Xây dựng thương hiệu chè Yên Thế

Cùng với sản phẩm gà đồi, huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã và đang phát triển thương hiệu Chè Yên Thế. Cây chè được huyện xác định là loại cây chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho bà con nông dân. Sản phẩm này cũng vừa được UBND tỉnh Bắc Giang xác định là một trong 14 sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh.

Về xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang những ngày này, ngắm những đồi chè xanh mướt, trải dài đang được bà con tất bật thu hái cho kịp lứa, thấy rằng trồng chè là một hướng đi đúng đắn cho người dân nơi đây. 

Xuân Lương là xã có vùng chuyên canh chè lớn nhất của huyện, đến nay toàn xã có gần 300 ha chè, chiếm 60% tổng diện tích chè toàn huyện, bình quân mỗi hộ trồng từ 3 - 4 sào chè. 

Ông Ninh Quảng Nghiệp, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lương cho biết, nhờ phát triển cây chè theo hướng hàng hóa mà đời sống của người trồng chè trong xã đã khấm khá lên rất nhiều. Cây chè đã trở thành cây trồng xóa đói, giảm ngèo, làm giàu cho bà con trong xã. Mỗi năm sản lượng bình quân đạt từ 6 - 8 tấn/ha, người dân thu lãi khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng/hộ. 

Mô hình chè giống mới ở Xuân Lương (huyện Yên Thế). Ảnh: Đồng Thúy - TTXVN

Gia đình anh Hoàng Văn Hà, bản Ven, xã Xuân Lương đã trồng chè từ rất lâu, nhưng trước đây do sản xuất thủ công, lạc hậu lên năng suất chè không cao dẫn đến thu nhập thấp. Những năm gần đây, gia đình anh mạnh dạn chuyển đổi hướng canh tác, được hỗ trợ về giống, kỹ thuật sản xuất lên thu nhập từ chè lớn dần. Anh Hà cho biết, với 7 sào chè, mỗi năm cho thu từ 7 - 8 lứa, trừ chi phí gia đình tôi thu về khoảng gần 100 triệu đồng/năm. 

Không chỉ xã Xuân Lương mà các xã khác trong huyện như Canh Nậu, Đồng Tiến, Đồng Tâm, Đồng Vương, Tam Tiến… cũng đang dần mở rộng diện tích trồng chè, hướng tới mở rộng diện tích trồng chè ra toàn huyện. Hiện, huyện Yên Thế có khoảng 500 ha chè đang cho thu hoạch, sản lượng đạt hơn 2,3 nghìn tấn chè búp tươi, với mức giá bán bình quân 15 nghìn đồng/kg, sẽ cho thu về hàng chục tỷ đồng. Nhận thấy lợi ích từ cây chè mang lại, huyện Yên Thế dự kiến mở rộng diện tích trồng chè lên 700 ha vào năm 2020. 

Vì vậy, huyện đã xây dựng và triển khai nhiều đề án phát triển sản xuất chè như nâng cao chất lượng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa giai đoạn 2010 - 2015; phát triển vùng trồng chè chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020; cải tạo nương chè già cỗi. Cùng với việc mở rộng diện tích, huyện khuyến khích bà con nông dân đưa các giống chè mới như chè Kim Tuyền, PH1, LDP2... vào canh tác thay thế giống cũ. Các giống chè mới được đưa vào trồng cho năng suất đạt từ 9 - 10,5 tấn/ha/năm, tăng từ 3 - 3,5 tấn/ha/năm so với năng suất giống chè đã trồng cũ. 

Đặc biệt, thời gian qua, huyện Yên Thế đã tập trung chỉ đạo thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất chè theo quy trình VietGAP, có sự lồng ghép khoa học kỹ thuật với bí quyết hái chè, chế biến, sao, bảo quản, lấy hương của người dân tộc Cao Lan, từ đó tạo ra những sản phẩm chè độc đáo, thơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Ông Phan Anh Tuấn, Giám đốc Sản xuất Hợp tác xã chè Thân Trường cho biết: “Hợp tác xã phấn đấu nâng năng suất và chất lượng sản phẩm chè Yên Thế, quảng bá, mở rộng thị trường, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Vì vậy, trong quá trình sản xuất, Hợp tác xã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến. Hợp tác xã lựa chọn diện tích đất đạt tiêu chuẩn trồng chè; nhắc nhở các hộ ghi nhật ký theo dõi quá trình sinh trưởng của cây, hướng dẫn sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học đúng khuyến cáo, khi thu hái có cán bộ chuyên môn hướng dẫn trực tiếp”. Với việc chú trọng phát triển thương hiệu, chất lượng sản phẩm, năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho chè bản Ven, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế. 

Cùng với đó, huyện Yên Thế đã hỗ trợ kinh phí với mức 10 triệu đồng/ha cho hộ dân chăm sóc chè trồng mới; 5 triệu đồng/ha cải tạo nương chè già cỗi; hỗ trợ 20 triệu đồng/nhãn hiệu cho các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm chè; hỗ trợ liên kết, quảng bá sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm đầu ra ổn định cho cây chè. 

Ngoài ra, hằng năm, UBND huyện trích kinh phí hỗ trợ giống, vốn, vật tư, máy sấy chè cho các hộ nghèo sản xuất; mở lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc theo quy trình sạch. Chuyển hướng sản xuất sang quy trình trồng thâm canh bằng phương pháp VietGAP, hỗ trợ bà con xây dựng mô hình tưới tiết kiệm bằng công nghệ nhỏ giọt. Chế biến chè theo quy trình truyền thống của người Cao Lan để chè có nước xanh và mùi thơm đặc trưng giúp tăng tính cạnh tranh. 

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thế Nguyễn Thị Thanh Xuân cho hay, thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện quy hoạch vùng chè Yên Thế với mục tiêu phát triển cây chè thành một sản phẩm nông nghiệp hàng hóa thế mạnh, trong đó chú trọng việc đẩy mạnh sử dụng giống chè mới và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng chè thương phẩm, vận động bà con chú trọng nâng chất lượng sản phẩm chè, cam kết áp dụng đúng quy trình sản xuất an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo sản phẩm chè an toàn cho người tiêu dùng.
Phương Thúy
Người làm nên thương hiệu chè Mạc Điền
Người làm nên thương hiệu chè Mạc Điền

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân, nhà anh Nguyễn Cảnh Tuấn, xóm 4, xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An) tấp nập người tới đặt mua chè Mạc Điền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN