Xuất khẩu đối mặt phòng vệ thương mại

Việt Nam đang tăng cường mở cửa thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới nên việc kiện và bị kiện là không tránh khỏi khi các nước có xu hướng tăng cường sử dụng nhiều hàng rào thuế quan để bảo vệ hàng hóa trong nước.

Doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ

Tại hội thảo “Kinh nghiệm ứng phó, sử dụng hiệu quả và biện pháp phòng vệ thương mại, cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO” được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho biết nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã bị kiện phòng vệ thương mại (PVTM), trong đó có liên quan đến bán phá giá. Thống kê từ Cục Quản lý cạnh tranh, tính đến hết tháng 10/2014, con số các vụ kiện PVTM đã lên đến gần 100 vụ, trong đó doanh nghiệp Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá chiếm đến 47 vụ... Thế nhưng, DN Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đến công cụ hữu ích PVTM để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.

Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty Hiệp Long - Bình Dương.



Những năm qua, DN xuất khẩu của Việt Nam chỉ mới lo đi kháng kiện chứ chưa có khả năng đi khởi kiện. Trong khi đó, việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do tới đây sẽ là cơ hội cho các DN về thủy sản, dệt may, da giày, gạo… mở rộng thị trường với lợi thế cạnh tranh tốt. “Xu hướng bảo hộ hàng hóa bằng các biện pháp PVTM ngày càng gia tăng. Thế nhưng, thay vì chúng ta phải sử dụng và phát huy hiệu quả công cụ này khi tham gia giao thương quốc tế thì chúng ta lại bỏ quên”, TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại quốc tế, cho biết.

Theo bà Nguyễn Chi Mai, Phòng Điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước (Cục Quản lý cạnh tranh), xu hướng kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp, nguy cơ đánh trùng thuế (double counting) ngày càng tăng. Đặc biệt hiện nay, các nước phát triển đã đưa ra được những “hàng rào” ngăn hàng hóa nhập khẩu (ngưỡng chuẩn) để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Cụ thể, Hoa kỳ đang sử dụng 2 ngưỡng chuẩn: ngưỡng chuẩn lãi suất và ngưỡng chuẩn đất đai. Điều này rất bất lợi cho DN Việt Nam. “Hiện Hoa Kỳ cho rằng, mức lãi suất cho vay của ngân hàng như: Công Thương, Nông nghiệp, Ngoại thương, Đầu tư và Phát triển Việt Nam là mức lãi suất đã được trợ cấp cho DN Việt Nam. Do vậy, Hiệp định Trợ cấp và Chống trợ cấp thì trợ cấp đèn xanh (trợ cấp không bị kiện) trước đây trong lĩnh vực nông nghiệp hay cho nông dân từ năm 1994 - 2005 đã bị bỏ, vì thế những vấn đề hỗ trợ mang tính ưu đãi cho nông nghiệp và nông dân như cho vay lãi suất thấp, hỗ trợ về đất đai bị coi là trợ cấp đối kháng và có thể bị kiện”, bà Nguyễn Chi Mai cho biết.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng DN trong nước còn thờ ơ với các PVTM là do các DN chưa hiểu rõ về cơ chế vận hành, thủ tục tiến hành của các biện pháp PVTM. Bên cạnh đó, DN còn gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin về số lượng hàng hóa nhập khẩu để có sự so sánh, đối chứng khi tiến hành khởi kiện.

Nhiều tác động xấu cho DN

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), cho biết việc các DN Việt Nam bị kiện bán phá giá có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của các ngành sản xuất mặt hàng tương tự tại Việt Nam. Nhất là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như cá tra, cá basa, tôm, da giày...

Theo ông Nam, hệ lụy của những vụ điều tra này để lại rất nặng nề, đôi lúc có thể dẫn đến nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam do giá cả và mức thuế của nước nhập khẩu áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam thuộc diện "chống bán phá giá” sẽ bị đẩy lên rất cao. Do đó, DN Việt sẽ khó cạnh tranh với các hàng hóa khác ở thị trường nhập khẩu, đó là chưa kể đến viễn cảnh các nhà nhập khẩu nước ngoài rất có khả năng chuyển hướng tìm nguồn cung cấp ở thị trường khác. “Ngoài ra, khi dính vào vấn đề này thì DN bị kiện sẽ mất rất nhiều thời gian, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình kinh doanh. Nhưng trên thực tế, rất ít DN quan tâm đến vấn đề này. Hầu như chỉ khi nào bị kiện rồi DN mới lo đối phó”, ông Nguyễn Phương Nam nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong thương mại quốc tế, các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ vốn được coi là ba cột trụ của hệ thống các biện pháp phòng vệ thương mại và được áp dụng để bảo vệ thị trường nội địa trước sự thâm nhập của hàng hóa nước khác. Do đó, vấn đề cấp bách đặt ra là DN Việt Nam cần phải hiểu rõ và nắm vững các quy trình, thủ tục điều tra cũng như các thông tin cần có để có những giải pháp điều chỉnh kịp thời nhằm ứng phó một cách hiệu quả với các vụ việc PVTM.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức PVTM Các biện pháp PVTM là những công cụ được WTO cho phép các nước thành viên sử dụng một cách hợp pháp. Theo đó, việc xây dựng, ban hành và áp dụng các biện pháp này của các nước thành viên phải tuân thủ các hiệp định về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của WTO. Tuy nhiên, các DN cũng cần phải chủ động nâng cao nhận thức PVTM và coi đây như các công cụ chính sách nhằm điều chỉnh luồng thương mại chứ không phải là các công cụ bảo hộ sản xuất trong nước, nắm rõ nguyên tắc áp dụng. Cụ thể, sử dụng công cụ nào, trong trường hợp nào, thời gian bao lâu, thủ tục đề nghị điều tra áp dụng ra sao… chứ không phải là một công cụ để các doanh nghiệp lạm dụng, ỷ lại.


Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật S&B: Tạo cơ chế cung cấp thông tin xuất nhập khẩu cho DN Các cơ quan như hải quan, quản lý thị trường… có vai trò rất quan trọng vì họ quản lý dữ liệu hàng hóa XNK. Bởi hiện nay, trong một số các vụ kiện, chúng ta chưa có cơ chế phối hợp để cung cấp thông tin cho DN. Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần có những cơ chế rõ ràng về việc cung cấp thông tin số liệu XNK để trợ giúp DN. Bên cạnh đó, chi phí để tiến hành các vụ kiện thường cao và thời gian kiện thường kéo dài, điều này gây ra tâm lý e ngại cho các DN khi sử dụng các công cụ PVTM. Chính vì vậy, các hiệp hội ngành hàng cũng nên đứng ra khởi xướng, chủ trì và triển khai các hoạt động liên quan, đại diện cho các DN.



Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN