Xây dựng HTX nông nghiệp kiểu mới - Bài 2:

BẤT CẬP VỀ NHẬN THỨC

Quá trình phát triển hợp tác xã (HTX) kiểu mới ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang tiềm ẩn nguy cơ chệch hướng, thậm chí đi ngược lại quan điểm xây dựng HTX kiểu mới của Đảng và Nhà nước khi nhận thức của không ít cán bộ, thành viên HTX về HTX kiểu mới và Luật HTX chưa rõ ràng.

Hiệu quả, nhưng...

Từ năm 2012, HTX chăn nuôi và thủy sản Gò Công (tỉnh Tiền Giang) đã có những bước đi chuẩn xác với cách tổ chức chăn nuôi an toàn theo chuỗi giá trị và có đầu ra ổn định khi liên kết với Công ty TNHH San Hà (chuyên giết mổ, phân phối sản phẩm gia cầm với thị phần khá lớn tại TP Hồ Chí Minh) bao tiêu sản phẩm. Theo ông Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc HTX, lợi nhuận cả năm 2014 của 45 thành viên HTX lên đến hơn 4 tỷ đồng, thu nhập bình quân mỗi hộ chăn nuôi khoảng 100 triệu đồng. Thế nhưng, lợi nhuận của HTX chỉ đạt 21 triệu đồng. Con số này cho thấy con đường xây dựng HTX kiểu mới của đơn vị kinh tế tập thể này còn nhiều vấn đề phải bàn.

Kho thức ăn chăn nuôi do ông Kiệt đứng ra đảm trách phân phối cho các thành viên trong quy trình chăn nuôi.


HTX chăn nuôi và thuỷ sản Gò Công có tổ chức bộ máy đúng theo Luật HTX năm 2012 với vốn điều lệ 68 triệu đồng. Tuy nhiên theo ông Kiệt, vốn hoạt động của toàn bộ thành viên HTX hiện lên đến 13,5 tỷ đồng từ việc phát huy tối đa nguồn vốn nội lực của từng thành viên được phân công đảm nhận một khâu trong quy trình chăn nuôi. Cụ thể: Lò ấp được đầu tư 1 tỉ đồng, cửa hàng thuốc thú y có vốn đầu tư 2 tỷ đồng, cửa hàng thức ăn gia cầm là 4 tỷ đồng, mỗi chuồng trại nuôi 1.000 con gà có trị giá khoảng 60 triệu đồng...

“Thành viên nào phụ trách lò ấp thì tự đầu tư đất và trang thiết bị. Cung cấp thức ăn và cửa hàng thuốc thú y thì vợ chồng tôi chịu bỏ tiền xây kho, mua thức ăn về bán lại cho xã viên, khi bán gà mới thu lại. Điều này có nghĩa là chúng tôi huy động nội lực từng người, thí dụ anh muốn vô nuôi gà thì anh phải xây cái chuồng vài chục triệu để nuôi 1.000 con, chứ không phải HTX xuống xây cho. Việc ký hợp đồng với Công ty San Hà thì đích thân xã viên hưởng. HTX hoạt động chỉ làm công tác nghiệp vụ và để có tiền chi phí cho hoạt động HTX, cửa hàng thuốc thú y, thức ăn, lò ấp... phải nộp lệ phí”, ông Kiệt cho biết.

Theo ông Kiệt, vốn của HTX bao gồm vốn góp và vốn hoạt động. Trong đó, vốn góp do thành viên đóng góp và HTX quy định cổ phần tối thiểu của mỗi thành viên là 1 triệu đồng, không khuyến khích đóng nhiều hơn. HTX có chủ trương mỗi thành viên làm giàu bằng chính hình thức chăn nuôi theo quy trình của HTX là chính. Việc chia lãi hàng năm của HTX là phụ. Chủ trương này tránh được sự đố kỵ trong nội bộ với lý do người đóng nhiều, đóng ít gây mất đoàn kết nội bộ. Đồng thời giúp cho HTX tránh được áp lực về nguồn vốn để hoạt động, quản lý tài sản và hoạt động kế toán trở nên gọn nhẹ, tránh được tiêu cực trong công quỹ HTX.

Chưa phải là kinh tế tập thể

Không chỉ có HTX chăn nuôi và thủy sản Gò Công, theo ông Cao Văn Hóa, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, trước đây cũng có một số HTX triển khai theo cách làm này. Tuy nhiên, đây là cách làm chưa đúng hướng, thậm chí đi ngược lại quan điểm xây dựng HTX kiểu mới. Do vậy, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đã và đang rà soát lại để cũng cố. Bởi với cách thức tổ chức hoạt động của HTX như trên, liệu trong tương lương lai, HTX sẽ có bước phát triển tốt, hiệu quả hơn hay không? Nhưng rõ ràng trước mắt, với cách làm này sẽ có khả năng dẫn đến nguy cơ phân hóa, chia nhóm lợi ích của từng xã viên. Bên cạnh đó, khi có những dự án đầu tư các dịch vụ nông nghiệp của HTX đòi hỏi số vốn lớn, vượt quá khả năng của một số thành viên HTX đang đầu tư kiểu “phát huy nội lực của từng thành viên” như hiện nay thì sẽ triển khai như thế nào? Cần phải khẳng định rằng, ngay từ đầu triển khai tất cả các loại hình dịch vụ nông nghiệp của HTX phải dựa trên cơ sở vốn góp của tất cả thành viên HTX.

Mặt khác, dù hoạt động kinh doanh khá tốt, lợi nhuận của các xã viên ổn định, nhưng đến nay HTX chăn nuôi và thủy sản Gò Công vẫn chưa có trụ sở riêng mà văn phòng HTX được đặt tại... nhà riêng của chủ tịch HTX.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, nhìn nhận: “Dịch vụ nông nghiệp mà “tính tư nhân” là không trúng. Trong phát triển HTX kiểu mới, nếu từng khâu chia sẻ như vậy thì lợi ích tập thể không có nhiều. Dịch vụ đó phải là xã viên được hưởng, tập thể được hưởng, dịch vụ đó tạo lợi nhuận và chia lại cho tập thể theo cổ phần vốn góp. Còn ở đây, lợi nhuận đó là của từng người có điều kiện khai thác kinh doanh thì cái đó không đúng”.

Đảng và Nhà nước xác định, HTX không xóa bỏ, không làm thay vai trò chủ hộ sản xuất của người nông dân mà tự hạch toán bằng việc cung cấp các dịch vụ đầu vào với giá thấp hơn, chất lượng cao hơn, thực hiện qui hoạch sản xuất nông nghiệp, tổ chức tiêu thụ sản phẩm của hộ xã viên. Và từ thực tiễn 150 năm hình thành và phát triển HTX ở các nước trên thế giới đã xác định rõ các thành viên trong HTX tự giúp đỡ lẫn nhau, tự chịu trách nhiệm, tự quản lý, mỗi xã viên có quyền biểu quyết như nhau và điều quan trọng là xã viên vừa là chủ sở hữu HTX vừa là khách hàng mua, sử dụng dịch vụ của HTX. Nói rõ hơn, sản phẩm của HTX chính là các dịch vụ mà HTX cung ứng cho xã viên chứ không phải là các sản phẩm do bản thân các xã viên tạo ra và sẽ bán ra thị trường.


Anh Đức
Hợp tác xã… “ba không”
Hợp tác xã… “ba không”

Việc xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 hoàn toàn không phải là điều dễ dàng nếu như không thoát khỏi những “ám ảnh” về sự yếu kém, bất cập của phương thức hợp tác kiểu cũ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN