Đắk Tô đến năm 2015 đạt đô thị loại IV miền núi, từ năm 2007 đến nay huyện đã bố trí ngân sách hơn 110,2 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của thị trấn. Một số tiêu chí về đô thị loại IV miền núi đã đạt được, như: Cơ cấu kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, tỉ lệ lao động phi nông nghiệp, tỉ lệ hộ nghèo... Ngoài ra, mỗi năm người dân đã đóng góp hàng trăm nghìn ngày công để nâng cấp nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã, các ngõ thị trấn. Đến nay, 100% trường, lớp học đã được kiên cố hóa. Gần 1.000 căn nhà cho các hộ nghèo đã được xây dựng trong suốt thời gian qua. Công tác quảng bá, thu hút đầu tư của huyện đạt kết quả tốt. Một số dự án đầu tư cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã được xây dựng hoàn thành, đi vào hoạt động, như: Nhà máy tinh bột sắn, Nhà máy cồn sinh học, Nhà máy thủy điện Đắk Rơ Sa 1, các nhà máy chế biến mủ cao su... góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và tạo việc làm cho người lao động...

Ông Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Kon Tum, khẳng định: Thành quả trên là kết quả của tinh thần đoàn kết thống nhất của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong huyện, là sự kế thừa và phát triển truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất, nỗ lực vượt khó vươn lên của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc huyện Đắk Tô.

Bài và ảnh: Hoàng Cao Nguyên