Xây dựng sân bay Long Thành là cảng hàng không quốc tế lớn - Bài 3

Kinh nghiệm của các quốc gia khác cho thấy, việc phát triển các cảng hàng không trở thành trung chuyển quốc tế cần theo lộ trình từng bước và phải có những chính sách hỗ trợ phù hợp của Nhà nước. 

Việc Cảng hàng không quốc tế Long Thành trở thành cảng hàng không trung chuyển quốc tế sẽ là lợi thế lớn để nước ta đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Theo phân tích của các chuyên gia, về lâu dài, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có những lợi thế khi so sánh với các cảng hàng không trong khu vực. Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng được quy hoạch đủ diện tích đất cần thiết để phát triển thành một cảng hàng không hiện đại, phát triển đồng bộ các dịch vụ hàng không và phi hàng không; được quy hoạch phát triển thành mô hình thành phố sân bay, bao gồm các trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch...

Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á với các đường bay Đông - Tây, Bắc - Nam, thuận lợi cho việc hành khách chuyển tiếp, đi đến châu Âu, Trung Đông, Nam Á, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ và châu Đại Dương, thuận lợi cho các hãng hàng không và liên minh hàng không chọn làm cảng hàng không căn cứ, xây dựng lịch bay nối chuyến cho hành khách, hàng hóa được hiệu quả nhất (thời gian chuyển tiếp nhanh).

Việt Nam có nền chính trị ổn định, là một thị trường tiềm năng với hơn 90 triệu dân được dự báo là khu vực có tăng trưởng cao về hành khách sử dụng dịch vụ vận chuyển hảng không (đứng thứ ba trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam - nơi xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là khu vực kinh tế phát triển năng động, có nhu cầu vận chuyển hàng không cao nhất cả nước. Yếu tố dân số và tăng trưởng nội khu vực là lợi thế rất lớn khi so sánh với Singapore (dân số 5,4 triệu nguời), Hong Kong - Trung Quốc (dân số 6 triệu người), Malaysia (dân số 30 triệu người), Thái Lan (dân số 67 triệu người)... là cơ sở cần thiết để một cảng hàng không quốc tế phát triển bền vững và cạnh tranh về khai thác trung chuyển quốc tế.

Về xu thế phát triển của ngành hàng không trong khu vực, vùng phía Nam Việt Nam đã được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đánh giá có khả năng hình thành cảng hàng không trung chuyển để phục vụ cho Liên minh Hàng không Sky Team mà Vietnam Airlines đang tham gia.

Ngoài ra, việc lựa chọn vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được các cơ quan chuyên môn của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam nghiên cứu kỹ, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vị trí từ năm 2005. Tiếp đó, Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011. Các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác đã được phê duyệt cũng đồng bộ với việc hình thành nên Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nhiều công trình quy hoạch đã được triển khai đầu tư, nhất là các tuyến giao thông kết nối giữa Cảng hàng không quốc tế Long Thành với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng lân cận. Khu vực lựa chọn xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành có địa hình, địa chất, thủy văn không quá phức tạp, mặt bằng tương đối bằng phẳng, gần các nguồn cung cấp vật liệu lớn, rất thuận lợi cho việc xây dựng cảng hàng không. Khu vực Long Thành chủ yếu là diện tích trồng cây cao su, mật độ dân cư khu vực không cao do đó tác động môi trường gây ra là tối thiểu (ít ảnh hưởng về tiếng ồn, khí thải đến môi trường sống của các khu dân cư xung quanh), đảm bảo yếu tố bền vững.

Thực hiện dự án này sẽ góp phần hình thành khu vực công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao, tập trung lao động có tay nghề cao, qua đó không những tạo ra cơ sở vật chất trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà còn góp phần to lớn trong việc tái cơ cấu lực lượng lao động, nâng cao trình độ kỹ thuật của nền kinh tế. Theo tính toán sơ bộ, việc đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ tạo việc làm cho khoảng 200.000 người lao động.

Theo các chuyên gia, kết quả phân tích tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) là 24,5%, cao hơn tỷ suất chiết khấu trung bình xã hội (mức tiêu chuẩn EIRR cho các công trình công cộng tại Việt Nam trong khoảng từ 10 - 12%) nên Dự án có tính khả thi cao.

Bài 4: Ổn định cuộc sống của người dân
Hương Thủy (TTXVN)
Xây dựng sân bay Long Thành là cảng hàng không quốc tế lớn - Bài 2
Xây dựng sân bay Long Thành là cảng hàng không quốc tế lớn - Bài 2

Mục tiêu đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước hết là để khắc phục tình trạng quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng vận tải hàng không của khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN