Xóa bỏ các quy định gây cản trở kinh doanh

Theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014, có hiệu lực từ 1/7/2015, từ 1/7 tới, tất cả các văn bản quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được bãi bỏ.

Đây được coi là bước chuyển mới nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.

Nhiều quy định gây khó

Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hay Luật Cạnh tranh ra đời với tinh thần thông thoáng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hết sức cho doanh nghiệp (DN) phát triển. Nhưng để luật đi vào cuộc sống cần có các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật. Và những rắc rối, rào cản cho môi trường kinh doanh đã nảy sinh từ chính những văn bản dưới luật này.

Câu chuyện phải đi đường vòng để xuất khẩu được gạo của DN Cỏ May là một ví dụ điển hình. Thành lập từ 1986, chuyên chế biến và xuất khẩu gạo, năm 2014, công ty xuất nhập khẩu gạo Cỏ May (Đồng Tháp) tìm được đối tác nhập khẩu gạo tại thị trường Singapore. Nhưng khi ký hợp đồng xuất khẩu, Cỏ May đã bị đối tác Singapore từ chối vì cho rằng DN này chỉ là “cò” - môi giới, vì không có giấy phép xuất nhập khẩu trực tiếp. Theo điều 4 Nghị định 109/2010/NĐ-CP quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo, DN xuất khẩu gạo phải có kho chứa ít nhất 5.000 tấn; có ít nhất 1 cơ sở xay xát thóc, gạo với công suất 10.000 tấn/giờ, phù hợp với quy chuẩn chung Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành.

Xuất khẩu gạo tại xí nghiệp chế biến lương thực Càng Long, trị trấn Càng Long, huyện Càng Long. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Kho chứa và cơ sở xay xát quy định tại điều này phải thuộc sở hữu của DN và nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu, hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc gạo tại thời điểm DN đề nghị cấp giấy phép. Với quy định này, Cỏ May sẽ phải thuê một DN có kho, nhà máy xay xát đủ tiêu chuẩn quy định của Bộ NN&PTNT để thông qua đó xuất khẩu. Việc này đã khiến gạo xuất khẩu của Cỏ May đội chi phí thêm 2 USD/tấn. Chưa hết, để có thể xuất khẩu gạo cho đối tác, Cỏ May phải sang Singapore lập một công ty lấy tên Cỏ May Singapore và nhập gạo của chính mình, nhưng qua một đối tác trong nước. Với việc phải “đẻ” thêm một công ty của mình ở nước ngoài, Cỏ May Singapore phải đóng thuế thu nhập DN là 17% cho chính phủ nước sở tại, trong khi Việt Nam không thu được đồng thuế nào của DN này.

“Nếu chúng tôi cần kho hay nhà máy xay xát sẽ đi thuê. Sao phải bỏ vốn ra để xây kho, nhà máy xay xát lãng phí, trong khi nguồn lực có hạn. Có nhất thiết DN xuất khẩu gạo phải bỏ vốn ra đầu tư nhà kho, nhà máy mới đủ điều kiện xuất khẩu gạo?”, đại diện DN Cỏ May bức xúc.

DN Cỏ May chỉ là một trong hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, phải chịu những điều kiện hết sức vô lý quy định trong trong các thông tư, nghị định về điều kiện kinh doanh.

TS Lê Hồng Sơn, chuyên gia Bộ Tư pháp, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết, tinh thần, quan điểm của luật rất thông thoáng, nhưng khi được thông qua các văn bản dưới luật đã bị “cài cắm” các lợi ích ngành, địa phương nên đã trở thành rào cản. Dẫn ví dụ hàng chục quy định dạng rào cản, TS Sơn cho biết, tại Thông tư 23/2015/TT-KHCN quy định: DN nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng chỉ được sử dụng cho chính dự án đã được đăng ký, không được chuyển nhượng cho dự án hoặc DN khác, trừ trường hợp phá sản, giải thể hoặc chấm dứt hoạt động. Quy định này vi phạm quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, tạo ra lãng phí, bất bình đẳng trong các hoạt động kinh doanh của DN; Thông tư 47/2011/TT-BNNPTNT quy định về chuẩn môi trường yêu cầu nước thải chăn nuôi phải đáp ứng loại A, tương đương nước mà người có thể uống được. Quy định này bất khả thi trong thực tế và chính điều này có thể dẫn đến tiêu cực trong các hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý trên địa bàn đối với DN; Nghị định 36/2014/DN-CP của Chính phủ, ngày 29/4/2014 về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, quy định tỉ lệ mạ băng (tỉ lệ mạ băng trên trọng lượng tổng) trong sản phẩm cá tra xuất khẩu không vượt quá 10%. Hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83%/khối lượng cá tịnh (cá phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng). Vấn đề này do thỏa thuận chứ không phải bắt buộc của nước nhập khẩu. Thông tư 56/2014/TT-BTC đưa ra thủ tục buộc phải kê khai giá không phù hợp với Luật, giá và kê khai giá chỉ mang tính chất thông báo. Theo TS Sơn, đây là quy định xin cho, ảnh hưởng quyền tự do kinh doanh, ảnh hưởng cơ hội kinh doanh, giảm cơ hội cạnh tranh giá của DN...

Bãi bỏ quy định không cần thiết

Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng Ban môi trường kinh doanh, Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, theo rà soát của cơ quan này hiện có tới gần 7.000 giấy phép con quy định về điều kiện kinh doanh, trong đó có hơn 3.000 văn bản ở dạng thông tư không còn căn cứ pháp lý để tồn tại. Vì theo quy định pháp luật mới thì thông tư của các bộ, ngành và địa phương không được hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải rà soát xong và có phương án xử lý để từ 1/7, các quy định về quản lý hay điều kiện kinh doanh nằm ở thông tư sẽ bị bãi bỏ.

Trong cuộc làm việc mới đây với lãnh đạo các bộ ngành về tình hình thực hiện và khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà nhấn mạnh, trong quá trình rà soát, các bộ ngành nên chú ý tháo gỡ những khó khăn cho DN bằng cách giảm thiểu, bãi bỏ hoặc đình chỉ áp dụng các quy định về điều kiện kinh doanh không đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. “Hàng nghìn giấy phép con, thủ tục hành chính nặng nề chính là nguyên nhân gây nhũng nhiễu, tiêu cực, dẫn đến những chi phí không chính thức mà DN phải chịu. Ví dụ Luật Đầu tư, có 267 ngành nghề, giờ phải xem có bao nhiêu điều kiện, chẳng hạn có tới 1.000 điều kiện thì rà soát giảm xuống còn 800 rồi giảm tiếp còn 200. Những điều kiện nào không cần thiết thì phải bỏ hẳn chứ không để nâng cấp thông tư thành nghị định để trói DN. Tất cả những việc làm này nhằm phá vỡ mọi rào cản kinh doanh, khẳng định tinh thần đổi mới của Chính phủ”, ông Hà nói.

TS Lê Hồng Sơn, chuyên gia Bộ Tư pháp - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng khẳng định, các loại “đinh” gây khó cho DN chủ yếu ở các thông tư, văn bản quy phạm pháp luật cấp bộ, các văn bản của địa phương. Rất mừng là Chính phủ tiếp tục đưa ra các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt trong các Nghị quyết 19- 2016/NQ-CP, ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020. Theo đó, tới đây trong việc ban hành các văn bản, chính sách mới của Nhà nước, lực lượng DN, hiệp hội các ngành nghề cần thể hiện vai trò tham gia cùng Nhà nước xây dựng chính sách tích cực, thiết thực hơn nữa bằng việc đóng góp ý kiến, phản biện.

“Thực tế cho thấy, lâu nay trong quá trình xây dựng, soạn thảo và ban hành chính sách của Nhà nước vẫn thiếu vắng sự đóng góp có trách nhiệm của các đối tượng này. Cho đến khi chính sách được ban hành rồi, doanh nghiệp, hiệp hội mới nhảy dựng lên cho rằng quy định là trái luật, là rào cản... Điều này cần phải được khắc phục”, ông Sơn khẳng định.

Ts Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương: Các bộ, ngành chưa tích cực vào cuộc 

Cảm nhận của tôi trong thời gian qua về sự chuyển biến của các bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh là chưa tích cực, ngoại trừ có Bộ Tài chính, có hai đơn vị tiên phong như Cục Hải quan, Cục Thuế đã có chuyển biến khá. Hy vọng từ nay trở đi, với Chính phủ mới, với việc Thủ tướng Chính phủ cam kết mạnh mẽ về cải thiện môi trường kinh doanh, vì doanh nghiệp, vì người dân thì mọi việc sẽ chuyển biến rõ rệt. Tinh thần đổi mới đó thể hiện hết sức rõ nét trong 10 nguyên tắc chỉ đạo trong Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 mới đây. Chúng ta cũng có rất nhiều bộ trưởng mới, và hy vọng tinh thần cam kết của Thủ tướng sẽ được truyền xuống, thấm vào các bộ trưởng, Chủ tịch UBND địa phương. Trong nhiều cuộc hội nghị với doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh ta thấy sự có mặt của Thủ tướng hoặc lãnh đạo của Văn phòng Chính phủ. Điều này thể hiện rằng có một sự cam kết, đồng hành và tham gia theo dõi, đánh giá, thúc đẩy thực hiện từ phía Văn phòng Chính phủ. Tới đây, trực tiếp ở Văn phòng Chính phủ sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện triển khai Nghị quyết, 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ. Bên cạnh đó, các báo cáo với Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết cũng được báo cáo kịp thời, thường xuyên với tinh thần theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm chứ không phải định kỳ hàng tháng, quý mới báo cáo tại cuộc họp như trước đây. Với tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ cam kết, lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, không phải là đối tượng kiểm tra, kiểm soát. 

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình: Khắc phục tình trạng “cài cắm” lợi ích 

Muốn các chính sách của Nhà nước ra đời phục vụ hiệu quả doanh nghiệp thì tới đây cơ quan chủ trì soạn thảo cần lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp. Đây là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách, do đó đóng góp, phản ánh, phản biện của họ rất có giá trị thực tiễn. Điều này không những bảo đảm chính sách ra đời sẽ phù hợp thực tiễn quản lý, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp, mà còn khắc phục được tình trạng bất bình đẳng, cài cắm lợi ích ngành, địa phương trong các chính sách về tạo môi trường kinh doanh. 

Bà Quách Thị Chi, Giám đốc Công ty TNHH Mường Thanh (Thanh Hóa): Không thể cứ “ngồi máy lạnh” để làm chính sách 

Doanh nghiệp chúng tôi khổ lắm, công trình, dự án làm xong rồi, đi thanh toán mà như đi “xin” của Nhà nước. Các cơ quan chức năng nên đến trực tiếp doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm hiểu, xem DN muốn gì, khó khăn ở đâu, còn “ngồi máy lạnh” mà làm chính sách thì không hiểu được khó khăn của DN hiện nay đâu. Hơn nữa, chính sách đã đúng rồi, nhưng thực tiễn thực hiện cũng cần phải được giám sát chặt chẽ, cần có sự ràng buộc trách nhiệm với người thực thi luật, có như vậy DN mới không bị đè nén, bị đối xử không công bằng.


Xuân Hương
Loại bỏ các loại “giấy phép con” cản trở doanh nghiệp
Loại bỏ các loại “giấy phép con” cản trở doanh nghiệp

Trong quá trình rà soát điều kiện kinh doanh, Bộ nào muốn duy trì các ‘giấy phép con’sẽ phải chứng minh sự cần thiết của điều kiện đó”...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN