Ồ ạt nuôi tôm nước lợ, lợi bất cập hại - Bài 3

Xung đột từ con tôm nước lợ

Môi trường ô nhiễm, nước sinh hoạt nhiễm mặn; cây dừa, hoa màu bị phá bỏ là những hệ lụy khi con tôm nước lợ “đến” sống trong vùng ngọt hóa. Sự xung đột này diễn biến phức tạp hơn khi ngày càng nhiều hộ dân mong muốn “đổi đời” nhanh chóng nhờ con tôm.


Chính quyền bất lực


Xe chúng tôi bon bon trên tỉnh lộ 883, cách trụ sở UBND xã Thới Lai, huyện Bình Đại, (tỉnh Bến Tre) chừng vài trăm mét thì anh Nguyễn Minh Trung, cán bộ xã, ra hiệu cho xe dừng lại vì nghe thấy đâu đó tiền rầm rập. Chúng tôi quan sát thấy, từ phía ấp Giồng Bông, một chiếc máy xúc đang hoạt động, phá tan không gian yên ả giữa trưa hè của miền quê. Càng tiến vào trong ấp, tiếng “rầm rập” của chiếc máy xúc càng lớn. Chỉ đến khi có sự xuất hiện của anh cán bộ xã, thứ âm thanh khó chịu từ chiếc máy xúc mới tắt lịm. “Lại thêm một hộ đào ao nuôi tôm” - anh Trung ngán ngẩm cho biết.


 

Ông Nguyễn Văn Hai đang cầm trên những trái dừa non bị rụng do nhiễm mặn.

 

Trước mắt chúng tôi là bãi đất có diện tích hơn 1.000 m2 bị xới tung. Lớp đất thịt được móc lên làm bờ líp có chiều cao gần một mét và bao quanh là cả một rừng dừa xiêm, dừa ta đang ra quả. Tiến về phía anh Nguyễn Trường Sơn, tài xế lái chiếc máy xúc, anh Trung hỏi: “Mấy hôm trước, xã đã tịch thu bình ắc quy của chiếc máy xúc này rồi. Anh lấy đâu ra bình ắc quy để chạy máy mà tiếp tục đào ao nuôi tôm trong vùng ngọt này vậy? Xã đã mời các chủ xe lên làm việc về việc này nhưng sao anh vẫn cố tình vi phạm?”.


Anh Trung không nhận được câu trả lời thỏa đáng vì tài xế chiếc máy xúc cứ lắc đầu nguầy nguậy và nói không biết vì chỉ là người đi làm thuê. Anh Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch xã Thới Lai, cho hay: “Khi bắt quả tang người dân đào ao để chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép, mình chỉ phạt hành chính 500.000 đồng và tạm giữ bình ắc quy. Tiền công đào ao 1.000 m2 là khoảng từ 10 - 11 triệu đồng. Như vậy, mức phạt trên chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận mà họ thu được”.


Đến nay, huyện Bình Đại có hơn 500 ha nuôi tôm nước lợ trong vùng ngọt, riêng xã Thới Lai có hơn 24 ha với 104 hộ; trong đó có hàng chục trường hợp đào ao mới trong năm 2013. Theo ông Đồng Văn Lộng, Bí thư xã Thới Lai, xã đã thành lập tổ “trực chiến” đào ao trái phép. “Huyện ủy có văn bản chỉ đạo, UBND huyện có kế hoạch triển khai, xã cũng đã vận động, tuyên truyền xuống từng ấp, từng nhà để người dân hiểu việc đào ao trái phép nuôi tôm sẽ phá vỡ vùng quy hoạch. Thế nhưng tất cả những biện pháp này vẫn chưa phát huy hiệu quả. Chính quyền lập lực lượng ngăn chặn thì người dân cũng có nhóm cảnh giới lại mình. Mình làm gắt ban ngày thì họ chuyển sang đào ban đêm. Sức hút lợi nhuận từ con tôm lớn quá” - ông Lộng thở dài.


