Xóa bỏ các rào cản hạn chế hiệu quả đầu tư

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp xóa bỏ rào cản để nâng cao hiệu quả đầu tư giai đoạn 2011 - 2020 được coi là động lực quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư cho nền kinh tế trong những năm tới.

 

Tồn tại nhiều rào cản


Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện vẫn tồn tại nhiều rào cản xuất phát từ cơ chế quản lý kinh tế, từ tổ chức hệ thống kinh tế, từ các yếu tố đầu vào của sản xuất và từ bộ máy quản lý nhà nước về đầu tư đang làm giảm hiệu quả đầu tư của toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, 18 khu kinh tế trọng điểm hiện mới chỉ thu hút được khoảng 20 - 30% mức đầu tư mong muốn. Hơn 260 khu công nghiệp chỉ đạt tỷ lệ lấp đầy 40% diện tích. Các công trình trọng điểm chậm tiến độ so với dự tính. Chất lượng các công trình cũng rất nhanh xuống cấp. Nhiều dự án đầu tư không thể tiến hành do bị vướng giải phóng mặt bằng.


 

Khách hàng làm thủ tục vay với lãi suất ưu đãi tại Ngân hàng HDBank Chi nhánh quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quản lý nhà nước về đầu tư công chưa thật sự đồng bộ, thông suốt giữa ra quyết định đầu tư, theo dõi đầu tư và quản lý vận hành. Hơn nữa, quá trình quản lý vận hành sau đầu tư cũng chưa được quy định chặt chẽ đã tạo nên những bất cập trong theo dõi, đánh giá và kiểm tra, giám sát.


Một trong những hạn chế cơ bản đối với việc nâng cao hiệu quả đầu tư là vẫn chưa có chiến lược phát triển tổng thể các ngành kinh tế ở tầm quốc gia. Những bất cập trong quy hoạch đã dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún. Hạ tầng cơ sở hiện còn yếu kém đã trở thành điểm nghẽn của nền kinh tế cũng chính là rào cản lớn nhất của việc nâng cao hiệu quả đầu tư.


Trong khi đó, hệ thống tài chính tiền tệ và thị trường vốn hiện nay, theo nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu định hướng và dẫn dắt nguồn vốn tới các khu vực kinh tế và dự án đầu tư có hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực quản lý trong các dự án, trong các doanh nghiệp vừa thiếu, vừa yếu, không đáp ứng được đòi hỏi của phân cấp đầu tư.

 

Rà soát từ chiến lược và quy hoạch


 

Một doanh nghiệp vay vốn với lãi suất 15%/năm tại Ngân hàng NN&PTNT - Chi nhánh Bắc Giang. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm xóa bỏ các rào cản, nâng cao hiệu quả đầu tư phải bắt đầu từ rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các chiến lược phát triển kinh tế phạm vi cả nước, các vùng và vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh, huyện, xã hoặc chiến lược phát triển các ngành; chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh ngành, sản phẩm. Việc rà soát này phải được hoàn thành trong các năm 2012, 2013.


Về cơ chế phân cấp quản lý đầu tư sẽ thực hiện mạnh mẽ theo nguyên tắc chỉ quyết định đầu tư nếu bố trí được vốn, gắn trách nhiệm cá nhân với quyết định đầu tư, tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời xử lý các sai phạm phát sinh. Giải pháp về phân cấp quản lý đầu tư được đặt trong tổng thể nghiên cứu, xem xét, sửa đổi Nghị quyết 08/2004/NQ-CP ngày 30/6/2004 về tăng cường phân cấp giữa Chính phủ, UBND tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Việc này phải được hoàn thành trước năm 2014, trên cơ sở đó triển khai giám sát phân cấp đầu tư một cách đầy đủ nhất.


Bên cạnh đó, chú trọng hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư nhà nước nhằm tránh thất thoát, lãng phí việc sử dụng nguồn vốn đầu tư. Các giải pháp về tăng cường các nguồn vốn đầu tư cần được đưa ra trước năm 2015. Đồng thời, áp dụng nghiêm ngặt các chế tài trong giám sát thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc thi công không đúng thiết kế, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng vật liệu không đúng theo quy định hoặc khối lượng xây lắp theo thiết kế được duyệt, lập quyết toán không đúng thực tế thi công để "rút ruột công trình" làm ảnh hưởng tới chất lượng công trình.


Cùng với việc sắp xếp cán bộ có đủ năng lực, chuyên môn và khả năng quản lý, điều hành các dự án đầu tư nhằm tránh thất thoát, lãng phí, cần triển khai thực hiện quy hoạch nhân lực đến năm 2020 tại các ngành, địa phương, rà soát, đánh giá và phân loại cán bộ quản lý đầu tư theo chu kỳ 3 - 5 năm/lần. Trước mắt, trong các năm 2013 - 2015 cần có chương trình đào tạo lại các cán bộ trong hệ thống này để đáp ứng yêu cầu quản lý đầu tư trong giai đoạn mới.


Một giải pháp không kém phần quan trọng là thực hiện Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trước mắt thực hiện và hoàn thành cổ phần hóa 89 doanh nghiệp độc lập thuộc Bộ, 239 doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý, tập trung vào các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ và du lịch. Mặt khác, triển khai chương trình ưu tiên đầu tư phát triển các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như chế biến lương thực, thực phẩm; nuôi trồng và chế biến hải sản; sản xuất giống và thức ăn chăn nuôi; sản xuất thiết bị, máy móc và phụ tùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm; luyện kim và hóa chất... nhằm tạo động lực để phát triển kinh tế.


Mai Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN