10:13 23/10/2014

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII: Bội chi cao, nợ công tăng nhanh

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Trong hơn một tháng làm việc, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết sách nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và trình một số dự án luật.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Trong hơn một tháng làm việc, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết sách nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và trình một số dự án luật.

Sau phiên khai mạc, Quốc hội đã dành cả ngày 21/10 thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.

Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt kế hoạch

Theo Báo cáo của Chính phủ trình trước Quốc hội thì lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, 9 tháng tăng 2,25%, thấp nhất trong 10 năm qua; dự kiến cả năm tăng dưới 5%. Mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2013. Tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 đạt 7,26% (cùng kỳ là 6,87%), dự kiến cả năm tăng 12 - 14% theo kế hoạch. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá cao.

Quang cảnh phiên họp khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng tăng 14,4%. Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tăng 13% (cùng kỳ tăng 3%). Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng cao (hạt tiêu tăng 41,5%, cà phê tăng 31%, giầy dép tăng 24,5%, hạt điều tăng 23,7%, thủy sản tăng 23,7%, máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 22,1%, dệt may tăng 19%, điện thoại và các loại linh kiện điện tử tăng 11,3%). Nhập khẩu tăng 11,6%, chủ yếu là máy móc, thiết bị và nguyên nhiên vật liệu. Ước cả năm xuất khẩu khoảng 148 tỷ USD, tăng 12,1%; nhập khẩu khoảng 146,5 tỷ USD, tăng 11%. Cán cân thương mại, cán cân vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế tổng thể tiếp tục thặng dư.

Thu ngân sách nhà nước 9 tháng tăng 17,2% so với cùng kỳ. Ước thu cả năm vượt 10,6% dự toán. Bảo đảm chi theo kế hoạch và nhu cầu cấp bách phát sinh. Bội chi ngân sách 5,3% GDP. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép tại Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng tăng 10,3% so với cùng kỳ, ước cả năm khoảng 30,1% GDP. Vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng 12,8%, ước cả năm tăng 5,45%. Vốn FDI thực hiện đạt 8,9 tỷ, tăng 3,2%, ước cả năm đạt 12,5 tỷ USD, tăng 8,7%. Vốn ODA giải ngân đạt 4,1 tỷ, tăng 10%, ước cả năm đạt 5,5 tỷ USD, tăng 7,1%. Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ ước cả năm tăng khoảng 18,3%.

Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra rằng, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế nước ta chưa vững chắc. Bội chi ngân sách còn cao. Nợ công tăng nhanh. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%) nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại khoảng 26,2%. Tổng cầu tăng chậm. Tăng trưởng tín dụng chậm trong những tháng đầu năm. Nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu. Thị trường chứng khoán phát triển chưa vững chắc. Thị trường bất động sản phục hồi chậm. Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn thấp. Quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, chuyển giá hiệu quả chưa cao.

Lo ngại về độ mở của nền kinh tế

Thảo luận về tình hình kinh tế nước ta, nhiều đại biểu đánh giá cao các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát của Chính phủ thời gian qua. Nếu như năm 2011, lạm phát ở mức 18,13% thì đến nay giảm chỉ còn khoảng 5%, nhờ đó lãi suất ngân hàng giảm. Đặc biệt trong khi lãi suất huy động giảm sâu thì huy động vốn vào trong hệ thống ngân hàng vẫn tăng, đó là thành công lớn. Bên cạnh đó cán cân thương mại của nước ta từ nhập siêu đã chuyển sang cân bằng và xuất siêu, cán cân vãng lai được cải thiện rõ rệt đã làm tăng uy tín về tài chính của Việt Nam trên thị trường quốc tế và cải thiện thị trường ngoại hối.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, kinh tế nước ta đang có dấu hiệu phục hồi chậm, trong 4 năm qua tăng trưởng GDP trung bình đạt 5,7% là chưa phát huy hết tiềm năng của đất nước. Nguyên nhân khách quan là do chịu ảnh hưởng của kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét. Tuy nhiên, về chủ quan, đại biểu Trần Hoàng Ngân lo ngại về độ mở rất cao của nền kinh tế nước ta đang ở mức lớn nhất trong khu vực ASEAN với mức 154%. Điều này sẽ đe dọa đến sự bền vững của nền kinh tế trong nước và dễ dẫn đến sự lệ thuộc nhiều vào bên ngoài khi nền kinh tế và những bất ổn chính trị khó lường đang diễn biến phức tạp trên thế giới.

Theo đại biểu thì hiện nay kim ngạch xuất khẩu của nước ta khoảng 294 tỷ đô la Mỹ/1 năm trong khi đó GDP vào khoảng 200 tỷ đô la là chưa cân đối, cần tập trung vào thúc đẩy kinh tế trong nước với thị trường tiềm năng hơn 90 triệu dân; trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng. Nhất trí cao với mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 6% và kiểm soát lạm phát 5% trong năm 2015, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng: “Dự kiến của Chính phủ đề ra là mục tiêu GDP 6,2% thì tôi rất đồng tình. Tuy nhiên chỉ tiêu này vẫn có thể cải thiện hơn nữa, có thể nâng lên 6,5% vì nước ta còn nhiều tiềm năng. Chúng tôi chưa đồng tình với tổng vốn đầu tư xã hội mà Chính phủ xây dựng chỉ chiếm 30% GDP, không khả thi vì chỉ số ICOR của Việt Nam thời điểm cao nhất của 10 năm qua là 5,5%, chưa bao giờ xuống dưới 5%. Nếu chúng ta xây dựng tốc độ tăng trưởng 6,2%/năm mà tổng vốn đầu tư xã hội chỉ chiếm 30% GDP thì rất khó thực hiện. Do đó phải có chính sách tăng tổng vốn đầu tư xã hội”.

Nhiều đại biểu cũng đánh giá cao công tác điều hành của Chính phủ trong việc hỗ trợ vốn tín dụng, và tạo nhiều điều kiện thuận lợi như hỗ trợ về vốn, tín dụng, tìm đầu ra cho sản phẩm không phụ thuộc vào một thị trường, hạn chế tình trạng nông dân bỏ ruộng tại một số địa phương. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng đề nghị, Nhà nuớc cần xem xét lại chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, cụ thể là ngành sản xuất lúa gạo. Vì Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất, nhưng giá trị lại không cao, nên bà con nông dân vẫn thu nhập thấp. Đại biểu Bùi Trí Dũng, (An Giang) nêu ý kiến: "Tôi đề nghị Bộ Tài chính đánh giá lại xem căn cứ tính để 30% người nông dân có lãi là xác thực hay không mặc dù là do các địa phương báo cáo, mà báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Tài chính chúng ta phải xuống hỏi người nông dân cứ liệu từ đâu anh đưa ra bài toán 30% này nếu chỉ dựa vào báo cáo của các địa phương là không hợp lý".

Ghi nhận những cố gắng của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, các đại biểu cũng lưu ý, Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn các yếu tố bền vững, giải quyết các “điểm nghẽn” của nền kinh tế như nợ xấu, hàng tồn kho... Theo đại biểu Trần Du Lịch, (Thành phố Hồ Chí Minh) để giải quyết hiệu quả vấn đề nợ xấu, không nên sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước khi ngân sách đang bội chi; mà nên mượn từ nguồn vốn quỹ cổ phần hóa và các quỹ tập trung; thậm chí Quốc hội nên có Nghị quyết cho phép Chính phủ sử dụng những nguồn đang quản lý, trừ ngân sách để giải quyết nợ công.

Ngoài những vấn đề kinh tế, các đại biểu cũng tập trung thảo luận nhiều vấn đề xã hội mà cử tri và dư luận đang quan tâm như giải quyết việc làm, chế độ tiền lương còn nhiều bất cập, an ninh trật tự và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; vẫn còn tình trạng án oan sai; việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế gặp nhiều khó khăn, thi hành án dân sự còn nhiều thiếu sót, hạn chế. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư còn lớn. Chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao.

Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận dân cư nông thôn, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn. Số người thiếu việc làm và việc làm không ổn định còn lớn, nhất là trong thanh niên. Nợ và chậm đóng bảo hiểm xã hội còn nhiều. Nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp xã hội còn hạn hẹp. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều khó khăn. Quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, thể thao, thông tin truyền thông nhiều mặt còn hạn chế. Chưa bảo đảm tốt an ninh, an toàn mạng...

P.V