05:07 06/05/2014

Kỳ công Điện Biên Phủ của các nhà quay phim tài liệu Liên Xô

Bộ phim thời sự - tài liệu “Việt Nam” hay “Việt Nam trên đường thắng lợi” được đạo diễn nổi tiếng người Nga Roman Karmen thực hiện tại Việt Nam trong thời điểm Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi năm 1954.

Bộ phim thời sự - tài liệu “Việt Nam” hay “Việt Nam trên đường thắng lợi” được đạo diễn nổi tiếng người Nga Roman Karmen thực hiện tại Việt Nam trong thời điểm Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi năm 1954.

Những bức ảnh quí trong cuốn “Ánh sáng trong rừng thẳm” viết về Việt Nam của Roman Karmen.

Bộ phim không chỉ phản ánh những giây phút huy hoàng của dân tộc sau chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ, mà còn là những thước phim tài liệu màu vô giá về con người và cuộc sống ở Việt Nam trong thập kỷ 1950.


Dựa vào những tài liệu riêng của đạo diễn Roman Karmen lưu giữ tại Kho lưu trữ văn nghệ quốc gia của Liên bang Nga ở thủ đô Moskva. Tiến sĩ Anatoly Sokolov ở Viện Đông phương học (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) kể lại công việc của đoàn làm phim Liên Xô trong những ngày quay bộ phim này ở Việt Nam năm 1954 - 1955.


Chiến thắng Điện Biên Phủ vào mùa xuân năm 1954 của nhân dân Việt Nam có ý nghĩa lịch sử to lớn không chỉ với dân tộc Việt Nam mà với toàn thế giới. Chiến thắng này không những biểu dương cho toàn thế giới về tinh thần anh dũng vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì nền độc lập và tự do của đất nước mình, mà còn chứng tỏ một cách hiển nhiên rằng, chế độ thực dân không thể thoát chết và không có tương lai. Cụm từ “Điện Biên Phủ” đã trở thành biểu tượng của niềm hi vọng cho tất cả các dân tộc bị áp bức và nô dịch, một biểu tượng của Chủ nghĩa anh hùng.


Thời kỳ đó, nhân dân Liên Xô rất phấn khởi khi nghe về chiến thắng Điện Biên Phủ của những người anh em Việt Nam và muốn trực tiếp ghi lại những chiến công hiển hách này. Vì thế một đoàn làm phim thời sự tài liệu Liên Xô đã lên đường tới Việt Nam trong thời khắc lịch sử đó. Đoàn làm phim có 3 người: đạo diễn nổi tiếng Roman Karmen và hai nhà quay phim - Epghen Mukhin và Vladimia Esurin. Nhiệm vụ của các nhà điện ảnh Liên Xô là “quay một bộ phim về Việt Nam và ghi lại cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì nền độc lập của đất nước mình”.


Trước khi rời Moskva, đoàn làm phim Liên Xô đã gặp và nói chuyện với ông Nguyễn Lương Bằng, khi đó là Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô. Ngài Đại sứ đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà làm phim Liên Xô, đóng góp nhiều ý kiến rất bổ ích cho chuyến đi sắp tới của họ: về máy móc và kĩ thuật quay phim, những điều kiện lưu giữ phim ảnh, đóng gói và vận chuyển máy móc quay phim... Ông Nguyễn Lương Bằng dặn dò các nhà làm phim Liên Xô: “Nhân dân chúng tôi rất nóng lòng chờ các đồng chí Liên Xô sang Việt Nam.

 

Các đồng chí sẽ phải tiến hành nhiều công việc khó khăn và nặng nhọc, nhưng Chính phủ và các đoàn thể xã hội của chúng tôi sẽ giúp đỡ các đồng chí và làm tất cả những gì có thể làm được trong điều kiện phức tạp của thời chiến”.
Trong nhật kí của mình, đạo diễn Roman Karmen viết: “Chúng tôi hiểu rõ rằng thực hiện nhiệm vụ này hết sức khó khăn vì đoàn làm phim chúng tôi sẽ sang một đất nước hoàn toàn xa lạ, mặc dù về mặt tinh thần và tình cảm thì rất gần gũi với mọi người dân Liên Xô. Hơn nữa, rất ít sách báo để làm quen và tìm hiểu về đất nước Việt Nam, chỉ có một cuốn sách của tác giả người Pháp (có lẽ, ở đây Roman Karmen muốn nói tới cuốn sách của Leo Figuers “Ở Việt Nam tự do” (Moskva, 1951))”. Qua cuốn sách này, chúng tôi đã có được ý niệm về Việt Nam trong chừng mực nào đấy”.


Ngày 16/5/1954, đoàn làm phim Liên Xô đã rời Moskva và đặt chân đến Việt Nam ngày 24/5/1954. Ông Karmen và hai người đồng sự được một chuyên cơ do Chính phủ Việt Nam thu xếp để bay tới Bắc Kinh. Từ Bắc Kinh, họ được một chiếc máy bay khác đưa tới một thành phố ở biên giới Trung Quốc - Việt Nam. Chặng đường còn lại, đoàn làm phim đi bằng xe lửa và các phương tiện khác để tới Việt Nam. Đoàn làm phim đã mang theo nhiều máy móc và thiết bị, phim ảnh, máy ghi âm…với tổng trọng lượng khoảng 900 kg.


(Còn tiếp)


Duy Trinh (sưu tầm)