06:05 01/06/2012

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII: Trình một số dự án luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, ngày 31/5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe các tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra các dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực;

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, ngày 31/5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe các tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra các dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật Tài nguyên và môi trường.

 

Đảm bảo sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với hoạt động điện lực

 

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực được sửa đổi, bổ sung các quy định về: quy hoạch phát triển điện lực; bỏ việc lập quy hoạch phát triển điện lực huyện/quận/thị xã và thành phố thuộc tỉnh; Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được lập cho từng giai đoạn 10 năm và có định hướng cho 10 năm tiếp theo; Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; Quy định về giá điện và các loại phí…


 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Hữu Hùng phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường của Quốc hội về dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực nêu rõ những điểm còn nhiều ý kiến khác nhau về một số khái niệm trong Luật Điện lực; các quy định về phát triển điện lực gắn với bảo vệ môi trường; thị trường điện lực; các quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đơn vị điện lực, khách hàng sử dụng điện; bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực; quản lý nhà nước và cấu trúc ngành điện...

 

Tạo cơ chế quản lý, điều hành, sử dụng dự trữ quốc gia hợp lý


Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Dự trữ quốc gia (DTQG) kế thừa Pháp lệnh DTQG và sửa đổi, bổ sung một số quy định mới về những chính sách của Nhà nước về DTQG; chiến lược, kế hoạch DTQG; cơ chế quản lý, điều hành DTQG; kho và khoa học quản lý, công nghệ bảo quản hàng DTQG; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về DTQG...


Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về dự án Luật DTQG cho thấy còn có những ý kiến khác nhau về mục tiêu của DTQG; hàng hóa, vật tư thuộc phạm vi điều chỉnh, nguồn hình thành DTQG; về tổ chức DTQG; quyền hạn, trách nhiệm trong hoạt động DTQG; tổng mức DTQG; danh mục hàng DTQG; ngân sách nhà nước chi cho DTQG...


Sửa đổi, bổ sung những quy định làm rõ bản chất tổ chức hợp tác xã


Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Hợp tác xã (sửa đổi) gồm 9 chương, 66 Điều (bỏ chương Thi đua khen thưởng trong Luật Hợp tác xã năm 2003). Luật nhằm xây dựng khung pháp luật cơ bản phù hợp với bản chất của tổ chức hợp tác xã (HTX); thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng; khắc phục các hạn chế, tiếp thu tối đa những quy định còn phù hợp của Luật HTX năm 2003; xây dựng khung pháp luật cơ bản trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển HTX ở nước ta, đồng thời tham khảo kinh nghiệm của các nước phù hợp với thực tế của Việt Nam...


Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự án Luật HTX (sửa đổi) về bản chất của tổ chức HTX; quy định quyền cung cấp sản phẩm dịch vụ ra thị trường bên ngoài cộng đồng thành viên; quy định HTX được góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty; chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; quy định về quản lý nhà nước đối với HTX, liên hiệp HTX; tổ chức đại diện của HTX, liên hiệp HTX...


Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế

 

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế dự kiến sửa đổi, bổ sung 33 điều, liên quan đến ba nhóm vấn đề với 22 nội dung, gồm: Vấn đề về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; Nhóm vấn đề phục vụ mục tiêu cải cách - hiện đại hóa và hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế; Vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế để phù hợp với thực tế và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm chống thất thu ngân sách, giảm nợ đọng thuế...


Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nêu rõ những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau về nguyên tắc quản lý thuế; nghĩa vụ của người nộp thuế trong ứng dụng công nghệ thông tin; nguyên tắc ấn định thuế; thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, thời hạn bảo lãnh; trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế; xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế, xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn...


Tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư hành nghề


Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư sửa đổi 28 điều, bổ sung 2 điều và bỏ 3 điều, tập trung vào một số vấn đề: Tiêu chuẩn trở thành luật sư, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư; quyền, nghĩa vụ của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư; địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động hành nghề luật sư, phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư; điều kiện và phạm vi hành nghề của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài, bảo đảm phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới.


Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho thấy những điểm còn có nhiều ý kiến khác nhau trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư về sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư; điều kiện miễn đào tạo nghề luật sư; các trường hợp đã bị kết án không được hành nghề luật sư; quy định cho phép viên chức được hành nghề luật sư; quyền, nghĩa vụ của luật sư; quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư; việc mở rộng đối tượng được yêu cầu luật sư bào chữa...


Kiểm soát chặt chẽ việc xả nước thải vào nguồn nước


Thảo luận về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng, dưới góc độ quản lý nhà nước về biển đảo nói chung và quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước, trong đó có cả tài nguyên nước biển, cần phải quy định thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để tổ chức thực thi pháp luật trong quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước biển, gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, đảm bảo tính đồng bộ với các luật khác.


Lo ngại về tình hình ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở một số sông trên phạm vi cả nước, gây nhiều bức xúc trong xã hội, đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ việc xả nước thải vào nguồn nước để đảm bảo phù hợp với khả năng chịu tải cũng như khả năng tự làm sạch của nguồn nước tiếp nhận.
Cũng liên quan đến vấn đề bảo vệ tài nguyên nước, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đề nghị dự thảo Luật bổ sung nội dung kiểm định chất lượng nguồn nước và quan trắc nước xả thải vào nguồn nước. Trong đó, quy định cụ thể cơ quan chức năng có trách nhiệm định kỳ kiểm định chất lượng các nguồn nước hiện đang được dùng để sản xuất nguồn nước sạch trên địa bàn, kiểm định chất lượng nước sạch dùng cho sinh hoạt và công khai cho người dân biết để giám sát…

 

Phúc Hằng - Thanh Vân