Tan hoang vùng nông nghiệp


Ông Nguyễn Văn Hai dẫn chúng tôi đi thăm quan vườn dừa có diện tích 4,5 công của gia đình ông. Chỉ tay vào những buồng dừa chỉ còn vài trái nhỏ xíu, vàng úa, ông Hai bức xúc nói: “Từ ngày rộ lên phong trào nuôi tôm, mấy hộ dân trồng hoa màu, trồng dừa bị thiệt hại nặng do nguồn nước bắt đầu bị nhiễm mặn. Mấy anh thấy đó, cây dừa giờ cằn cỗi, giảm năng suất. Tình trạng rụng nụ, trái non nhiều lắm”.


Ông Hai tiếp tục đưa chúng tôi đến vườn ớt của anh Trần Văn Nhặn. Hơn 1.000 m2 trồng ớt gần đến ngày thu hoạch đã chết khô bởi nhiễm phải nước mặn từ vùng nuôi tôm gần đó. “Vùng ngọt hóa này đang bị nhiễm mặn ngày càng nhiều. Cứ cái đà này, mấy hộ trồng màu, dừa cũng sẽ chuyển qua nuôi tôm luôn vì đất bị nhiễm mặn như vậy thì cây nào sống nổi. Chưa kể đến mấy ông chủ máy xúc, họ cứ đi tới từng nhà dụ dỗ người dân đào ao nuôi tôm. Bản thân tôi cũng bị dụ hoài. Thấy tôi kiên quyết từ chối, họ nói: ‘Tôi chỉ ông cách làm giàu mà ông không nghe thì ráng chịu’. Giàu sao nổi mà giàu. Chỉ có mấy ông máy xúc là giàu thôi” - ông Hai buồn nói.
Quả đúng như lời của ông Hai, ao tôm đang đào được cán bộ xã Nguyễn Minh Trung phát hiện ngăn chặn là của anh Trần Văn Nhặn. Lý giải cho việc làm của mình, anh Nhặn cho rằng: “Trồng hoa màu, dừa hiệu quả không cao do đất bị nhiễm mặn. Thấy người ta đào ao nuôi tôm trúng cả trăm triệu đồng, tôi cũng làm. Biết làm như vậy là sai nhưng biết làm gì bây giờ”. Cứ với cách lý luận này, có thể vườn ớt đang chết khô của anh Nhặn sẽ trở thành ao nuôi tôm trong thời gian tới.


Theo ông Lê Văn La, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bình Đại, việc mở rộng diện tích nuôi tôm vượt quy hoạch về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tại vùng ngọt. Không chỉ phá vỡ quy hoạch vùng trồng dừa vốn đem lại cuộc sống ổn định cho người dân bao năm qua, việc nuôi tôm tràn lan còn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây. “Hiện nay, còn rất nhiều hộ dân dùng nước sông rạch làm nước sinh hoạt hàng ngày. Ngay thời điểm này, người nuôi tôm đang bơm bùn xả thải bừa bãi nên một khối lượng lớn nước mặn đã thải ra bên ngoài môi trường tự nhiên. Như vậy, chắc chắn chất lượng nguồn nước trên sông rạch sẽ bị ảnh hưởng” - ông La bức xúc nói.


Bài và ảnh: Anh Đức

 

Bài 4: “Đánh cược” với con tôm

Con tôm phá vỡ quy hoạch
Con tôm phá vỡ quy hoạch

Với ưu điểm thời gian nuôi ngắn, ngưỡng chịu mặn rộng, rủi ro thấp, lợi nhuận trước mắt cao hơn tôm sú, con tôm thẻ chân trắng đã “soán ngôi” của con tôm sú. Không chỉ vậy, người dân còn sẵn sàng chặt bỏ hoa màu, phá hủy vùng ngọt hóa để đào ao nuôi loại tôm này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN