Xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt

Trong 5 tháng đầu năm 2011, hơn 1.000 lượt doanh nghiệp đã tổ chức 50 đợt bán hàng về nông thôn, thu hút hàng triệu lượt người tiêu dùng tham gia. Đã có tới 58% người tiêu dùng, đặc biệt là bà con nông dân các huyện ngoại thành quan tâm đến hàng Việt. Tuy nhiên, để cuộc vận động này trở nên sâu rộng vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục, đó là nhận định của nhiều đại biểu tại Hội nghị sơ kết phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, do Bộ Công Thương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tổ chức ngày 7/6.

Bài toán chất lượng sản phẩm và hệ thống phân phối

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến thị trường trong nước, người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm hơn các sản phẩm trong nước.

Hội chợ hàng khuyến mại 2011 (Hà Nội), hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Thông qua việc thường xuyên sử dụng 3 loại sản phẩm hàng hóa mà phụ nữ tiêu dùng nhiều là sữa, giày dép và hàng may mặc, các thành viên của Câu lạc bộ người tiêu dùng nữ Hà Nội cho rằng chất lượng của 3 loại hàng hóa trên đã được cải tiến nhiều, thậm chí nhiều chị em còn mua sản phẩm Việt Nam để gửi cho con cháu đi học tập và làm việc ở nước ngoài. Nhưng cũng vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng mẫu mã của sản phẩm Việt Nam chưa phong phú, vẫn còn khoảng cách về chất lượng so với hàng ngoại: “Hàng Việt mới đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng ở phân khúc hàng trung bình nhưng ở phân khúc hàng cao cấp thì các doanh nghiệp vẫn chưa thỏa mãn hết nhu cầu của người tiêu dùng về kiểu dáng, chất liệu...”, bà Nguyễn Quỳnh Chi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ người tiêu dùng nữ Hà Nội nhận xét. Người tiêu dùng cũng có phần hoang mang khi nhiều hội chợ lấy danh nghĩa quảng bá hàng Việt Nam nhưng lại bán hàng ngoại nhập, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng cho rằng: Hiện năng lực của một số doanh nghiệp nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước; chưa cạnh tranh được với hàng nhập ngoại, đặc biệt là vật tư, thiết bị chuyên ngành phục vụ sản xuất... Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp chưa chú trọng đến công tác nghiên cứu thị trường, hỗ trợ xây dựng sản phẩm thương mại phát triển trên thị trường nội địa. Thậm chí, chưa thực sự quan tâm đến thị trường nội địa, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Không chỉ có vậy, theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA): Trong hoạt động đưa hàng về nông thôn vẫn còn tình trạng doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để tiêu thụ các mặt hàng tồn kho, hàng quá hạn sử dụng…. làm ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng. Mặc dù chính phủ đang kêu gọi các cơ quan nhà nước tăng cường sử dụng hàng nội trong mua sắm công, nhưng nhiều bệnh viện, cơ sở y tế vẫn lựa chọn sản phẩm ngoại nhập với giá đắt hơn gấp hàng chục lần.

Chương trình kích cầu tiêu dùng của Hapro tại huyện Quốc Oai (Hà Nội) được đông đảo người dân hưởng ứng. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Hệ thống phân phối hàng Việt chưa lan tỏa sâu rộng cũng là bài toán khó trong việc tăng thị phần cho hàng Việt. Các doanh nghiệp sản xuất cho biết, giá thuê mặt bằng bán lẻ ở thành phố quá đắt đỏ và tăng nhanh. Dù có tới 70% dân số sống ở nông thôn nhưng việc phát triển hệ thống phân phối ở thị trường nông thôn cũng gặp nhiều khó khăn do lâu nay, thị trường này vẫn bị bỏ ngỏ.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, bà con nông dân mong muốn có nhiều đợt bán hàng về khu vực nông thôn để có dịp mua sắm hàng hóa đảm bảo chất lượng với giá rẻ. Việc các doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về tiêu thụ tại thị trường nông thôn không chỉ giúp tăng doanh số bán hàng mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thương mại tăng tỷ trọng hàng hóa có nguồn gốc nội địa trong cơ cấu sản phẩm, mở rộng hệ thống phân phối bán lẻ.

Để cuộc vận động lan tỏa sâu rộng

Mặc dù đã thu được một số kết quả nhất định nhưng theo phản ánh của các địa phương, tại nhiều nơi, cuộc vận động vẫn còn mang tính hình thức, chưa lôi kéo được sự tham gia sâu rộng của các doanh nghiệp. Tại nhiều địa phương, mặc dù các sở công thương đã chủ động xây dựng chương trình hành động để thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhưng vẫn còn mang tính riêng lẻ, chưa gắn kết cho nên chưa phát huy hết sức mạnh của các địa phương lân cận. Nhiều giải pháp đẩy mạnh cuộc vận động của bộ, ngành ở Trung ương chủ yếu vẫn mang tính chung chung. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, đã có đến 42/63 tỉnh, thành chưa xây dựng kế hoạch triển khai cuộc vận động trong năm 2011 nên cuộc vận động hiện mang nặng tính “thời vụ” và có chiều hướng lắng xuống.

Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng thừa nhận: Có tình trạng này là do các cơ chế chính sách trong việc chống hàng giả, gian lận thương mại… chưa được giải quyết triệt để, dẫn đến môi trường lành mạnh cho hàng nội chưa được thực hiện tốt. Nhận thức của không ít cấp ủy còn hạn chế dẫn đến buông lỏng việc tổ chức thực hiện.

Nhằm tạo ra một sự lan tỏa mạnh mẽ trong việc hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong thời gian tới, ông Kim cho rằng: Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, vận động…, Nhà nước cần đẩy mạnh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất. Các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, xây dựng chiến lược quảng bá đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng.

Đồng tình với ý kiến này, bà Hồ Thị Kim Thoa cho rằng: Để hàng Việt Nam giảm giá thành, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách giảm thiểu chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa. Bên cạnh đó cần có một cơ chế chính sách rõ ràng để cuộc vận động đến với từng người tiêu dùng, từng người dân, chứ không chung chung, hình thức. Trước hết là tập trung sản xuất ra hàng hóa đảm bảo đúng yêu cầu với giá thành cạnh tranh. Xây dựng bản đồ hệ thống phân phối ở Việt Nam phù hợp với điều kiện mở cửa hệ thống bán lẻ theo cam kết gia nhập WTO từ 1/1/2009, giúp hàng hóa Việt Nam có thể bám rễ vững chắc tại thị trường nội địa. Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc mở rộng mạng lưới phân phối. Ngoài ra Ban chỉ đạo cuộc vận động cần đề xuất, xây dựng các phương án cho các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng được vay vốn ưu đãi; xây dựng phương án hoạt động thống nhất, từ đó tránh được tình trạng tổ chức riêng lẻ của các địa phương. Bộ Khoa học - Công nghệ xây dựng các tiêu chí cụ thể về hàng hóa thương hiệu Việt. Nhằm xây dựng hệ thống phân phối hàng Việt, Chính phủ cho phép Bộ Công Thương xây dựng đề án quốc gia về phát triển thương mại trong nước.

Nâng cao năng lực sản xuất và tính cạnh tranh của hàng Việt

Tại Hội nghị sơ kết phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh: Để thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp, không thể thiếu cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Cuộc vận động có hiệu quả tích cực, có tác dụng lồng ghép với việc thực hiện Nghị quyết số 11, Nghị quyết số 02 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. 

Phó Thủ tướng cho biết, hiện tại sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước, tỷ lệ nhập siêu của nước ta vẫn cao, trong đó tập trung vào máy móc, thiết bị phụ tùng... Trong tình hình hiện nay, tiềm năng cho phát triển ngành sản xuất trong nước là rất lớn, chính vì vậy, khi người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì doanh nghiệp cũng phải chú trọng sản xuất, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm... Phó Thủ tướng bày tỏ nhất trí với những đánh giá về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ trong 5 tháng đầu năm 2011, những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện của Ban chỉ đạo và các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động trong thời gian tới; trong đó cần chú trọng hơn nữa đến công tác tuyên truyền về cuộc vận động. Công tác tuyên truyền cần thiết thực hơn, đi vào lòng dân hơn, cần tiến hành lâu dài, bền bỉ bởi đây là cuộc vận động xây dựng nếp văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam đối với sản phẩm trong nước. Bên cạnh đó, ngoài việc nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ phải nâng cao năng lực sản xuất, tính cạnh tranh của sản phẩm, còn rất cần sự ủng hộ của người dân, của xã hội đối với sản phẩm mang thương hiệu Việt. Cần xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá, có số liệu phân tích cụ thể, có giải pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém đối với từng ngành hàng, ngoài ra, cần kiểm soát và chỉ đạo quyết liệt đối với công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Các bộ, ngành cần có những chỉ đạo sâu hơn, kỹ hơn đối với từng doanh nghiệp, từng ngành hàng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xã hội...     


Thu Hường - Bích Thủy thực hiện
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN