03:09 24/03/2011

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII: Thảo luận về các báo cáo nhiệm kỳ công tác của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng

Quốc hội làm việc tại tổ vào chiều ngày 23/3, thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007 - 2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Quốc hội làm việc tại tổ vào chiều ngày 23/3, thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007 - 2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Phần lớn các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với báo cáo đánh giá công tác nhiệm kỳ 2007 - 2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các báo cáo đã được chuẩn bị công phu kỹ lưỡng, đánh giá khá toàn diện những mặt được, chưa được, cũng như nguyên nhân và nêu ra bài học kinh nghiệm, phương hướng khắc phục.

Đối với báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Nguyễn Đăng Kính (Hà Nội) đánh giá: 4 năm qua, Chính phủ đã làm được nhiều việc, đặc biệt là đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ. Kinh tế có bước phát triển, đời sống nhân dân, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh quốc phòng được giữ vững, vị thế của Việt Nam được khẳng định trong khu vực và trên thế giới.

Các đại biểu Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Trần Đình Long (Đắk Lắk), Vũ Quang Hải (Hưng Yên) thì cho rằng: Nhiệm kỳ vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, có những quyết sách kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt là việc huy động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn ODA trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, là một thắng lợi lớn, giúp cho nước ta đạt các mục tiêu đề ra về ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Phạm Đức Châu phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống mua, bán người. Ảnh: Doãn Tấn -TTXVN


Nhiều đại biểu cũng ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo lập và vận hành các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ như thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường lao động, dịch vụ tài chính…

Tuy nhiên, các đại biểu cũng còn những trăn trở trong vấn đề quản lý vĩ mô, công tác quy hoạch, xây dựng dự án của các ngành, cũng như việc xây dựng hệ thống pháp luật và thể chế còn bất cập; kinh tế phát triển chưa bền vững; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển; đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học công nghệ còn chậm, bảo vệ tài nguyên môi trường chưa tốt; công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và chăm sóc sức khỏe nhân dân có mặt kết quả chưa cao… Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về vấn đề chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển các ngành, việc trình các dự án luật hay việc một số cơ quan tham mưu cho Chính phủ còn thiếu trách nhiệm trong đề xuất những dự án quan trọng của quốc gia, chất lượng tờ trình chưa tốt, chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng…

Đại biểu Hà Văn Hiền cho rằng các cơ quan thuộc Chính phủ cần tăng cường hơn nữa trong công tác phối hợp. Việc ban hành chính sách và tổ chức thực hiện cần tập trung làm tốt hơn. Đại biểu Nguyễn Thành Lập (TP.HCM) mong: “Nhiệm kỳ tới, Thanh tra Chính phủ cần quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng lãng phí. Tuy Chính phủ có làm được nhưng chưa đạt được mong ước của người dân. Khi có thanh tra rồi nhưng xử lý vụ việc còn chậm. Chính phủ phải điều hành dứt điểm, đừng để người dân đợi chờ quá lâu”.

Đối với báo cáo của Chủ tịch nước, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cơ bản tán thành với nhiều nội dung đánh giá hoạt động của Chủ tịch nước về các mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đại biểu Nguyễn Thành Lập mong Chủ tịch nước kịp thời khen thưởng người tốt, việc tốt; tăng cường đội ngũ cán bộ tư pháp và chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ này. Bởi hiện nay, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ này chưa tương xứng so với vai trò “người cầm cân nảy mực”.

Trước đó, sáng 23/3, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua, bán người.

Chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu Quốc hội trong thảo luận tập trung vào các nội dung còn có ý kiến khác nhau về hành vi bị nghiêm cấm; biện pháp phòng ngừa; hỗ trợ nạn nhân; thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân; trách nhiệm Chính phủ, bộ, ngành, địa phương trong phòng, chống mua, bán người...

Nhất trí với việc cần thiết có Luật Phòng, chống mua, bán người, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề xuất tên gọi của dự thảo luật nên là Luật Phòng, chống buôn, bán người chứ không nên dùng là "mua, bán" người như hiện nay. Đại biểu thấy rằng việc sử dụng cụm từ "mua, bán" người không thể hiện được hành vi trục lợi trong việc này.

Theo đại biểu, nhiều nước trên thế giới đã có luật này và đều dùng thuật ngữ buôn, bán người, Việt Nam nên như các nước khác để thuận lợi trong hợp tác quốc tế về phòng, chống buôn, bán người. Đại biểu Mạnh Hùng cũng đề nghị, trong phạm vi điều chỉnh của dự án luật, cần quy định cụ thể về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, gia đình và công dân trong phòng chống buôn, bán người.

Góp ý vào nội dung tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua, bán, đại biểu Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận) cho rằng “Có nhiều cơ quan liên quan đến việc này. Quy định lòng vòng giữa các cơ quan, trong khi chưa xác minh được thông tin về nạn nhân (thời gian tối đa lên tới 2 tháng), Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội khó có thể bố trí ăn ở, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân trong suốt thời gian dài như vậy”.

Đại biểu đề xuất nên động viên và đưa những người có điều kiện về với gia đình, các trường hợp khác đưa về cơ sở bảo trợ xã hội. Lưu ý đến yếu tố tâm lý của các nạn nhân, đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) yêu cầu bổ sung quy định về “quyền được giữ bí mật thông tin” cho nạn nhân bị mua, bán (về hình ảnh nhận dạng, đời tư...). Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đề cập đến một hành vi mới phát sinh trong đời sống xã hội: Hiện tượng đẻ thuê (được phát hiện ở Thái Lan trong thời gian gần đây). Ông cho rằng, đây cũng là một dạng mua, bán trẻ em, người đẻ thuê vừa là nạn nhân vừa là tội phạm. Cần xem xét, có quy định trong luật để có căn cứ xử lý.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh tới vai trò của tuyên truyền trong việc phòng chống mua, bán người.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Đại biểu Quốc hội để chỉnh lý cho phù hợp, trình Quốc hội trong thời gian tới.

Quỳnh Hoa, Thanh Vân - TTXVN