Xuất khẩu nông sản: Kỳ vọng một kỷ lục mới

Bộ NN & PTNT cho biết, khối lượng xuất khẩu (XK) phần lớn các mặt hàng nông, lâm, thủy sản trong tháng 9 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá trị XK tăng khá mạnh nhờ được giá. Cụ thể, giá trị XK nông, lâm, thủy sản tháng 9 đạt 2,4 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch XK 9 tháng qua lên 18,9 tỷ USD, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm 2010. Kim ngạch một số mặt hàng tăng mạnh như cao su, cà phê, hồ tiêu... Trong bối cảnh lạm phát tăng, nhiều ngành gặp khó khăn trong sản xuất và XK thì ngành nông nghiệp lại có bước tiến vững chắc với mục tiêu đạt kỷ lục mới về kim ngạch XK của toàn ngành trong năm 2011 với con số 23 tỷ USD.

Tình trạng lạm phát bùng phát khiến hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng giá mạnh. Cùng với đà tăng của giá, sản lượng XK của nhiều mặt hàng cũng tăng. Theo Bộ NN & PTNT, trong tháng 9 XK gạo của cả nước đạt 750.000 tấn, kim ngạch đạt 400 triệu USD, đưa tổng khối lượng XK gạo 9 tháng qua lên 6,2 triệu tấn (bằng chỉ tiêu cả năm 2011) với kim ngạch đạt 3,1 tỷ USD, tăng 17,4% về lượng và 25,6% về giá trị. Giá gạo XK bình quân 9 tháng đạt 495 USD/tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Thị trường Inđônêxia tiếp tục tăng trưởng mạnh, vượt qua Philippin, trở thành thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam. Các thị trường khác như Malaixia cũng tăng hơn 2 lần và Trung Quốc tăng hơn 3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Philippin đã rời vị trí hàng đầu xuống thứ hai trong số các thị trường nhập khẩu (NK) gạo của Việt Nam, do lượng XK giảm 38,8% và kim ngạch chỉ bằng gần 50% cùng kỳ năm trước. Để bù vào sự sụt giảm của thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng cường XK sang các thị trường mới như Bănglađét, Bờ Biển Ngà và Gana.

Mặt hàng cà phê cũng bước vào thời kỳ hoàng kim về giá. Giá cà phê XK tiếp tục tăng, trong khi nguồn cung nội địa lại giảm đã đẩy giá cà phê trong nước tăng mạnh. Giá XK bình quân 9 tháng đang ở mức 2.208 USD/tấn, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ giá tăng mạnh nên lượng cà phê XK 9 tháng đạt 994.000 tấn, trị giá 2,2 tỷ USD, chỉ tăng 8,9% về khối lượng, nhưng giá trị XK đã tăng tới 66,5% so với cùng kỳ.

Cũng giống như cà phê, cao su đã phục hồi về nhu cầu tiêu thụ, kéo theo sự tăng mạnh của giá cao su XK trên thị trường thế giới. Kim ngạch cao su XK tháng 9 đạt 80.000 tấn, thu về 342 triệu USD, nâng sản lượng cao su XK 9 tháng qua lên 530.000 tấn với kim ngạch 2,3 tỷ USD, tăng 3,3% về lượng nhưng tăng tới 61,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. XK cao su tăng trưởng về kim ngạch ở hầu hết các thị trường dù lượng XK sang một số thị trường sụt giảm. Giá cao su XK bình quân tăng 58,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.323 USD/tấn.

Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nhật Huy (Bình Dương).Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Các mặt hàng nông sản chủ lực khác như hồ tiêu, chè, hạt điều cũng tăng về giá trị XK, mặc dù khối lượng XK tăng không nhiều, thậm chí có mặt hàng (hạt điều) giảm sản lượng XK. XK hồ tiêu tháng 9 đạt 15.000 tấn, kim ngạch đạt 103 triệu USD, đưa khối lượng tiêu XK 9 tháng lên 115.000 tấn với kim ngạch 663 triệu USD, tăng 17,4% về lượng và gấp hơn 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước. XK chè tháng 9 cũng đạt 15.000 tấn với kim ngạch 25 triệu USD, đưa tổng lượng chè XK 9 tháng đạt 99.000 tấn, kim ngạch 153 triệu USD, tăng nhẹ 1,2% về lượng và tăng 7,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Riêng hạt điều nhân tháng 9 XK 20.000 tấn với giá trị 190 triệu USD, đưa tổng lượng XK 9 tháng ở mức 129.000 tấn với trị giá 1,1 tỉ USD, mặc dù lượng giảm 7,8%, nhưng kim ngạch vẫn tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2010.

Cùng với đà tăng của nhóm hàng nông sản, kim ngạch XK thủy sản 9 tháng qua cũng tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước với tổng giá trị đạt 4,4 tỷ USD. Tăng trưởng XK thủy sản được thể hiện ở tất cả các thị trường tiêu thụ lớn, điển hình như Mỹ tăng 35,3%, Hàn Quốc 41,8%, Trung Quốc 54,3%, Italia 43,1%. Thị trường Canađa cũng tăng lượng thủy sản NK gấp hai lần so với cùng kỳ năm trước. Ngoài cá tra, mặt hàng tôm cũng giữ vững lượng hàng XK tại thị trường truyền thống là Mỹ và châu Âu. Nhật Bản - một trong những thị trường NK thủy sản chủ lực cũng đã phục hồi sau một thời gian ngắn chững lại do ảnh hưởng của thảm họa động đất, sóng thần. Nhiều năm qua, kim ngạch XK thủy sản sang Nhật Bản luôn ở mức tăng trưởng. Việt Nam cũng là nước chiếm 21% thị phần tôm đông lạnh nhập vào Nhật Bản trong nhiều năm trở lại đây.

Bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, EU đang giữ vững nhu cầu tiêu thụ, thủy sản nước ta hiện mở rộng thị trường sang các nước có tiềm năng lớn là Hàn Quốc và Trung Quốc. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam, cho biết: Trung Quốc đang chuyển hướng từ nước XK sang NK trong lĩnh vực chế biến. Mặt khác, chính sách thương mại song phương đang cải thiện sẽ góp phần thúc đẩy XK thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc. Năm 2010, kim ngạch XK thủy sản sang hai thị trường trên tăng mạnh từ 22- 28% so với năm 2009 và xu hướng này sẽ tiếp tục giữ vững trong năm 2011. Với đà này, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam cho rằng kim ngạch XK thủy sản năm 2011 sẽ nhanh chóng cán đích.

Với nhóm hàng lâm sản, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường và giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, nhưng XK các mặt hàng lâm sản chính và đồ gỗ 9 tháng qua cũng đạt 3 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đà thuận lợi về giá, mặc dù các chỉ tiêu XK nông sản của cả năm 2011 đã được Bộ NN & PTNT điều chỉnh tăng so với dự kiến được đưa ra từ đầu năm, trong đó dự kiến XK gạo sẽ đạt 3,1 - 3,5 tỷ USD; thủy sản đạt 5,7 - 5,8 tỷ USD; cao su đạt hơn 3 tỷ USD; cà phê đạt 2,6 tỷ USD; hạt điều đạt 1,4 - 1,5 tỷ USD..., nhưng ở thời điểm này nhiều ngành hàng đã đạt chỉ tiêu của cả năm. Năm 2010, tổng kim ngạch XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đã thiết lập kỷ lục với 19,2 tỷ USD, nhưng kỳ vọng một kỷ lục mới về kim ngạch XK của toàn ngành trong năm 2011 với con số 23 tỷ USD (tăng 20% so với năm 2010) không còn xa. Với kết quả khả quan này, một lần nữa nông nghiệp lại khẳng định vai trò trở thành yếu tố quan trọng, là trụ đỡ cho nền kinh tế trước những khó khăn.

Phạm Thanh Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN