Xây dựng nông thôn mới: Nhiệm vụ trọng tâm là tăng thu nhập cho nông dân

“Tôi cho rằng, phần lớn chủ doanh nghiệp là con em nông dân. Nếu chúng ta biết kêu gọi lòng yêu quê hương đất nước, yêu quê cha đất tổ, họ sẵn sàng trở về đầu tư cho quê hương để giúp dân làm giàu. Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp làm như thế. Họ đầu tư ở chính làng quê của mình là để đền ơn, trả nghĩa cho người nông dân, cho tổ tiên nơi sinh ra mình. Chúng ta cần có hình thức khích lệ, khuyến khích để nhân rộng điều đó” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Hồ Xuân Hùng chia sẻ về chương trình xây dựng nông thôn mới.

Không ai hiểu nông thôn bằng chính nông dân

Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới (NTM) tại 11 xã điểm của Trung ương đang phát huy hiệu quả. Qua thí điểm chúng ta đã hình dung khá rõ nét về hình hài NTM tại Việt Nam. Xin ông nói rõ hơn về kết quả này?

Có thể nói, đến nay hình hài NTM đã rõ, trong đó điểm nổi bật là quy hoạch khác với sự phát triển tùy tiện trước đây; các vấn đề liên quan đến sản xuất, chuyển đổi ngành nghề được tập trung giải quyết sản xuất, góp phần nâng cao đời sống người dân; hạ tầng nông thôn được thực hiện bài bản, hiện đại hơn. Tính đến hết nửa đầu năm nay đã có 10/11 xã hoàn thành cả quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Hiện ở 11 xã đã hoàn thành được 902/1.188 công trình hạ tầng theo kế hoạch, đạt 76% kế hoạch đề ra, trong đó 2 xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) và Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đã cơ bản đạt tiêu chí về hạ tầng. Tiêu chí này cũng được các xã coi như khâu đột phá trong xây dựng NTM.
Hình hài NTM theo 19 tiêu chí đã hình thành ngày càng rõ rệt. Từ chỗ khởi đầu xã cao nhất chỉ đạt 8 tiêu chí, xã đạt thấp nhất là 2 tiêu chí, còn lại đa số là 3 - 4 tiêu chí; đến nay xã đạt cao nhất là 16 tiêu chí. Các xã còn lại phổ biến đạt 10 - 15 tiêu chí. Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng thí điểm mô hình NTM Trung ương đặt ra mục tiêu, đến cuối năm 2011, các xã đã đạt 14 tiêu chí trở lên sẽ cơ bản đạt 19 tiêu chí, các xã còn lại phải phấn đấu hoàn thành thêm 2 - 3 tiêu chí. Trong đó, tất cả các xã phải đạt yêu cầu về tiêu chí giao thông, điện, nước sạch và vệ sinh môi trường, văn hóa để tạo ra chuyển biến rõ rệt bộ mặt nông thôn.

Phát triển nghề chế biến mỳ sợi của một gia đình ở thôn Dinh, Xã Tân Thịnh thuộc huyện Lạng Giang (Bắc Giang) là 1/11 xã của toàn quốc thực hiện thí điểm mô hình “ Nông thôn mới ”. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Một trong những yêu cầu của chương trình là việc người dân tham gia làm chủ thể xây dựng NTM. Vấn đề này được thực hiện ra sao?

Mục tiêu xây dựng NTM không phải chỉ là điện, đường, trường, trạm, là cơ sở hạ tầng, mà cái chính là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Mọi việc làm đều phải hướng vào mục tiêu này, trong đó nông dân phải là chủ thể. Trong xây dựng NTM tại 11 xã điểm, điều này thể hiện rất rõ từ khâu làm quy hoạch cho đến quyết định đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Tuy nhiên, tại các xã khác, trong quá trình làm quy hoạch, không ít địa phương còn dựa vào tư vấn, thậm chí ỷ lại vào tư vấn. Điều này là sai bởi không ai hiểu nông thôn bằng chính những người nông dân đang sinh sống ở đó. Việc làm quy hoạch lần này để hiện đại hóa nông thôn, chứ không phải phá nông thôn cũ để làm NTM cho nên buộc phải lấy ý kiến người dân và tự người dân quyết định, chúng ta không làm thay họ được.

Thực tế hiện nay là nhiều địa phương mới chỉ tập trung đầu tư làm hạ tầng mà chưa chú trọng đến khâu sản xuất, nâng cao thu nhập người dân. Còn có tư tưởng coi tư duy về chương trình theo kiểu tư duy dự án, trong khi với mục tiêu tổng thể của cả chương trình, nếu tư duy theo kiểu dự án thì sẽ có những mục tiêu không thể thực hiện được.

Đúng! Không thể tư duy dự án được mà xây dựng NTM là một cuộc vận động của toàn Đảng, toàn dân. Do vậy, chúng ta mới phát động cả nước chung tay xây dựng NTM. Tuy nhiên, có những việc làm cụ thể như xây mới một trường học thì thực chất là một dự án chứ không thể nói khác được. Còn tổng thể chương trình là một cuộc vận động. Nghị quyết đã khẳng định xây dựng hạ tầng là khâu căn bản. Mà thay đổi bộ mặt nông thôn thì phải hiện đại hóa hạ tầng, đấy là một yêu cầu thực sự, chính đáng. Nhưng trong chương trình NTM không chỉ có hạ tầng, mà hạ tầng chỉ là một nội dung, còn quá trình chuyển đổi sản xuất là phải có thời gian.

Tăng thu nhập cho nông dân - khó nhưng nhất định phải làm

Tăng thu nhập cho nông dân và chuyển đổi cơ cấu lao động là những tiêu chí trọng tâm, mang tính cốt lõi của chương trình xây dựng NTM, nhưng với rất nhiều địa phương, đây là tiêu chí khó, không dễ để đạt được. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Trước hết, tôi khẳng định khi soạn thảo các tiêu chí này chúng tôi đã biết là rất khó chứ không phải không biết, nhưng khó cũng vẫn phải làm vì khi xây dựng chương trình, chúng ta xác định xây dựng NTM là phải làm cho đời sống kinh tế của người dân giàu có hơn, đời sống văn hóa lành mạnh và giữ gìn bản sắc dân tộc, chứ không phải xây dựng NTM chỉ với mục tiêu là làm điện, đường, trường, trạm. Mà nếu vì mục tiêu để đời sống của dân khá hơn, giàu hơn thì nhất định thu nhập của người nông dân phải tăng gấp 2 lần hiện nay. Nghị quyết cũng xác định phải tăng thu nhập cho nông dân chứ không thể NTM mà nông dân vẫn nghèo. Một thực trạng hiện nay là khoảng cách thu nhập của cư dân thành thị và nông thôn quá xa và càng ngày càng rộng ra. 85% hộ nghèo của cả nước sống ở nông thôn. Nếu chúng ta phấn đấu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 mà nông dân nghèo thì có là nước công nghiệp được không? Cho nên nhất định phải tăng được thu nhập cho nông dân, nâng cao đời sống vật chất của nông dân - đó là điều khó nhưng nhất định phải làm. Một số địa phương đề nghị chúng tôi sửa tiêu chí này, nhưng tôi khẳng định không thể sửa. Còn nếu chúng ta vì bệnh thành tích mà rút tiêu chí đó đi thì chúng tôi không nỡ làm. Có thể 5 năm chưa đạt, thì 10 năm, 20 năm nhất định sẽ đạt, phải nâng được đời sống người dân lên. Qua thực tế hiện nay trong 11 xã điểm thì đã có 5 xã đạt tiêu chí này và đến năm 2015 có 20% số xã, năm 2020 cũng chỉ có 50% số xã của cả nước đạt tiêu chí này chứ đâu phải 100%.

Muốn tăng thu nhập thì phải giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp vì nước ta hiện nay bình quân một hộ sản xuất nông nghiệp chỉ có 0,61 ha đất sản xuất, vùng đồng bằng sông Hồng chỉ có 0,35 ha thì đưa công nghệ kiểu gì cũng không thể làm giàu được với quy mô như hiện nay. Vì vậy phải rút bớt lao động trong nông nghiệp ra. Năm 2011 chúng ta còn 11 triệu hộ lao động nông thôn, 51,9% lao động nông nghiệp, thì đến năm 2020 cứ 3 người làm nông nghiệp phải rút đi chỉ còn 1 người, 2 người kia phải chuyển đổi ngành nghề khác. Muốn chuyển phải đào tạo nghề để làm phi nông nghiệp. Chúng tôi cũng biết điều này rất khó vì 20 năm đổi mới chúng ta cũng chỉ giảm được hơn 20% lao động trong nông nghiệp. Trong 10 năm tới cũng phải giảm hơn 10% nữa là khó lắm, nhưng vẫn phải làm.

Với 5/11 xã thí điểm đã đạt tiêu chí khó này, sự khác biệt của những xã này so với các xã khác là gì, thưa ông?

Có cả hai yếu tố. Thứ nhất là các xã đạt có điều kiện phát triển hơn. Thứ hai là sự quan tâm, đầu tư vào khâu sản xuất, nâng cao thu nhập tốt hơn. Như xã Tân Hội (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) trong những năm qua các DN về đầu tư phát triển nghề trồng rau rất nhanh. Hay ở Tân Thịnh (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) là nhờ Tổng công ty Thuốc lá đưa đơn đặt hàng về cho người dân. Nhìn chung, nơi nào kéo được DN về thì phát triển nhanh, còn các nơi khác thì đúng là đang có khó khăn trong việc nâng cao thu nhập cho nông dân.

Có thể nói đưa DN về với nông thôn được coi là chìa khóa để giải quyết nhiều tiêu chí kinh tế của NTM hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế vì nhiều lý do DN chưa “mặn mà” với nông nghiệp - nông thôn. Vấn đề này theo ông nên giải quyết thế nào?

Đúng là trong 3 năm triển khai thí điểm thì một trong những vấn đề chúng tôi nhận thấy là DN chưa về với nông thôn. Mà chừng nào chúng ta chưa đưa được DN về thì nông thôn chưa thể phát triển vì DN là cầu nối rất tốt cho nông dân. DN đưa khoa học công nghệ về cho nông dân nhanh nhất; DN là nơi chuyển dịch được cơ cấu lao động, rút được lao động ra khỏi nông nghiệp và DN cũng chính là nơi tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nên nếu chúng ta không nỗ lực để đưa được DN về nông thôn thì sẽ còn rất khó khăn.

Thực ra, khi xây dựng chương trình này phương châm đặt ra là phải dùng công nghiệp tác động vào nông nghiệp, dùng đô thị tác động vào nông thôn, dùng công nhân, thương nhân, trí thức tác động vào nông dân, chứ không thể Nhà nước làm thay. Vừa rồi Chính phủ đã ban hành Nghị định 61, giúp kéo DN về nông thôn bằng những chính sách cụ thể vì nông thôn hạ tầng kém, kinh doanh nông nghiệp rủi ro cao, do đó phải có chính sách hỗ trợ. Nếu địa phương không có những cơ chế cụ thể của mình thì cũng không thể thực hiện được, ví dụ như chủ trương của Chính phủ là ưu tiên bố trí đất cho những DN đầu tư về nông thôn, nhưng cụ thể thế nào phải do địa phương thực hiện. Thứ hai là chính sách tài chính cần có những ưu đãi cụ thể. Thứ ba là tôi cho rằng phần lớn chủ DN là con em nông dân. Nếu chúng ta biết kêu gọi lòng yêu quê hương đất nước, yêu quê cha đất tổ, họ sẵn sàng trở về đầu tư cho quê hương để giúp dân làm giàu. Hiện nay đã có nhiều DN làm như thế. Họ đầu tư ở chính làng quê của mình là để đền ơn, trả nghĩa cho người nông dân, cho tổ tiên nơi sinh ra mình. Chúng ta cần có hình thức khích lệ, khuyến khích để nhân rộng điều đó...

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Phạm Thanh Hương(thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN