07:15 14/07/2017

Kon Tum: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng - gắn kết cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Có thêm thu nhập từ kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nhận quản lý, bảo vệ rừng tại tỉnh Kon Tum dần thay đổi, bà con ngày càng đoàn kết cùng chính quyền địa phương bảo vệ rừng - nguồn tài nguyên vô giá của đất nước.

Bà con tập trung chờ nhận tiền chi trả dịch vụ bảo vệ môi trường rừng.

Với tổng diện tích lâm phần được Nhà nước giao quản lý gần 37 nghìn ha rừng và đất rừng trải rộng trên 14 xã thuộc địa bàn ba huyện: Đăk Tô, Tu Mơ Rông và Sa Thầy (Kon Tum), Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô là một trong những đơn vị triển khai tốt công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đến từng cộng đồng dân cư.

Người dân ký nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Để nhận được sự ủng hộ của đồng bào dân tộc thiểu số tại từng địa phương, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô đã đến từng thôn, làng tuyên truyền, vận động người dân tham gia công tác bảo vệ rừng. Thời gian đầu, bà con chưa thấy được lợi ích thiết thực của việc quản lý, bảo vệ rừng nên còn e dè, sau khi một vài hộ làm tốt công tác nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng và mang lại giá trị kinh tế, giúp xóa đói giảm nghèo. Đến nay, bà con các thôn, làng sống ven rừng đã chủ động đăng ký tham gia. Nhờ đó, cuộc sống của bà con cũng ổn định hơn, tinh thần gắn kết cộng đồng được nâng lên rõ rệt. 

Chi trả dịch vụ môi trường rừng cho bà con.

Ông A Đâu, thôn Tu Ben, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô được Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô giao khoán 15 ha đất trồng cây thông ba lá. Ông A Đâu cho biết, gia đình ông thuộc diện nghèo của xã, từ khi nhận khoán trồng và bảo vệ rừng, cuộc sống gia đình ông đã dần ổn định. 

Ngoài việc chi trả cho từng hộ tham gia nhận khoán, cộng đồng thôn còn trích một phần tiền dịch vụ môi trường rừng làm quỹ thôn, làng. Ông A Kôn, trưởng thôn Đăk Giá, xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông cho biết, trong năm 2016, cộng đồng thôn đã trích tiền dịch vụ môi trường rừng để sửa nhà Rông, mua lưới B40 làm hàng rào trường mầm non, thăm hỏi những người bị bệnh trong thôn…

Cán bộ lâm trường kiểm tra diện tích rừng giao khoán.

Trên diện tích trồng rừng được giao khoán, bà con thôn Đăk Rô Gia, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô trồng xen canh cây mì để tăng thêm thu nhập. Theo ông A Thu, trưởng thôn Đăk Rô Gia, năm 2016, thôn nhận quản lý, bảo vệ 287 ha rừng. Ông A Thu phân công các đội tuần tra rừng nhằm đảm bảo an toàn cho khu vực rừng nhận quản lý. Sau khi chi trả cho các hộ nhận quản lý, bảo vệ rừng, ông trích 40 triệu đồng từ số tiền dịch vụ môi trường rừng mua tôn, xi măng làm lại nhà Rông kiên cố cho thôn. Ngoài ra, ông A Thu còn trích tiền quỹ mua muối, gạo phát cho bà con trong các dịp lễ, Tết. Thấy được hiệu quả thiết thực mang lại cho cá nhân và tập thể, bà con trong thôn rất phấn khởi, ai cũng muốn nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng.

Cán bộ lâm trường kiểm tra vùng đất rừng giao khoán.

Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết: Đơn vị rất mừng là quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng được bà con địa phương sử dụng vào mục đích cộng đồng, tạo tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong thôn, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng của bà con dân tộc thiểu số. Cây trồng được công ty lựa chọn trồng thay thế tại một số diện tích đất trống, đồi trọc là thông ba lá. Đến nay, cây thông đã được 5 năm tuổi, 3-5 năm tới, công ty sẽ để bà con khai thác nhựa thông và có chính sách bao tiêu sản phẩm, từ đó tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho người dân.

Nhà rông được làm mới từ tiền chi trả dịch vụ bảo vệ môi trường rừng tại huyện Đăk Tô.

Bà con sống gần rừng, ven rừng là nhân tố tích cực trong việc phát hiện các vi phạm xảy ra trong khu vực người dân nhận quản lý, bảo vệ rừng. Từ khi triển khai giao khoán các diện tích quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn làng, ý thức bảo vệ rừng của người dân sống ven rừng được nâng lên rõ rệt, qua đó giảm thiểu việc chặt phá rừng làm rẫy của người dân địa phương và các vụ khai thác gỗ trái phép.

Hồng Điệp