Xây dựng nhiều công trình giao thông trọng điểm

Việc tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chính là giải pháp mang tính căn cơ để thực hiện thành công 1 trong 6 chương trình đột phá của thành phố nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông.

Tuyến Metro số 1 đang được triển khai thi công.


Đột phá phát triển giao thông đô thị

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng chỉ riêng trong năm 2014, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 19 công trình giao thông trọng điểm như: hệ thống các cầu Lê Văn Sỹ, cầu Bông, cầu Hậu Giang, cầu Kiệu, cầu Ông Buông… Việc đưa vào sử dụng tuyến đường Phạm Văn Đồng đi qua 4 quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức tạo nên tuyến huyết mạch kết nối trung tâm thành phố với các khu đô thị vệ tinh và các tỉnh lân cận Bình Dương, Đồng Nai, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Hệ thống đường vành đai phía Đông, đường Nguyễn Thị Thập, nút giữa đường cao tốc và đường vành đai 2 cũng được cải tạo, nâng cấp… đã góp phần rấn lớn vào việc giảm áp lực giao thông khu vực nội thành. Đặc biệt là tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đưa vào sử dụng đã góp phần quan trọng trong việc kết nối, phát triển vùng kinh tế phía Đông thành phố với các tỉnh, tác động lớn đến kinh tế - xã hội thành phố.

Một trong những minh chứng rõ rệt cho những hiệu quả từ chính sách phát triển hạ tầng giao thông thành phố là số vụ kẹt xe kéo dài hơn 30 phút trên địa bàn trong thời gian gần đây đã giảm hẳn. Thống kê của ngành giao thông cho thấy, trong năm 2014 chỉ xảy ra một vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút tại Khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả. Tình trạng ùn tắc giao thông cũng chỉ xảy ra cục bộ tại một số khu vực ngập do mưa và triều cường cùng lúc. Hiện nay, thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị. Dự án này được xem là một trong những mục tiêu trọng tâm nhằm cải thiện một cách căn cơ hệ thống giao thông đô thị thành phố.

Theo BQL Đường sắt đô thị, thành phố đang triển khai thực hiện 3 tuyến đường sắt đô thị 1, 2 và số 5.

Theo BQL dự án, hiện nay tiến độ các gói thầu đang được triển khai khá tốt. Riêng tiến độ thực hiện tuyến Metro số 1, gói thầu số 1a “Xây dựng đoạn ngầm từ Nhà ga Bến Thành đến Nhà hát thành phố” đã hoàn tất phần thiết kế kỹ thuật. Dự kiến gói thầu này sẽ tổ chức mời thầu vào cuối quý 1/2015 và hoàn thành vào cuối năm 2019. Gói thầu số 1b “Xây dựng đoạn ga ngầm từ Nhà hát thành phố đến ga Ba Son”, hiện cũng đã được ký dự án với nhà thầu liên danh Shimizu - Maeda vào ngày 21/7/2014.  Đối với gói thầu số 2 “Xây dựng trên cao và depot” dài 17,1 km, đã ký hợp đồng với tổng thầu EPC. Nhà thầu đã triển khai thi công đại trà từ cuối năm 2013, đạt khoảng  26% khối lượng…

Ông Lê Khắc Huỳnh, Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị cho biết: “Với 5 gói thầu chính  trong dự án này, hiện chúng tôi đang tập trung triển khai nhằm đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Nhà thầu cũng đang triển khai thi công trước phần nhà ga Nhà hát thành phố giai đoạn 1. Đây là giai đoạn đặc biệt nhằm đảm bảo đồng bộ với dự án nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ (quận 1) theo chỉ đạo của UBND thành phố. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện sàn mái nhà ga phạm vi giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi và hoàn trả mặt bằng vào ngày 5/2/2015 để Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 thi công nâng cấp đường Nguyễn Huệ”. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, công tác giải phóng mặt bằng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ công việc. Hiện nay vẫn còn một trường hợp trên địa bàn tỉnh Bình Dương chưa được giải tỏa, ảnh hưởng đến việc thi công gói thầu số 2.

Vốn xã hội hóa bị “chững” lại

Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, nguồn vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông trong năm 2014 khoảng trên 10.000 tỷ đồng, trong đó, sử dụng từ ngân sách hơn 7.000 tỷ đồng, vốn ODA hơn 2.300 tỷ đồng. Chưa kể các công trình đầu tư theo hình thức BT, BOT… Điều này cho thấy nhu cầu vốn cho việc phát triển hạ tầng giao thông thành phố hiện nay rất lớn.


Trong đó Dự án xây dựng tuyến metro số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên có tổng chiều dài là 19,7 km đi qua các quận 1, 2, Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 9, bao gồm 2,6 km đoạn tuyến đi ngầm, 17,1 km đoạn đi trên cao. Tổng mức đầu tư của dự án là trên 236 triệu yên Nhật, thời gian xây dựng hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt đô thị số 1 là vào năm 2019 và đưa vào vận hành năm 2020. Tuyến Metro số 2 đi từ Bến Thành - Tham Lương có tổng chiều dài 11,3 km, đi qua địa bàn các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Trong đó có đoạn đi ngầm dài 9,3 km, đoạn chuyển tiếp dài 0,2 km, đoạn đi trên cao 0,8 km và đoạn đầu nối vào khu depot dài 1 km. Tổng mức đầu tư của tuyến này là 1.374,5 triệu USD, tương đương 26,116 tỷ đồng Việt Nam. Tuyến Metro số 5 hiện đang trong giai đoạn nghiên cứu chờ phê duyệt.

Thực tế trong thời gian vừa qua cho thấy, nguồn vốn dành cho giao thông cũng đã được thành phố ưu tiên khá lớn, nhưng cũng chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông. Nếu tính từ năm 2011 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hơn 24.778 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông. Trong đó có hàng nghìn tỷ đồng đã được huy động từ nguồn xã hội hóa từ các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư theo hình thức PPP, BOT, BTO, BT…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông thực tế hiện nay, thành phố đang gặp khó khăn khi thực hiện xã hội hóa nguồn vốn cho các công trình giao thông. Cụ thể tại khu vực cửa ngõ phía tây bắc thành phố chỉ có duy nhất tuyến đường Cộng Hòa - Trường Chinh để đi vào thành phố. Đây là một trong những tuyến đường thường xuyên rơi vào tình trạng kẹt xe, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Nhưng việc huy động vốn xã hội hóa ở tuyến đường này không được các nhà đâu tư mặn mà vì khu khu đô thị vệ tinh tây bắc thành phố vẫn chưa thực sự “sôi động”. Hoặc tuyến giao thông khép kín đường vành đai 2 từ cầu Rạch Chiếc qua Bình Thái đến Gò Dưa, cầu đường Bình Tiên, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao Mỹ Thủy, đường Lương Định Của, cầu vượt nút giao Ngã Sáu Gò Vấp, mở rộng quốc lộ 1A từ nút giao Tân Kiên đến nút giao Bình Thuận… là một tuyến giao thông rất quan trọng, nhưng hiện vẫn chưa thể hoàn thiện do thiếu nguồn vốn thực hiện.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính khiến việc huy động vốn từ nguồn xã hội hóa khó khăn là do ảnh hưởng chung của nền kinh tế. Mặt khác, việc đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) hiện cũng rất khó thực hiện do người dân phản ứng gay gắt với tình trạng trạm thu phí quá dày đặc. Các hình thức hợp tác công tư PPP (Nhà nước cho phép tư nhân cùng tham gia đầu tư vào các dịch vụ hoặc công trình công cộng của Nhà nước) thì nhiều nhà đầu tư còn e dè do tiềm ẩn nhiều rủi ro khi hệ thống hành lang pháp lý chưa rõ ràng, đòi hỏi phải có những mô hình thí điểm để kiểm chứng trong thời gian tới. Để giải quyết những vấn đề này, đòi hỏi thành phố cần có những chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi cũng như cần có cơ chế thông thoáng hơn nữa để nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào lĩnh vực giao thông.   


Lê Hiền - Anh Đức
Sẽ khai thác 6 công trình giao thông trọng điểm

Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã công bố tiến độ các công trình giao thông trọng điểm sẽ đưa vào sử dụng đầu năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN